497. ☀ Khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt

Là con người, ai cũng có cội nguồn, cội nguồn đối với cá nhân là gia đình, là gia tộc, còn đối với một dân tộc, cội nguồn là quá khứ nơi dân tộc đó được sinh ra và “lớn lên”. Vấn đề tìm cội nguồn, là một vấn đề bức thiết, được nhiều dân tộc trên thế giới chú tâm tìm hiểu. Người Việt cũng như vậy, họ cũng rất quan tâm, trăn trở tới việc mình có nguồn gốc từ đâu, mình từ đâu sinh ra, và dân tộc mình lớn lên như thế nào.

Lịch sử của người Việt trong giai đoạn 2000 năm gần đây, là giai đoạn của những biến cố, khởi nguồn từ sự thất bại trong cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc, khiến dân tộc Việt phải chịu sự nô thuộc trong hơn 1000 năm, tới khi giành lại được độc lập, thì lại liên tục xảy ra các cuộc chiến tranh, nội chiến, một cuộc xâm lược, chiếm đóng và tàn phá văn hóa có chủ đích của kẻ thù, gần đây nhất, người Việt đã phải chịu nô thuộc cho người Pháp trong gần 100 năm. Những biến cố và phức tạp đó, đã khiến nguồn gốc và cội nguồn của văn hóa Việt bị mờ nhòa, việc xác định nguồn gốc người Việt trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Các giả thuyết về nguồn gốc của người Việt đã sớm được đưa ra trong giai đoạn Pháp thuộc bởi các học giả người Pháp. Trong các giai đoạn sau đó, nhiều thuyết khác nhau cũng đã được đưa ra bởi nhiều học giả bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài để giải thích nguồn gốc của người Việt, dựa trên các hướng nghiên cứu khác nhau. Số lượng thuyết được đề ra cho tới nay cũng không ít, nhưng chưa có thuyết nào đưa ra được một kiến giải trọn vẹn về nguồn gốc của người Việt.

Sự phát triển của khoa học hiện đại, đã cung cấp cho chúng ta một công cụ đáng tin cậy, có độ chính xác cao nhất, đó là sinh học phân tử, nghiên cứu nguồn gốc dựa trên hệ gen của con người. Bên cạnh đó, ngành khảo cổ học cũng cung cấp cho chúng ta một công cụ rất quan trọng song hành với di truyền để từ đó xác định nguồn gốc và tiến trình phát triển của người Việt và văn hoá Việt cổ xưa. Các công cụ tin cậy này sẽ đem lại những hy vọng mới, để chúng ta có thể tìm được cội nguồn thực sự của dân tộc mình.

Những nghiên cứu di truyền, khảo cổ đã được công bố trong khoảng gần 20 năm gần đây đã thể hiện khá rõ ràng bức tranh về nguồn gốc của dân tộc Việt. Sự kết hợp nhiều phương pháp, với các nghiên cứu di truyền và khảo cổ làm cốt lõi, sẽ mở ra một trang sử mới về quá khứ của người Việt.

I. Những giả thuyết về nguồn gốc người Việt đã được đưa ra: 

Vấn đề nguồn gốc người Việt đã gây ra những tranh luận sôi nổi trong khoảng hơn một thế kỷ nay, bắt đầu từ thời điểm người Việt đang còn trong vòng lệ thuộc người Pháp, đã có những thuyết về nguồn gốc người Việt được đề ra, trong đó sớm nhất là thuyết về bàn chân Giao Chỉ. Trong khoảng thời gian đó cho tới gần đây, đã có nhiều nhiều giả thuyết dựa trên nhiều hướng nghiên cứu khác nhau được đề ra, chúng tôi sẽ tổng hợp lại cơ bản những thuyết đó, để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về những quan niệm cũ về nguồn gốc của người Việt.

1. Giả thuyết về bàn chân giao chỉ:

Giả thuyết bàn chân Giao Chỉ là thuyết được đề ra sớm nhất về nguồn gốc người Việt, được khởi xướng và tuyên truyền bởi người Pháp, với tư liệu đã được ghi lại từ thời thuộc Hán với giải nghĩa của từ Giao Chỉ gắn liền với người Việt. Thuyết này dựa trên quan điểm cho rằng người bản địa Việt Nam là người Giao Chỉ, có đặc điểm hai ngón chân cái bị lệch, giao nhau, họ là một giống người man rợ, kém văn minh, nhờ có người Trung Quốc di cư sang, đồng hoá người Giao Chỉ bản địa để hình thành người Việt, thì khi đó người Việt mới bắt đầu có văn minh. Thuyết này đưa tới kết luận người Việt đồng chủng với người Hán, có nguồn gốc Hán tộc di cư từ phía Bắc xuống.

Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh tới nhiều sĩ phu và trí thức Việt Nam như Ngô Giáp Đậu, Hoàng Cao Khải, và cả Phan Bội Châu, một nhà cách mạng yêu nước nổi tiếng, cũng đã bị ảnh hưởng thuyết đó, ông cũng cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc, quan điểm này thể hiện rất rõ trong tác phẩm Việt Nam Quốc Sử Khảo của ông:

“Tổng hợp mấy chứng cứ trên, nhân chủng ta ngày nay có thể chắc chắn là nhân chủng người Hán. Ôi, giống rợ khắc trán, ngón chân giao nhau, nhất biến mà trở thành giống Hoa áo mũ tú nhã, tuy là cái bất hạnh của cổ nhân ta, thế nhưng lại là cái may cho hậu nhân ta vậy.”

Giả thuyết này không có cơ sở khoa học và thực tiễn, nhưng cũng đã ảnh hưởng mạnh tới nhiều trí thức người Việt trong thời thuộc Pháp và còn được lưu truyền và gây ảnh hưởng cho tới tận ngày nay, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của người Việt khi nhìn nhận về nguồn gốc dân tộc.

2. Thuyết người Việt từ phía Bắc di cư xuống: 

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ phía Bắc di cư xuống Việt Nam là thuyết có ảnh hưởng sâu rộng nhất về nguồn gốc người Việt. Thuyết này được chia thành hai hướng diễn giải khác nhau: người Việt có nguồn gốc từ người di cư theo hướng Tây Tạng rồi xuống tới Việt Nam, hay người Việt có nguồn gốc từ người Trung Quốc.

a. Người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng: 

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng được khởi xướng bởi học giả người Pháp là Étienne Aymonier.

Năm 1904, trong cuốn Le Cambodge xuất bản tại Paris, Étienne Aymonier đề xuất giả thuyết:

“Tổ tiên những người ngôn ngữ Môn-Khmer bắt nguồn từ những sườn núi phía nam Tây Tạng rồi di chuyển về phương nam theo hai hướng, hướng tây nam sinh ra người Munda ở Ấn Độ, hướng đông nam sinh ra các tộc Môn-Khmer ở Đông Dương.” [1]

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng bắt nguồn từ học giả này, sau đó đã ảnh hưởng tới nhiều học giả Việt Nam, trong đó bao gồm các học giả tiêu biểu như Bình Nguyên Lộc, Kim Định, Trần Trọng Kim.

Học giả Trần Trọng Kim, trong tác phẩm Việt Nam Sử Lược của mình, đã thể hiện sự đồng thuận với thuyết nguồn gốc người Việt từ Tây Tạng của Étienne Aymonier. Cụ thể ông viết trong sách của mình như sau:

‘‘Theo ý kiến những nhà nghiên cứu Pháp thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt Nam theo sông Hồng Hà lần xuống phía Đông Nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ; còn người Thái thì theo sông Mê Kông xuống, lập ra nước Tiêm La (tức là Thái Lan) và nước Lào.

Lại có nhiều người Tàu và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam Miêu ở, sau có giống Hán tộc (tức là người Tàu bây giờ) ở phía Tây Bắc đến đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu rồi dần dần xuống miền Nam. Người Tam Miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt Nam ta bây giờ’’. [2]

Thuyết này còn ảnh hưởng tới cả linh mục, sử gia Lương Kim Định, một nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt nổi tiếng, ông đã nghiên cứu và đề xuất giả thuyết về nguồn gốc của người Việt theo hướng di cư từ phía Bắc xuống. Hướng nghiên cứu của ông đã lập ra một trường phái được gọi là phái Kim Định. Thuyết của Kim Định có thể được tóm tắt như sau:

Bách Việt hay Viêm Việt, gồm các nhóm là Âu Việt (Miến Điện, Thái, và Lào), Miêu Việt (Mèo, Mán), và Lạc Việt (Việt Nam và Mường). Người Bách Việt tiến vào lục địa Đông Á từ phía Tây, dọc theo sông Dương Tử, di cư lên phía Bắc tại vùng đồng bằng Hoàng Hà rồi mở rộng xuống phía Nam. Bách Việt phát triển nông nghiệp lúa nước, tổ chức xã hội phát triển và quy củ. Nền văn hóa có trình độ cao mà họ tạo nên được ông gọi là nền văn hóa Việt Nho. Sau đó người Hoa từ phương Tây tới sau, đã cưỡng đoạt đất đai của chủng Bách Việt, sáp nhập nền văn hóa Việt Nho làm thành văn hóa Trung Hoa.

Bình Nguyên Lộc cũng chịu ảnh hưởng của thuyết nguồn gốc từ Tây Tạng, nhưng ông có tiến bộ hơn các học giả Trần Trọng Kim và Lương Kim Định, có sự khảo sát qua chỉ số sọ người, đây là một môn khoa học có độ chính xác khá cao, ông đã kết hợp cả với ngôn ngữ và văn hóa để đề ra một giả thuyết khá thú vị về nguồn gốc của người Việt. Thuyết này có thể tóm tắt lại cơ bản như sau:

Nhân loại có chủng gọi là chủng Mã Lai, có gốc ở vùng Himalaya. Khoảng 6000 năm trước, thì một bộ phận di cư qua Hoa Nam, gọi là Mã Lai Hoa Nam, tới khoảng 5000 năm trước, thì một bộ phận di cư qua Hoa Bắc, gọi là Mã Lai Hoa Bắc. 

Chủng Mã Lai Hoa Bắc bị chủng Hoa Hạ đánh bại, phải di cư đi khắp nơi, được Bình Nguyên Lộc gọi là cuộc di dân Mã Lai Đợt I, nhóm này chạy xuống phía nam, nơi đã có Mã Lai Hoa Nam ở, phần chạy về phía đông, qua Triều Tiên, Nhật Bản, rồi một số đi đường biển xuống tận Bắc bộ và Trung bộ. Người bản địa đã bị áp đảo bởi người Mã Lai đợt I đến, dần biến mất, nên Bắc Bộ chỉ còn người Mã Lai đợt I.

Tới khoảng 2500 năm cách nay, thì do sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúng Hoa Hạ, người Mã Lai Hoa Nam lại di cư về phía Nam, được Bình Nguyên Lộc gọi là cuộc di dân Mã Lai Đợt II, cuộc di cư này theo BNL đã làm dân cư Bắc Bộ tăng đột ngột. Cả Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II đều không lai Hoa đáng kể, vì khi thua Hoa phải bỏ chạy thì chưa hề chung sống lâu dài với Hoa. Do đó, trước thời Bắc thuộc, cư dân Bắc bộ gần như thuần chủng Mã Lai. Trong thời Bắc thuộc, hay kể từ thời Ngô Quyền đến nay không có dịp nào cho người Tàu pha trộn máu họ vào máu ta cách lớn lao, nên chúng ta vẫn cơ bản là chủng Mã Lai. [3]

b. Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc:

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc này dựa chủ yếu trên các thư tịch lịch sử của người Hoa Hạ ghi lại về người Việt, nó lại chia thành hai hướng hiểu khác nhau: 1. người Việt có nguồn gốc từ cư dân nước Việt thời Chiến Quốc di cư xuống, 2. người Việt có nguồn gốc từ người Trung Quốc di cư xuống.

◊ Thuyết người Việt có nguồn gốc từ nước Việt thời Chiến Quốc di cư xuống:

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ nước Việt thời Chiến Quốc di cư xuống được khởi xướng đầu tiên bởi Edouard Chavannes, khi trong phần cước chú tập 4 của bản dịch 5 tập cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên, Ernest Leroux xuất bản năm 1901, ông cho rằng “chủng tộc An Nam” là hậu duệ của cư dân nước Việt tại vùng Chiết Giang ngày nay.

Sau đó, theo Chavannes, có nhiều chính thể hình thành từ những “mảnh vỡ” của nước Việt, như Nam Việt ở khu vực ngày nay là Quảng Đông, Mân Việt ở tỉnh Phúc Kiến ngày nay, và Việt Đông Hải ở tỉnh Chiết Giang ngày nay. Đây là nguồn gốc của thuyết người Việt có nguồn gốc từ người nước Việt của Trung Quốc di cư xuống.

Với cảm hứng từ giả thuyết của Edouard Chavannes, học giả L. Aurousseau vào khoảng đầu TK 20, đã khai thác thư tịch Trung Hoa, triển khai thêm để đưa ra giả thuyết rằng:

“Người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc giòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ XI trước CN. Ðến thế kỷ thứ IX trước CN, một ngành nước Sở di cư về phía Nam, dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết Giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ VI trước CN. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam theo bốn nhóm: Nhóm Ðông Âu hay là Việt Ðông ở miền Ôn Châu (Chiết Giang). Mân Việt ở Phúc Kiến. Nam Việt ở Quảng Ðông, Quảng Tây. Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Các nhóm kể trên bị Hán hóa, chỉ còn lại nhóm Lạc Việt là tồn tại…”

“Những chúa dẫn các dân Việt di cư xuống miền Nam Quảng Tây và đến tận Bắc kỳ ngày nay về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô là cùng một dòng họ với các vua Việt đến định cư ở Ôn Châu, Phúc Châu và Quảng Ðông vậy.”

”Vậy thời ta có đủ chứng cớ mà nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa, về thế kỷ thứ VI trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Chiết Giang nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy”. [4]

Học giả Đào Duy Anh cũng thể hiện sự đồng thuận với thuyết người Việt có nguồn gốc từ Trung Hoa, theo đó ông đề xuất người Việt có nguồn gốc từ người Lạc Việt tại vùng Giang Nam, có vật tổ là con chim Lạc, hằng năm theo gió mùa, họ đi theo đường biển di cư sang miền Bắc Việt Nam.

“Những chim hậu điểu ấy, ta thấy khắc trên trống đồng chính là tô tem (vật tổ) của những chủ nhân của trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt” . 

“Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những con thuyên chở tổ tiên họ (tức người Lạc Việt) từ bờ biển Giang Nam đến miền quê hương mới (tức miền Bắc Việt Nam) cũng như những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ.” [5]

◊ Thuyết người Việt có nguồn gốc từ người Trung Quốc di cư xuống:

Giáo sư Nguyễn Phương của Đại học Văn Khoa Sài Gòn (chế độ cũ), với tác phẩm “Việt Nam thời khai sinh” (Viện Ðại Học Huế – 1965), đã đề ra thuyết cho rằng người Việt chỉ là một bộ phận người Trung Hoa hết đợt nọ tới đợt kia sang cai trị người bản địa, khi hoàn cảnh thuận lợi lập nên nước có tên là Việt Nam.

3. Thuyết người Việt từ phía Nam di lên và di ngược lại về Việt Nam: 

Thuyết này xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ 21, muộn hơn các thuyết đã có về nguồn gốc người Việt, trong bối cảnh bắt đầu có những nghiên cứu di truyền được tiến hành và công bố, như công trình của J. Y. Chu về đa dạng di truyền của người Trung Quốc. Nhóm Tư Tưởng với sự chủ trì của Giáo sư Cung Đình Thanh đã nghiên cứu và đề xuất giả thuyết hai chiều về nguồn gốc người Việt dựa trên di truyền, khảo cổ và hiện tượng băng hà – gian băng.

Trong sách “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học”, chương 8, Gs. Cung Đình Thanh đã đề xuất như sau về nguồn gốc người Việt:

‘‘Khi nước biển đã đến thời kỳ Flandrian, phù hợp với giai đoạn giãn băng cuối cùng vào khoảng 18.000 năm trước đây, cho đến lúc đồng bằng sông Hồng bắt đầu bị đe doạ thì người cổ Vĩnh Phú một phần di cư lên bám trụ ở vùng Tây Bắc và vùng các hang động cao ở Hòa Bình, phần khác, lớp có óc phiêu lưu hơn đã đi lên phía Bắc qua hai ngả, một ngả đi qua Vân Nam đến Tứ Xuyên, Quế Châu, Thiểm Tây, một ngả đi theo ven biển phía Đông lên đến Chiết Giang, Giang Đông, Sơn Đông và gặp những vùng đất tốt mới, những môi trường thuận lợi, họ đã ở lại sinh sống, phát triển và từng nhóm họ đã tạo lập ra những nước nhỏ mới. Về sau chính những nước nhỏ nầy, khoảng 3.000 nươc, đã qui tụ lại để trở thành những nước lớn, sẽ tham dự vào việc tranh giành quyền làm chủ đất Trung Nguyên ở thời Xuân Thu, Chiến Quốc (770 – 221 trước Kỷ Nguyên).

Khi nước biển bắt đầu rút và đồng bằng Vĩnh Phú từng bước bắt đầu được tái lập vào khoảng từ 6.000 năm trở lại đây, thì lại thấy có sự hội tụ những người trở lại đồng bằng đó. Đó là bắt đầu của văn hoá Phùng Nguyên, cũng là thời đại đồng thau và thời kỳ thành lập ra nhà nước Văn Lang của Vua Hùng…

Khi người Hoa Hán thống nhất đại lục dưới triều Tần, Hán khiến những người gốc Bách Việt không chịu đồng hoá phải rời bỏ Trung Nguyên. Bằng cớ nữa là có dấu ấn văn hoá phương Bắc góp phần xây dựng lên văn hoá Phùng Nguyên và nhà nước Văn Lang vậy. Đó là chưa kể đến cách đối xử kỳ thị của các chính quyền Hoa Hán từ đời Tần về sau đối với dân bản địa gốc Hòa Bình.’’

Là thuyết dựa trên các nghiên cứu khoa học di truyền có độ chính xác cao được công bố vào thời điểm đó, nên đây là một luồng gió mới thổi vào mảnh đất nghiên cứu về nguồn gốc của người Việt.

4. Các thuyết của các nhà khảo cổ học Việt Nam: 

Các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam đã dựa vào tỷ lệ xương sọ để xác định những chủng người từng sống tại vùng miền Bắc Việt Nam ngày nay, từ đó đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc của người Việt để giải thích sự khác biệt về xương sọ trong từng thời kỳ.

Sọ người của ngành khảo cổ Việt Nam được thu thập từ thời Pháp thuộc, tới khi giành lại được độc lập, thì khảo cổ học đã thu thập được tổng cộng 70 sọ người. Trong tổng số 70 sọ, có 38 sọ được xếp vào thời kỳ đồ đá, các nhà khoa học Pháp và sau đó là Việt Nam đã phân loại các sọ này ra thành các chủng Malanesian, Indonesian, Australoid hay Nam Á. Còn 32 sọ được xếp vào thời kỳ đồng – sắt, đa số lại thuộc chủng Mongoloid. Sự khác biệt trong nhân chủng của hai giai đoạn này đã tạo ra những quan điểm trái chiều trong các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam về nguồn gốc của người Việt:

– Tác giả Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn đã cho rằng nguồn gốc người Việt là quá trình Mongoloid hóa các sắc dân Hắc chủng. (Trần Quốc Vượng & Hà Văn Tấn – Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam – Hà Nội 1963)

– Tác giả Phạm Huy Thông cho rằng đúng là có sự Mongoloid hóa trong sự hình thành người Việt, nhưng sự da vàng hóa này không nhất thiết được hiểu là Hán hóa mà là Mường hóa, Tày Thái hóa. (Phạm Huy Thông, KCH 1&2 – 1983)

– Nguyễn Ðình Khoa cho rằng nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng của các dân có nguồn gốc bản địa. (Nguyễn Ðình Khoa – Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam – Hà Nội 1976)

– Nguyễn Khắc Ngữ cho rằng Mongoloid là giống Mông Cổ (Mongol) ở phía Bắc nước Trung Hoa, nên kết luận của ông đưa ra là: nguồn gốc người Việt trước hết là các giống Malanesian, Indonesian, Australoid từ các hải đảo Thái Bình Dương vào. Dần dần những sắc dân này bị Mongoloid hóa mà ông khẳng định là Hán hóa từ phương Bắc xuống, hình thành nên tổ tiên người Việt (trang 88, sđd).

5. Giả thuyết con Rồng cháu Tiên: 

Giả thuyết con Rồng cháu Tiên được triển khai dựa trên huyền sử được ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt sử ký toàn thư. Theo huyền sử, thì người Việt có nguồn gốc tại hồ Động Đình, là hậu duệ của Rồng (Lạc Long) và cháu của Tiên (bà Vụ Tiên), do đó được coi là con Rồng cháu Tiên. Sau người Việt từ đây đã di cư về Việt Nam, để thành lập nên nước Văn Lang.

Đây là giả thuyết gây tranh cãi nhiều nhất trong số các giả thuyết được chúng tôi liệt kê, bởi nó chỉ dựa trên những gì huyền sử đã ghi lại, sách Lĩnh Nam Chích Quái cũng không phải sách chính thống, nên nhiều người đã cho rằng nó có độ tin cậy không cao, chính sử từ sách Đại Việt sử ký toàn thư sau đó cũng đã ghi lại, nhưng cũng tham khảo từ sách Lĩnh Nam Chích Quái. Thêm nữa truyện có nhiều yếu tố truyền thuyết phi thực tế, nên nhiều người vì đó đã tỏ ý hoài nghi về nguồn gốc này của dân tộc Việt, cho rằng không đáng tin cậy, và phủ nhận hoàn toàn.

Thời kỳ Hồng Bàng cũng có nhắc tới giai đoạn Hùng Vương, với con số 18 đời. Việc 18 đời Hùng Vương chia đều trong 2622 năm kể từ khởi nguyên là năm 2879 cho tới thời điểm sụp đổ của triều Hùng Vương là vào 258 TCN, có nghĩa mỗi triều vua trị vì xấp xỉ 145 năm, một con số không tưởng. Chính vì sự tập trung vào ý niệm thực tế của con số 18 đời mà nhiều người cũng đã không chấp nhận cả giai đoạn Hùng Vương.

6. Tổng kết về các thuyết đã có về nguồn gốc người Việt: 

Các thuyết đã được đề ra bởi các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam mà chúng tôi đã liệt kê ở trên, mỗi phương pháp và giả thuyết lại có hướng giải thích khác nhau, thậm chí đối lập nhau hoàn toàn về nguồn gốc người Việt, do đó vấn đề nguồn gốc người Việt trong các giai đoạn trước là một vấn đề gần như không thể làm rõ, một phần bởi các thuyết đều chỉ dựa trên một vài hướng nghiên cứu độc lập: lịch sử, ngôn ngữ, nhân chủng học… các hướng nghiên cứu này không đủ cơ sở để độc lập khẳng định được chính xác được nguồn gốc của người Việt.

Chúng ta cần có một phương pháp kết hợp và sử dụng toàn diện các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử…, trong đó các phương tiện di truyền và khảo cổ là những phương tiện cần được ưu tiên sử dụng, do đây là các phương tiện khoa học có độ chính xác cao. Sự kết hợp nhiều hướng nghiên cứu với cốt lõi là di truyền và khảo cổ sẽ tạo thành một phương pháp toàn diện, giải thích và bổ trợ cho nhau, từ đó có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh nhất về nguồn gốc người Việt.

Những nghiên cứu di truyền, khảo cổ của thời điểm gần đây, đã cung cấp những thông tin quan trọng, đem lại những mảnh ghép để chúng ta dần dần thấy được nguồn gốc thật sự của người Việt. Từ những nghiên cứu đã được công bố, chúng tôi sẽ kết hợp nhiều phương pháp để tiến hành khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

II. Nguồn gốc dân tộc Việt Nam: 

1. Người Việt có nguồn gốc từ châu Phi: 

Các nghiên cứu di truyền đã chứng minh về việc người Việt và người Đông Nam – Bắc Á đều có nguồn gốc từ châu Phi, họ tới Việt Nam và Đông Nam Á chia thành hai đợt vào khoảng 60.000 – 30.000 cách ngày nay.

15596907328812
Hình 1: Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh).

Có hai làn sóng thiên di từ Đông Bắc Phi mà nhân chủng học phân tử đã phát hiện được:

– Làn sóng thứ nhất diễn ra vào khoảng 60.000 năm trước men theo bờ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á, trong đó bao gồm cả Việt Nam, trước khi tới Úc và ngược lên Bắc Mỹ qua eo Bering. Tại Đông Nam Á, Nam Đông Á và Nhật Bản, dòng thiên di này đóng góp khoảng 20 – 30% vào vốn gen chung [6] (hình 1).

– Làn sóng thiên di thứ hai đi ngược lên Trung Cận Đông và Trung Á, men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào khoảng 30.000 năm trước [7]. Làn sóng này đóng góp khoảng 70-80% vào vốn gen chung của các cư dân Đông Nam Á, Đông Á và Bắc Á [6].

Người cổ rời khỏi châu Phi di cư tới khắp nơi trên thế giới, trong số đó có những người đi tới Việt Nam và Đông Nam Á theo hai con đường như chúng tôi đã khái quát như trên. Người Việt có nguồn gốc sâu xa từ những người cổ Đông Nam Á tới từ châu Phi này. Những người cổ rời khỏi châu Phi sinh sống tại Việt Nam và Đông Nam Á, với nhiều dấu tích tìm được, trong đó nổi tiếng nhất là văn hóa Hòa Bình, được chia thành các giai đoạn với các văn hóa tìm thấy như sau:

  • Hòa Bình sớm hay tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 BC [trước Công Nguyên]), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 BC).
  • Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 BC).
  • Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn – 1541/I).

Văn hóa Hòa Bình là văn hóa có đặc trưng đá cuội được ghè đẽo và đục lỗ. Đặc trưng văn hóa Hòa Bình phân bố khắp Việt Nam, Lào, Thái Lan và lên cả vùng phía nam Đông Á, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Châu như hình minh họa phía dưới. Bên cạnh đó là những đặc điểm từng vùng như mộ táng với tư thế nằm co, mộ có nắp.

hoabinhian
Hình 2: Bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình. [Chú dẫn bản đồ: 1. Đường gạch chéo: khu vực văn hóa Hoabinhian được nói trong bài [8]; 2. Các chấm tròn: các khu vực có đá đục lỗ; Các chấm vuông: các khu vực có táng với tư thế nằm co; 3. Vòng tròn màu đỏ: khu vực tiềm năng có người cao; vòng tròn màu xanh: khu vực tiềm năng có mộ có nắp.] [8]

Các di chỉ Hòa Bình chính thống và sau đó không lâu tìm thấy được, đều là những di chỉ nằm tại phía trên vùng cao, thực tế còn một lượng lớn người cổ cùng thời với người Hòa Bình sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ, đây là nhóm cốt lõi để dần dần hình thành nên tộc Việt. Tại đồng bằng này, người cổ đã phát triển nông nghiệp lúa nước, và có sự tăng trưởng rất nhanh chóng về dân số so với thời kỳ săn bắt hái lượm.

Theo công trình của McColl và cộng sự [9], thì người Hòa Bình hay người cổ Đông Nam Á lục địa là người Negrito, có hệ gen gần nhất với người bản địa quần đảo Andaman thuộc nhóm Onge Negritos và người Jomon (thế Holocene sớm và giữa (~12.000 đến 2500 năm trước)).

Jarawas-in-Andaman
Hình 3: Những người cổ Đông Nam Á thời tiền sử có diện mạo tương tự như thế này. Trong ảnh là thổ dân Jarawar, người bản địa Andaman.

2. Thời kỳ băng hà, hiện tượng biển tiến và những tác động của chúng tới người cổ Đông Nam Á: 

Các thời kỳ băng hà – gian băng cùng với hiện tượng biển tiến – biển lùi là những yếu tố rất quan trọng tác động tới sự phát triển và hình thành của cộng đồng tộc Việt. Chúng tôi sẽ khái quát qua các thời kỳ băng hà và gian băng, cũng như phân tích những yếu tố tác động của chúng tới đời sống của người cổ rời khỏi châu Phi tại Đông Nam Á và Việt Nam.

Trong lịch sử của trái đất diễn ra 4 kỷ băng hà, trong đó kỷ băng hà cuối cùng, được gọi là kỷ Đệ Tứ, diễn ra vào khoảng 2,58 triệu năm tới khoảng 12.000 năm cách ngày nay. Trong giai đoạn băng hà này, đã diễn ra khoảng 20 thời kỳ băng hà và gian băng, mỗi thời kỳ băng hà và gian băng là mỗi thời kỳ nước biển lên xuống, tạo nên những biến đổi địa chất liên tục, với tình trạng khác nhau tùy vào từng vùng.

Giới hạn không gian vào thời điểm xuất hiện người khôn ngoan, vào khoảng 125.000 cho tới 10.000 năm cách ngày nay, thì có 5 giai đoạn băng hà và gian băng, tương ứng với 5 lần nước biển lên xuống ở vùng Đông Nam Á (Chappell 1983), cụ thể là vào các thời điểm 100.000 năm, 80.000 năm, 60.000 năm, 40.000 năm và 28.000 năm cách ngày nay. Ở Việt Nam thì hiện tượng biển tiến – biển lùi trong các giai đoạn băng hà – gian băng đã tác động mạnh tới địa chất của vùng Bắc Bộ.

Ở đây chúng tôi muốn đặt sự chú ý tới đợt biển lùi trong thời kỳ băng hà cuối cùng, diễn ra vào khoảng 33.000 năm tới 20.000 năm cách ngày nay, đợt biển lùi trong giai đoạn này đã tác động mạnh tới đời sống của người cổ rời khỏi châu Phi trong vùng Việt Nam và Đông Nam Á, là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển và hình thành tộc Việt.

Principal-geographical-and-geological-features-of-Sundaland-and-the-surrounding-region (1)
Hình 4: Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [10]

Vào giai đoạn băng hà cuối cùng này, thì nước biển rút xuống rất thấp, tại vùng vịnh Bắc Bộ, đây là một vịnh nông, chỉ sâu dưới 100m, nên vào thời điểm đó, mực nước biển toàn cầu rút sâu xuống mức từ 120 đến 130 mét đã làm lộ ra một vùng đồng bằng rộng lớn tại vùng vịnh Bắc Bộ nối liền đồng bằng sông Hồng với đảo Hải Nam. Khi đó nhiệt độ trung bình của trái đất thấp hơn khoảng 6 độ C so với ngày nay, khí hậu trở nên khô hơn, giảm thiểu lượng mưa nên nguồn nước lưu chuyển bị hạn chế, hệ thống sinh thái suy giảm, điều kiện đó đã phần nào hạn chế sự phát triển của người cổ tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Cuối thời kỳ băng hà này, vào khoảng hơn 20.000 năm trước, thì khí hậu trái đất ấm dần lên, nhất là tại khu vực nhiệt đới như Việt Nam và Đông Nam Á, lượng mưa tăng dần làm cho các hệ thống dòng chảy lan tràn trên các vùng đất, cùng với đó là một sự phát triển mạnh của hệ thực vật và động vật, với những đồng cỏ cùng những khu rừng nhiệt đới, đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho người cổ tại đây phát triển, nhất là khi đó, vùng đồng bằng rộng lớn tại vùng vịnh Bắc Bộ đã lộ ra, nối liền với đảo Hải Nam, điều kiện tự nhiên phát triển rất thuận lợi cho sự thuần hóa và sự phát triển nông nghiệp lúa nước định cư tại vùng đồng bằng này.

Tại vùng đồng bằng này, là nơi người cổ Đông Nam Á đã sinh sống trong khoảng hơn 7.000 năm, với điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, họ đã bắt đầu đời sống nông nghiệp lúa nước định cư, với việc thuần hóa lúa nước, với bằng chứng nghiên cứu di truyền lúa xác định lúa đã được thuần hóa tại vùng đồng bằng sông Châu [11], nơi khi đó còn nối liền với đồng bằng vịnh Bắc Bộ.

Nhưng tới khoảng 12.000 năm trước ngày nay, là thời điểm kết thúc kết thúc thời kỳ Cánh Tân (Pleistocene) để thế giới bước bước sang thời kỳ Toàn tân (Holocene), lúc này trái đất trở nên ấm hơn, mưa ngày càng nhiều, cũng như mực nước biển đã dâng cao, được gọi là đợt biển tiến Flandrian, khiến một phần lớn đất đai mà các nhóm dân tiền sử sinh sống đã chìm xuống biển. Nước vẫn tiếp tục dâng vào sâu trong vùng đồng bằng sông Hồng, tới khoảng 7000 năm trước ngày nay, thì mực nước biển đạt đỉnh, nước tràn ngập trong vùng đồng bằng sông Hồng, mực nước biển bắt đầu giảm dần từ 6000 năm trước ngày nay, tới khoảng hơn 4000 năm trước, thì vùng Hà Nội vẫn là cửa biển.

bản đồ ĐBSH
Hình 5: Bản đồ địa chất đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn từ 9000 năm trước tới ngày nay. [12]

Mực nước biển dâng cao đã khiến người cổ Đông Nam Á mất đất sinh sống, những di sản của họ tại đây cũng đã biến mất, và điều này đã dẫn tới một bước ngoặt hết sức quan trọng: họ đã tiến lên phía Bắc để tìm đất sinh sống.

Đây là khởi nguồn cho nguồn gốc của tộc Việt, những người cổ này đã di cư lên vùng phía Bắc để tìm đất sinh sống, do tại vùng Đông Nam Á và Lĩnh Nam, nơi có điều kiện tốt nhất cho nông nghiệp là đồng bằng vịnh Bắc Bộ đã biến mất do nước biển dâng, nên họ đã phải đi rất xa lên phía Bắc, trong đó nhóm chính dừng chân tại vùng đồng bằng sông Dương Tử, bởi đây là nơi là có điều kiện thuận lợi để họ phát triển nông nghiệp lúa nước.

Những dấu tích khảo cổ về lúa nước được thuần hóa cũng được tìm thấy sớm nhất tại vùng hạ lưu Dương Tử, có niên đại vào khoảng 10,500 tới 12,000 trước ngày nay tại di chỉ Shangshan (ảnh dưới) [11], đồng niên đại với thời điểm di cư lên phía Bắc của người cổ Đông Nam Á.

Untitled1f
Hình 6: Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a: japonica, b: lúa dại) và Shangshan (c: lúa dại, d: japonica) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [13]

3. Hướng di cư lên phía Bắc theo các nghiên cứu di truyền: 

Các nghiên cứu di truyền cũng đã thể hiện hướng di cư lên phía Bắc trong thời tiền sử vào thời điểm hơn 12000 năm trước, các cư dân cổ Đông Nam Á đã di cư lên phía Bắc Đông Á và Nam Đông Á trong thời điểm biển tiến, khiến vùng đồng bằng phía Nam biến mất.

Nghiên cứu đầu tiên khởi nguồn cho nhận định về cuộc di cư này, chính là công trình của Gs. J.Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp khác tại các trường đại học và viện nghiên cứu lớn nhất ở Trung Hoa, nhóm này đã công bố một công trình nghiên cứu di truyền học có tên Genetic Relationship of Population in China, đăng trong Tạp chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Kỳ [14]. Công trình này của nhóm Gs. J.Y. Chu đã đưa ra khẳng định về nguồn gốc của người Trung Hoa, và nói chung, người Ðông Á là do giống người ở Ðông Nam Á di lên. Những người này có gốc gác từ châu Phi đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước.

Tổ chức bộ gen người Hugo với công trình “Mapping human genetic diversity in Asia” đăng trên tạp chí Science năm 2009, nghiên cứu kiểu biến thiên hình thái gen trên 73 sắc dân châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á, đã xác định người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á [15].

Kết quả nghiên cứu di truyền của Hua Zhong và cộng sự năm 2010 [16], cũng cho thấy người Đông Á có nguồn gốc chính là từ Đông Nam Á.

Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [17] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

ng.goc002
Hình 7: Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc, làm cốt lõi cho sự hình thành chủng Mongoloid. [18]

Trong bản đồ thiên di nhân loại theo dòng cha ở trên, chúng ta có thể thấy được dấu gen M122 xuất hiện tại phía Nam Đông Á hoặc Nam Đông Á khoảng 10000 năm trước trước khi Bắc tiến đồng thời với sự lan tỏa của kỹ thuật trồng lúa nước [11]. Đây chính là dòng di cư lên phía Bắc của người cổ Đông Nam Á sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ trước đó.

Những công trình này đã chứng minh hướng di cư lên phía Bắc trong thời tiền sử tại vùng Đông Á, các nhóm dân có nguồn gốc Đông Nam Á đã di cư tới vùng Động Đình, Dương Tử và vùng Bắc Đông Á (đồng bằng sông Hoàng Hà), để định cư, và dần dần hình thành cộng đồng tộc Việt tại đây.

4. Sự hình thành chủng người da trắng, chuyển hóa từ chủng da đen tại vùng Bắc Đông Á và Nam Đông Á: 

Người cổ sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ là những người thuộc chủng Australoid da đen, do có cùng nguồn gốc từ châu Phi, nên cả nhân loại khi đó đều thuộc chủng da đen này trong giai đoạn sớm của lịch sử. Do đó cần có những yếu tố như đột biến, lai với chủng tộc khác, để có thể chuyển hóa thành chủng da trắng.

Người cổ gốc Đông Nam Á khi tới vùng Bắc Đông Á và Động Đình, Dương Tử đã lai với người Bắc Á da trắng, để dần dần chuyển hóa sang thành da trắng. Người Bắc Á với dấu tích tìm thấy tại hang Devil’s Gate, tại vùng lãnh thổ thuộc Nga giáp ranh với Triều Tiên, là những người rời khỏi châu Phi tới phía Bắc sớm hơn, sớm chuyển hóa thành chủng da trắng. 

1486709055139994793
Hình 8: Bản đồ thể hiện vị trí của hang Devil’s Gate với các dân tộc được nghiên cứu trong công trình của Veronika Siska và cộng sự et al. (2017). [19]

Sau đó cư dân Bắc Á với gen tìm thấy tại hang Devil’s Gate đã hợp nhất với người tiền Việt vùng Bắc Đông Á di cư lên từ Đông Nam Á, để hình thành chủng Nam Mongoloid tại vùng này. Sau đó người tiền Việt tại vùng này đã trở về vùng Động Đình, Dương Tử để hợp nhất với người tiền Việt Nam Đông Á, hình thành tộc Việt.

Trong bộ gen của người Việt, người Dai, những hậu duệ thuộc hai nhánh Nam Á và Tai-Kadai của cộng đồng tộc Việt ngày nay, có một phần gen Bắc Á có nguồn gốc từ hang Devil’s Gate đã thể hiện rất rõ ràng sự hòa hợp này.

cc6a1-ce1baa5u-di-truye1bb81n-ngc6b0e1bb9di-vie1bb87t
Hình 9: Gen người Việt ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Bắc Á (Devil’s Gate), và 10% gen Hòa Bình cổ. [20]

5. Sự hình thành tộc Việt: 

Các cư dân cổ có gốc Đông Nam Á, khi di cư lên vùng phía Bắc, họ đã định cư tại vùng Động Đình, Dương Tử và vùng phía Bắc Đông Á. Tại các vùng đất này, họ bắt đầu xây dựng đời sống văn minh, với các văn hóa Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử với nông nghiệp lúa nước [21], và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) tại vùng Bắc Đông Á với nông nghiệp trồng cả lúa và kê. [22]

East Asia Tesat 22222
Hình 10: Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển và di cư lên xuống vùng Đông Á của người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ cũng thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn trong trung kỳ thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á.

Các cư dân tại hai vùng đã di chuyển và tương tác với nhau khá thường xuyên, có sự pha trộn gen dần dần theo thời gian. Nghiên cứu di truyền mới đây của Chao Ning và cộng sự năm 2020 [23], đã cho thấy sự dịch chuyển của cư dân trồng lúa tại vùng Động Đình, Dương Tử (Nam Đông Á) tới vùng Hoàng Hà trong giai đoạn đồ đá mới.

Các cư dân tiền Việt vùng Bắc Đông Á vào khoảng 5300 năm trước đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử để hình thành tộc Việt, xây dựng nên các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. Bản đồ gen phía trên (hình 9) đã thể hiện rõ yếu tố Bắc Đông Á, với sự hợp chủng của người cổ gốc Đông Nam Á tại vùng Bắc Đông Á với người Bắc Á, sau đó là sự hợp nhất của người Bắc Đông Á với người Nam Đông Á tại Động Đình, Dương Tử, nên gen của người Việt (Kinh, hệ ngữ Nam Á) và người Dai (hệ ngữ Tai-Kadai) có khoảng 30% gen của người Bắc Đông Á với dấu tích tìm được tại hang Devil’s Gate và 60% gen tại vùng Dương Tử.

Tộc Việt thời điểm đó hình thành bởi các nhóm dân cư có phần tách biệt nhau về mặt địa lý, điều kiện giao lưu có phần bị hạn chế, nên di truyền mỗi vùng lại có phần khác nhau, điều đó tạo ra những sự thiếu thống nhất về mặt di truyền trong giai đoạn sớm khi mới hình thành tộc Việt, phải tới khoảng 2700 năm trước, thì gen tộc Việt mới hoà trộn đều hơn tại vùng Động Đình, Dương Tử, tạo ra sự thống nhất về di truyền, trước khi cư dân tộc Việt ở đây lại tiếp tục di cư ngược về Việt Nam.

6. Dòng di cư ngược nam của các cư dân tộc Việt: 

Các cư dân tộc Việt sau đó đã di cư về Việt Nam, những nghiên cứu di truyền đã thể hiện rất rõ ràng dòng di cư này từ vùng Động Đình, Dương Tử với thời điểm hơn 4000 năm trước về Việt Nam và Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

a. Các nghiên cứu di truyền về cuộc di cư của tộc Việt:

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [24].

Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [9] (hình 11) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.

Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới  Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm.

2-768x943
Hình 11. Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại.

Nghiên cứu về nhân chủng học dựa trên hình thái xương sọ năm 2019 [25] (hình 12) cũng cho thấy nhân chủng học người Việt hiện đại hình thành do dòng di cư từ 4.000 năm trước từ sông Dương Tử.

3-768x576
Hình 12. Mô hình di cư hai lớp của cư dân cổ theo hình theo nhân chủng học.

Cuộc di cư này cũng đã đem theo nông nghiệp lúa nước và gia súc thuần hóa về tới Việt Nam và Đông Nam Á.

b. Nguyên nhân của cuộc di cư hơn 4000 năm trước của tộc Việt:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự sụp đổ của nhiều nền văn minh tại bán cầu Bắc có nguyên nhân từ đợt hạn hán diễn ra vào khoảng 4200 năm trước ngày nay, sự kiện này đã tác động mạnh tới vùng nhạy cảm với khí hậu như vùng Dương Tử [Liu et al., 2000; An et al., 2005; Qi et al 2006; Tan et al., 2008]. Đợt hạn hán này đã khiến khí hậu trở nên khô hơn, nước ngầm cũng bị suy giảm, gây ra khó khăn lớn trong việc phát triển nông nghiệp và tổ chức xã hội, dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh tại vùng Dương Tử [26], khiến tộc Việt phải di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á. Nguồn gốc của người Việt trong đợt di cư này chủ yếu là từ cư dân nói tiếng Nam Á tại vùng trung tâm Động Đình của văn hóa Thạch Gia Hà.

7. Sự hình thành dân tộc Việt và các dân tộc anh em: 

Tộc Việt di cư về Việt Nam vào hơn 4000 năm trước, nhưng đó chưa phải là điểm cuối của sự hình thành các dân tộc tại miền Bắc Việt Nam, mà còn nhiều dòng di cư khác tác động tới tình hình dân cư tại đây. Các dữ liệu di truyền và khảo cổ học đã có cũng đã phác họa khá cơ bản tiến trình phát triển và hình thành dân tộc Việt và các dân tộc anh em sau đợt di cư vào thời điểm hơn 4000 năm trước.

a. Sự thống nhất trong di truyền của người Việt, người Hán Hoa Nam, và các tộc người thiểu số: Mường, Tày, Thái, Nùng… 

Công trình nghiên cứu di truyền mới nhất của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy cư dân gốc Bách Việt như Kinh Việt, Tày, Nùng, Choang, Mường, Thái, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [24]

admix
Hình 13: Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng…

Các dân tộc: Việt, Thái, Mường, Tày, Nùng… qua hơn 2000 năm lịch sử biến động vẫn có bộ gen gần nhau. Các dân tộc anh em tại miền Bắc Việt Nam đều di cư về từ vùng Nam Đông Á về, chia thành nhiều đợt, người Việt tại đây vì điều kiện lịch sử mà đã dần tách ra để hình thành nhiều dân tộc khác nhau như hiện trạng ngày nay.

Người Hán Hoa Nam mặc dù đã bị đồng hóa về mặt văn hóa, nhưng di truyền vẫn còn rất gần người Việt (Kinh) và các dân tộc tách ra từ cộng đồng tộc Việt như Mường, Thái, Tày, Nùng… 

b. Sự hình thành dân tộc Việt: 

Nguồn gốc của người Việt không chỉ là từ nhóm Nam Á di cư về Việt Nam vào hơn 4000 năm trước, mà còn là kết quả của những đợt di cư nội tộc khác liên tục xảy ra từ thời điểm 2700 năm tới trong thời Bắc thuộc.

Nguồn gốc đầu tiên, là cốt lõi cho sự hình thành người Việt, là dòng di cư của người Việt nhóm Nam Á, chủ yếu tại vùng Động Đình và một phần tại vùng Dương Tử, với sự tham gia của cả tầng lớp tinh hoa, bao gồm cả các vị vua Hùng, di cư về Việt Nam vào khoảng hơn 4000 năm trước, các nhóm di cư về sau này, đều hòa vào cốt lõi Nam Á, học tiếng nói Nam Á và trở thành một phần nguồn gốc của người Việt.

Nghiên cứu của McColl et al. (2018) [9] và Lipson et al. (2018) [27] cho thấy mẫu 4000 năm tuổi tại Mán Bạc được xác định là cư dân nói tiếng Nam Á, có tương quan mạnh mẽ với cư dân các vùng Bắc Đông Á và Nam Đông Á.

F1.large2
Hình 14: Phân tích f3-outgroup cho thấy mẫu 4000 năm tuổi ở Mán Bạc, được xác định là cư dân nói tiếng Nam Á [8; 22a], có sự tương đồng di truyền cao với mẫu ở Xintoucun (Khê Đầu Thôn), Tangsishan (Đường Sơn Thị) (nam Đông Á) và Xiaojingshan (bắc Đông Á) nhưng tương đồng di truyền kém hơn với mẫu ở Lương Đảo (Liangdao). [28]

Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học [25] (hình 15), cư dân ở văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á. Nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức cũng xác định cư dân các ngữ hệ khác nhau cùng tồn tại ở Hoa Nam và có tương tác mạnh với nhau [24]. Đợt di cư 4.000 năm trước về Việt Nam là cư dân nói ngữ hệ Nam Á còn đợt di cư 2.700 năm trước về Việt Nam là cư dân ngữ hệ Nam Á và Tai-Kadai. [24]

6-768x646-2
Hình 15: Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm) [21]

Các nghiên cứu di truyền đã thể hiện cư dân Nam Á của văn hoá Phùng Nguyên có gen gần gũi với các dân tộc nói tiếng Nam Á ngày nay như Khơ Mú và Mảng [24], người Việt ngày nay lại không gần gen với các dân tộc này, do sự tác động của sự hòa huyết trong những dòng di cư sau này. Những người thuộc hệ ngữ Nam Á di cư về Việt Nam, đã hòa hợp với người Australoid, những người đã ở lại Việt Nam sau thời kỳ biển tiến, gen của người Australoid da đen chiếm khoảng 10% trong nguồn gen của người Việt ngày nay (hình 9).

Cuộc di cư vào thời điểm 4000 năm trước có một lượng lớn là cư dân nói tiếng Nam Á di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam, vùng Đông Nam Á lục địa và sang cả vùng Ấn Độ, trong đó nhóm chính đã trở về Việt Nam, hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân Nam Á vẫn tiếp tục phát triển trong vùng Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của tộc Việt giai đoạn đồ đồng.

austroasiatic
Hình 16: Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ. [29]

Vào thời điểm 2700 năm cách ngày nay, thì di truyền học lại phát hiện một đợt di cư lớn của cư dân vùng Nam Đông Á trở về Việt Nam [24], cũng là cư dân tộc Việt, nhưng nhóm này có thể nói đã “hòa trộn” đều hơn so với đợt di cư lần đầu vào 4000 năm trước của nhóm Nam Á, nhóm này cũng hòa nhập vào cốt lõi Nam Á đã có từ trước đó, để hình thành nên dân tộc Việt.

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, thì tới thời điểm hơn 4000 năm trước, thì vùng đồng bằng sông Hồng lộ diện chưa nhiều, chính vì đó người Việt nhóm Nam Á đã chọn vùng Phú Thọ để đóng đô. Và tới 2700 năm trước, thì đồng bằng sông Hồng đã được mở rộng hơn nhiều so với thời điểm hơn 4000 năm trước, tạo thành một vùng đồng bằng có điều kiện tốt để canh tác nông nghiệp. Đây là một trong những tác nhân chính thu hút người Việt tại Nam Đông Á di cư về Việt Nam, khi đất đai ở đây hết sức màu mỡ nhờ những lớp phù sa (đất trời cho), nên cây lúa phát triển rất mạnh, cho năng suất cao (trong thời Bắc thuộc, người Việt đóng thuế gấp 3 lần sức ăn của một người cho nhà Tây Hán (700kg)).

pvp
Hình 17: Bản đồ các giai đoạn hình thành đồng bằng sông Hồng khi mực nước biển thấp dần theo thời gian. [Nguồn: Bản đồ thể hiện mực nước biển trong đồng bằng sông Hồng theo nghiên cứu năm 2018 của nhóm Phùng Văn Phách. [Nguồn: Phùng Văn Phách (chủ biên), Sự hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng trong giai đoạn Holocene , NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ]

Nhóm tộc Việt về rất đông vào thời điểm 2700 trước đã làm bộ gen của người Việt thay đổi, do sự hòa trộn đều hơn tại vùng Động Đình, Dương Tử. Gen của người Việt trong giai đoạn này gần hơn với các dân tộc như Mường, Thái, Tày, Nùng, Choang, và không còn gần các dân tộc nói tiếng Nam Á ngày nay như Khơ Mú, Mảng…, bởi các dân tộc nói tiếng Nam Á này đã tách ra khỏi tộc Việt từ thời điểm hơn 4000 năm trước. Tới thời điểm đó thì di truyền của tộc Việt về cơ bản là thống nhất với nhau.

Theo nghiên cứu di truyền của McColl và cộng sự mà chúng tôi đã dẫn [30], trong thời điểm văn hóa Phùng Nguyên, thì mẫu gen tại Mán Bạc đã cho thấy gen người Việt có khoảng 8-90% gen của người Nam Á cổ (bao gồm cả gen của người Bắc Á với dấu vết tìm thấy tại hang Devil’s Gate) kết hợp với 10-20% gen của người Hòa Bình thuộc chủng Australoid da đen ở lại sau đợt biển tiến. 

mccoll
Hình 18: Gen của người Việt với mẫu tại Mán Bạc có tỉ lệ 8-90% Nam Á và 10-20% gen của người Hòa Bình. [9]

Tới thời kỳ hơn 2700 năm trước, thì cuộc di cư của cư dân tộc Việt tại vùng Dương Tử về miền Bắc Việt Nam khiến gen của người Việt đã có sự thay đổi, khi bắt đầu có sự hòa trộn nhiều hơn với cư dân tiền thân của hệ ngữ Tai-Kadai, sau thời điểm này thì gen của người Việt thay đổi không đáng kể. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam kết hợp với các chuyên gia Pháp, Đức trong admixture được thể hiện trong hình số 13, thì gen người Việt ngày nay có tỉ lệ gen là 60% gen Nam Á, 20% gen Bắc Á, 10% gen tiền Tai-Kadai và 10% gen Hòa Bình. [24]

Trong các thời điểm sau, thì các cư dân tộc Việt tại Nam Đông Á vẫn liên tục di cư về Đông Nam Á, trong đó có một lượng lớn di cư về Việt Nam để tránh chiến tranh, cũng như tránh sự đồng hóa và cai trị của người Hán. Tuy nhiên do là các cư dân có nguồn gen gần với người Việt nên sự tác động là không thực sự đáng kể, bởi những người di cư xuống đa phần là cư dân có gốc Việt đã hoặc chưa bị đồng hóa, thêm vào đó thì vào thời điểm đầu thời Hán thuộc người Việt tại miền Bắc Việt Nam vốn đã có số lượng đông đảo, nên lượng di cư về không tạo ra sự thay đổi lớn trong gen của người Việt. Nghiên cứu di truyền mới đây của Hàn Quốc [29] đã cho thấy gen người Việt trong giai đoạn sau thời điểm 2500 năm không có tác động đáng kể của các nguồn gen ngoài, có nghĩa người Hoa Bắc không tác động nhiều tới nguồn gen của người Việt trong giai đoạn Bắc thuộc. 

evaa062f5
Hình 19: Admixture graph công trình nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc đã cho thấy gen người Việt trong thời điểm hơn 2500 năm trước không có sự tác động đáng kể nào của nguồn gen ngoài.

Do đó nguồn gốc của người Việt về cơ bản là sự tổng hòa nguồn gen từ các giai đoạn:

– Gen người tiền Việt sinh sống tại Bắc Đông Á hợp với gen Bắc Á tại hang Devil’s Gate.

– Sự hợp nhất và hình thành tộc Việt tại vùng Động Đình, Dương Tử của người Bắc Đông Á với người Nam Đông Á, đã khiến gen tộc Việt thay đổi khá nhiều.

– Sau đó nhóm chính của tộc Việt, bao gồm cả tầng lớp cao nhất trong cộng đồng tộc Việt đã di cư về Việt Nam, họ đã hòa hợp với người cổ Australoid ở lại sau đợt biển tiến. Các cư dân tộc Việt nhóm Nam Á di cư về Việt Nam này đã làm cốt lõi để các nhóm dân trở về sau hòa vào đó.

– Giai đoạn có nhiều người tộc Việt phía Nam Đông Á về nhất là vào 2700 năm trước, giai đoạn này làm thay đổi một phần bộ gen người Việt, sau đó liên tục các nhóm dân tộc Việt tại Nam Đông Á đã di cư về Việt Nam, cùng chung sống, hòa hợp với nhau để hình thành người Việt.

Có thể thấy nguồn gốc của người Việt được hình thành nên bởi sự phát triển liên tục, từ những dòng di cư nội tộc diễn ra trong khoảng 4000 năm, tính từ thời điểm người tiền Việt Bắc Đông Á di cư về Động Đình, Dương Tử để hình thành tộc Việt vào khoảng 5000 năm cách ngày nay cho tới trong thời Bắc thuộc, nguồn gốc của người Việt là một sự tổng hòa di truyền, ngôn ngữ của cả cộng đồng tộc Việt.

III. Bối cảnh lịch sử và quá trình Nam tiến của tộc Việt: 

Tộc Việt có nguồn gốc từ người cổ có gốc Đông Nam Á di cư lên, phát triển đời sống của mình tại vùng Bắc Đông Á và Động Đình, Dương Tử. Họ sinh sống tại đây các vùng này rất lâu đời. Dòng di cư về phía Bắc không chỉ dừng lại vào thời điểm đầu của cuộc di cư, mà còn diễn ra trong khoảng thời gian sau đó từ vùng Động Đình, Dương Tử lên các văn hóa ở phía Bắc.

Sau đó, những tác động từ bối cảnh lịch sử, yếu tố khách quan từ điều kiện tự nhiên tại các thời điểm khác nhau đã tạo nên một tiến trình Nam tiến của tộc Việt trong khoảng thời gian từ 5300 năm trước cho tới trong thời Bắc thuộc.

Đầu tiên, thì chúng tôi muốn đề cập tới người tiền Việt tại vùng Bắc Đông Á, họ sinh sống lâu dài tại vùng Bắc Đông Á, nhưng vì một lý do nào đó mà chúng ta chưa được biết, vào khoảng 5300 năm trước ngày nay, người tiền Việt Bắc Đông Á đã di cư ngược trở về vùng Động Đình, Dương Tử, hợp nhất với cư dân nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương để hình thành tộc Việt. Đây là đợt nam tiến lần thứ nhất.

Vùng Bắc Đông Á trong thời điểm sau đó vẫn có cư dân tiền Việt sinh sống, những người Bắc Á gốc Trung Á xâm nhập vào vùng đồng bằng này đã hợp nhất với người tiền Việt ở đây, để dần hình thành tộc người Hoa Hạ vào khoảng 4500 năm trước [31]. Thời điểm này cũng có thể có dòng di cư của cư dân tiền Việt không chấp nhận sống chung với người Bắc Á mới xâm nhập, nên đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử.

Tộc Việt sinh sống, phát triển tại vùng Động Đình, Dương Tử được hơn 1000 năm, thì đã xảy ra hạn hán [22], khiến vùng Động Đình, Dương Tử không còn là nơi thuận lợi để sinh sống, nên vào thời điểm hơn 4000 năm trước, cư dân tộc Việt đã di cư phần lớn để trở về Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, trong đó nhóm nắm quyền lực cao nhất đã trở về Việt Nam. Đây là đợt nam tiến lần thứ hai.

Tới khoảng 2700 năm trước ngày nay, trong bối cảnh chiến tranh, loạn lạc tại vùng Bắc Đông Á, và sự xâm lấn của các quốc gia gốc Hoa Hạ, thì tộc Việt lại tiếp tục di cư về phía Nam [9][24], với số lượng lớn di cư về Việt Nam, hòa hợp với người Nam Á đã về trước. Và liên tục thời gian sau đó, thì cư dân tộc Việt đã di cư về Việt Nam cho tới khá lâu sau thời gian Bắc thuộc, để tránh sự sát hại, cai trị và đồng hóa của người Hán, trong số này có thể chiếm số đông là các gia đình quý tộc, do đối tượng này dễ bị người Hán thủ tiêu nhất khi cai trị người Việt.

Nghiên cứu di truyền đã thể hiện rõ các dòng di cư vào các thời điểm 4000 năm và 2700 năm trước ngày nay. Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được Hugh McColl và các cộng sự [9] xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. (Hình 11)

Do Việt Nam là mảnh đất có đông cư dân tộc Việt, và cũng là nơi có điều kiện phát triển tốt nhất, nên người Việt đã không dời đi đâu nữa, những nhóm cư dân Việt trở về đã cùng với người Việt về trước đã bám trụ, đấu tranh để giữ gìn văn hóa, tiếng nói, và sau đó là giành lại được độc lập cho dân tộc, dần hình thành hình hài dân tộc Việt như ngày nay.

Như vậy người Việt đã Bắc tiến một lần, sau đó Nam tiến chia thành nhiều lần, để hình thành tộc Việt, và sau đó là hình thành dân tộc Việt.

IV. Kết luận: 

Vấn đề nguồn gốc của người Việt đã trở nên rõ ràng, không còn rắc rối và bất định như các thời điểm trước đây. Những nghiên cứu di truyền, khảo cổ, ngôn ngữ, nhân chủng… đã cùng góp phần vào xác định diện mạo quá khứ của dân tộc Việt cùng các dân tộc anh em. Người Việt có nguồn gốc từ tộc Việt, và tộc Việt có nguồn gốc sâu xa từ người cổ rời khỏi châu Phi, họ đã có một tiến trình phát triển liên tục trong hàng chục nghìn năm, với sự di cư lên – xuống trong không gian vùng Đông Á. Và trong giai đoạn muộn hơn, người Việt là một kết quả tổng hòa của tộc Việt, di cư liên tục về Việt Nam trong nhiều giai đoạn.

Những khám phá khảo cổ được công bố trong thời gian gần đây cũng đã dần làm sáng tỏ nền văn minh lớn mà cộng đồng tộc Việt đã từng xây dựng nên, họ có sự phát triển văn minh cao độ trong nhiều giai đoạn, đóng góp lớn vào sự hình thành của nền văn minh Đông Á. Người Việt cùng các dân tộc anh em là những người kế thừa truyền thống và di sản đó của cộng đồng tộc Việt.

Chúng ta có quyền tự hào, và cũng cần một sự nhận thức chính xác hơn về nguồn gốc của dân tộc. Sự nhận thức đó, cùng với việc tìm hiểu, nghiên cứu, khôi phục những di sản của tộc Việt, là một vấn đề rất quan trọng, đó sẽ là nền tảng mở ra một tương lai mới rực rỡ hơn cho dân tộc Việt cũng như với các dân tộc anh em.

Lang Linh


Trong bài viết chúng tôi có sử dụng hai khái niệm Bắc Đông ÁNam Đông Á, đây là hai khái niệm mới trong giới khoa học, được sử dụng để chỉ tương ứng với các khái niệm đã có trước đó: Hoa Bắc và Hoa Nam, với ranh giới là dãy Tần Lĩnh và sông Hoài, địa giới tự nhiên chia cắt Bắc và Nam Đông Á. Khái niệm này thể hiện sự trung lập và khách quan hơn so với hai khái niệm cũ chỉ vùng đất Hoa phía Bắc và đất Hoa phía Nam. Chúng tôi nhận thấy các khái niệm này là phù hợp và khách quan nên đã sử dụng trong bài viết này của mình.


Tài liệu tham khảo: 

[1] E. Aymonier, Le Combodge, Paris. Tom 3. Dẫn theo Nhân chủng học Đông Nam Á

[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr. 17.

[3] Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, 1971.

[4] Léonard Aurousseau, “Khảo về cỗi rễ dân An Nam”. Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr. 480. Dẫn theo Cao Thế Dung: Tên nước Việt.

[5] Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, 1950, tr. 46.

[6] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

[7] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

[8] Valéry Zeitouna, Prasit Auetrakulvitb, Antoine Zazzoc, Alain Pierretd, Stéphane Frèree, Hubert Forestierf, (2019), Discovery of an outstanding Hoabinhian site from the Late Pleistocene at Doi Pha Kan.
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352226718300345

[9] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[10] Robert Hall, Christopher K. Morley et al. (2004), Sundaland Basins.
https://www.researchgate.net/publication/258699653_Sundaland_Basins

[11] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[12] Susumu Tanabea, Kazuaki Horib, Yoshiki Saitoc, Shigeko Haruyamad, Van Phai Vue, Akihisa Kitamuraf (2003), Song Hong (Red River) delta evolution related to millennium-scale Holocene sea-level changes.

[13] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago.
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[14] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[15] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[16] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[17] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[18] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63

[19] Veronika Siska, Eppie Ruth Jones, Sungwon Jeon, Youngjune Bhak, Hak-Min Kim, Yun Sung Cho, Hyunho Kim te al. (2017). Genome-wide data from two early Neolithic East Asian individuals dating to 7700 years ago.
https://advances.sciencemag.org/content/3/2/e1601877.full

[20] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history. 

[21] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

[22] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

[23] Chao Ning, et al (2020). Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration.
https://www.nature.com/articles/s41467-020-16557-2

[24] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[25] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.
https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[26] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[27] Lipson, M., O. Cheronet, S. Mallick, N. Rohland, M. Oxenham, M. Pietrusewsky, T.O. Pryce, A. Willis, H. Matsumura, and H. Buckley, Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science, 2018. 361(6397): p. 92-95.

[28] Yang, M.A., X. Fan, B. Sun, C. Chen, J. Lang, Y.-C. Ko, C.-h. Tsang, H. Chiu, T. Wang, and Q. Bao, Ancient DNA indicates human population shifts and admixture in northern and southern China. Science, 2020.
https://science.sciencemag.org/content/early/2020/05/14/science.aba0909

[29] Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.

[30] Kim J, Jeon S, Choi JP, Blazyte A, Jeon Y, Kim JI, Ohashi J, Tokunaga K, Sugano S, Fucharoen S, Al-Mulla F, Bhak J. The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences. Genome Biol Evol. 2020 May 1;12(5):553-565. doi: 10.1093/gbe/evaa062. PMID: 32219389; PMCID: PMC7250502.

[31] Zeng Wen, Li Jiawei, Yue Hongbin, Zhou Hui,Zhu Hong, Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population
https://www.academia.edu/5297877/2013_AAPA_poster-_Preliminary_Research_on_Hereditary_Features_of_Yinxu_Population

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *