491. ☀ Văn minh Việt và sự hình thành sức sống chống đồng hoá

Văn minh Việt cổ, một nền văn minh cổ đại từng hiện diện trong vùng Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam, dòng lịch sử tưởng chừng như đã làm nền văn minh đó đã biến mất không còn dấu tích, nhưng những khám phá về di truyền học, khảo cổ học dần dần hé lộ những di sản lớn lao mà họ đã tạo dựng nên tạo vùng Đông Á. Sự “biến mất” của nền văn minh Việt cổ có một phần nguyên nhân từ vấn đề đất Hoa Nam đã là lãnh thổ của người Hán trong hơn 2000 năm, người Việt cổ tại vùng Hoa Nam cũng đã bị đồng hóa thành người Hán, khiến các nhà nghiên cứu không thực sự chú ý tới văn minh của cộng đồng Việt, cũng như đồng hóa những thành tựu văn minh của họ vào di sản văn minh Trung Hoa. 

Các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt ngày nay: người Việt, người Mường, Người Tày, Thái, Nùng, Choang… đa phần cũng không còn nhớ tới cội nguồn thời xa xưa của dân tộc mình, do đó hiểu biết về nền văn minh Việt cổ cho tới thế kỷ trước vẫn còn trong trạng thái u minh, không rõ ràng, vấn đề chỉ thấy được thông qua những dòng sử thiên kiến và có chủ đích không tốt của người Trung Hoa. Nhưng khoa học hiện đại đã cung cấp những công cụ quan trọng: di truyền và khảo cổ học, đây là những công cụ có độ chính xác cao, giúp diện mạo cũng như tiến trình phát triển của nền văn minh này dần dần lộ diện và sáng tỏ. 

Bên cạnh vấn đề nghiên cứu, khôi phục lại lịch sử, văn hóa của người Việt cổ, thì còn một vấn đề cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn, đó là việc tại sao người Việt tại Việt Nam không bị đồng hóa, nhưng người Việt tại Hoa Nam lại bị đồng hóa thành người Hán? Cũng trải qua một thời gian Bắc thuộc tương đương, nhưng người Việt tại Việt Nam vẫn giữ gìn được tiếng nói, được văn hóa dân tộc cùng những di sản cổ xưa của văn hóa Việt cổ, còn người Hoa Nam giờ đã tự nhận mình là người Hán, nói tiếng Hán, theo văn hóa Hán. Việc người Việt ở đồng bằng, sống ngay trung tâm của chính quyền đô hộ, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách đồng hóa nhất, mà vẫn tồn tại độc lập cho tới ngày nay, là một điều hiếm có trong lịch sử thế giới, đặc biệt là trước một kẻ thù có sức đồng hóa mạnh mẽ như người Hán.

Vấn đề này cũng đã tạo nên những tranh luận khá sôi nổi, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các giả thuyết khác nhau, nhưng chưa có giả thuyết nào đủ sức giải thích nguyên do tại sao người Việt lại không bị đồng hóa, trong khi những người anh em của mình tại Hoa Nam lại bị đồng hóa thành người Hán. Đây là một vấn đề quan trọng và cũng rất lý thú, sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử trong giai đoạn trước và trong Hán thuộc.

Người Việt ngoài việc chống đồng hóa thành công, thì họ cũng là dân tộc còn giữ lại được nhiều di sản của nền văn hóa Việt cổ: truyền thuyết họ Hồng Bàng, các truyền thuyết được truyền lại từ thời Hùng Vương, di sản từ việc thờ tự các vua Hùng hay các vị Tổ như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, hay bản thân chữ Việt đại diện cho cộng đồng Việt cổ xưa. Những di sản và dấu tích này sẽ là những yếu tố quan trọng để chúng ta hiểu thêm được về cội nguồn của văn minh Việt cổ.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ thử tìm hiểu, khảo cứu về hai vấn đề quan trọng: sự hình thành văn minh Việt, và thử tìm hiểu lý do tại sao người Việt lại không bị đồng hóa và giành lại được độc lập, trong khi những người anh em Hoa Nam của họ lại không thoát khỏi được sự đồng hóa. Đây là những vấn đề có tính quan hệ nhân quả với nhau: sự phát triển văn minh là một phần nguyên nhân giải thích được tại sao người Việt ở Việt Nam lại không bị đồng hóa, cũng như tại sao văn hóa Hoa Nam vẫn đậm chất Việt như vậy, mặc dù đã là người Hán.

1. Những giả thuyết đã có về khả năng chống đồng hóa của người Việt tại Việt Nam: 

Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra bởi nhiều tác giả khác nhau để giải thích vấn đề tại sao người Việt không bị đồng hóa, bao gồm những lý do như:

– Chế độ làng xã (phép vua thua lệ làng) nên người Việt giữ được văn hóa và tiếng nói thông qua việc “bế quan tỏa cảng”.
– Nhờ nền tảng quốc gia, tinh thần dân tộc có được từ thời quốc gia Nam Việt.
– Việt Nam quá xa cõi “Trung Nguyên”, nên mới thoát khỏi bị đồng hóa.

Nhưng những lý do đó không thực sự hợp lý, và cũng không giải thích thỏa đáng được tại sao người Việt ở Việt Nam lại không bị đồng hóa.

Những lý do đó có thể phản biện lại bằng những lý luận đơn giản: về lý do thứ nhất, thì chế độ đô hộ có thể dễ dàng phá vỡ cấu trúc làng xã Việt trong bối cảnh đang kiểm soát gần như hoàn toàn người Việt, không làng xã nào có thể tồn tại được nếu như quân đô hộ không muốn chúng tồn tại. Về lý do thứ hai, thì quốc gia Nam Việt quá ngắn, không thể đủ sức để gây dựng nên nền tảng văn hóa, hay tinh thần quốc gia, dân tộc để người Việt có được tinh thần đấu tranh giành độc lập. Còn về lý do thứ ba, thì Việt Nam là trị sở đô hộ của cả Giao Châu trong một thời gian dài, nên không thể lấy lý do xa cõi Trung Nguyên mà không bị đồng hóa được.

Những lý do được đưa ra đều thiếu sự tiếp cận toàn diện vấn đề, bởi chúng đều dựa trên quan điểm cho rằng người Việt không có văn minh, trước thời Hán thuộc là những bộ tộc hoang dã, sơ khai, tới thời Triệu Đà mới được khai hóa, dạy cho văn minh, cho tinh thần dân tộc và làm người. Cách tiếp cận đó hoàn toàn sai lầm, là ảnh hưởng từ những dòng sử sai lệch do người Hoa Hạ ghi lại.

Sự thực lại khác với những gì sử sách Trung Hoa đã ghi lại và tuyên truyền, người Việt đã có một tiến trình phát triển rất lâu dài, kéo dài tới cả chục nghìn năm trước khi người Hán xâm chiếm đất đai và đồng hóa người Việt. Họ có trình độ văn minh cao độ, chứ không hề hoang dã, sơ khai như những gì đã được khắc họa trong cổ sử Trung Hoa, cũng như trong quan điểm của các nhà nghiên cứu người Việt từ thời phong kiến tới nay. Điều này sẽ được chúng tôi triển khai và chứng minh trong bài viết này.

Thêm nữa việc tách biệt người Việt Nam và người Hoa Nam cũng gây ra những vấn đề trong nhìn nhận lý do tại sao người Việt không bị đồng hóa, người Việt và người Bách Việt Hoa Nam là một khối văn hóa thống nhất, họ có thể có sự khác biệt trong ngôn ngữ, nhưng cơ bản vẫn cùng một dân tộc, một tộc người. Tách biệt họ với chúng ta, thì những giải thích về tại sao người Việt không bị đồng hóa sẽ khó có được sự hợp lý.

2. Tiến trình phát triển văn minh của cộng đồng Bách Việt:

Người Bách Việt có một tiến trình phát triển có thời gian kéo dài tới hàng chục nghìn năm, họ có gốc từ người cổ di cư khỏi châu Phi, tới Đông Nam Á và Việt Nam vào khoảng 6-40000 năm trước ngày nay [1][2]. Họ sinh sống tại vùng miền Bắc Việt Nam và Đông Nam Á trong thời kỳ tiền sử, với nhiều dấu tích tìm được.

Có một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi địa bàn sinh sống của họ: đợt kỷ băng hà cuối cùng diễn ra vào thời điểm hơn 20.000 năm cách ngày nay [3], khi đó nước biển xuống rất thấp, dẫn tới việc hình thành một đồng bằng rộng lớn, bao gồm đồng bằng sông Hồng nối liền đảo Hải Nam và đồng bằng sông Châu, đây là các nơi sinh sống của các cư dân cổ cho tới khoảng hơn 12000 năm trước. (Ảnh dưới)

principal-geographical-and-geological-features-of-sundaland-and-the-surrounding-region2 (3)
Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [Nguồn]

Thuần hóa cây lương thực là thành tựu quan trọng, khởi nguồn cho đời sống văn minh của nhân loại, và người tiền Việt là những người thuần hóa lúa nước sớm bậc nhất thế giới. Theo nghiên cứu di truyền của cây lúa, thì cây lúa đã được thuần hóa tại vùng đồng bằng sông Châu [4], khi đó đồng bằng này còn nối liền với đồng bằng sông Hồng, là nơi sinh sống của người cổ Australoid rời khỏi châu Phi, gốc của cộng đồng Việt. Họ đã bắt đầu đời sống nông nghiệp định cư của mình trong khoảng hơn 7000 năm, tuy nhiên khi nước biển dâng, những dấu tích và di sản của họ tại đây cũng biến mất theo dòng nước biển. Sự kiện này khiến những người cổ phải di cư lên phía Bắc để tìm vùng đất mới [5]. Các khảo cứu di truyền học đều thể hiện một hướng di cư ngược Bắc vào thời cổ đại, với nhân tố chính là các cư dân cổ từ Đông Nam Á tại vùng đồng bằng sông Hồng và sông Châu [1][2]. Khi họ tiến lên phía Bắc, họ đã đem thành tựu thuần hóa lúa nước của mình tại vùng đồng bằng phía Nam lên vùng Dương Tử, và tại Dương Tử cũng chính là nơi tìm thấy dấu vết lúa nước cổ nhất.

Những dấu tích về lúa nước thuần hóa được tìm thấy sớm nhất tại vùng hạ lưu Dương Tử, với niên đại vào khoảng 10,500 tới 12,000 trước ngày nay tại di chỉ Shangshan (ảnh dưới) [6], đây là dấu tích lúa thuần hóa sớm nhất trên thế giới, sự xuất hiện của lúa ở vùng Dương Tử cũng trùng khớp với thời điểm nước biển dâng, khiến người cổ Đông Nam Á phải di cư lên vùng Động Đình, Dương Tử và Hoa Bắc.

Untitled1f
Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a: japonica, b: lúa dại) và Shangshan (c: lúa dại, d: japonica) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [6]

Những di tích khảo cổ về lúa này được các nhà nghiên cứu cho rằng thuộc nền văn minh Trung Hoa, nhưng gốc tích và địa bàn sinh sống của người Hoa Hạ cho tới trước thời Tần, cơ bản nằm tại vùng phía bắc sông Dương Tử. Tới thời nhà Tần, người Hoa Hạ mới bắt đầu mở rộng xuống vùng phía Nam. Do đó những di sản tại vùng Hoa Nam đều là của người tiền Việt hay tộc Việt ở giai đoạn sau này.

Zhou-Dynasty
Bản đồ nhà Chu 1000 năm trước Tây Lịch của tác giả Ian Kiu dựa trên nghiên cứu của Albert Herrmann (1935). “The Chou Dynasty, 11th-9th Centuries B.C”. Historical and commercial atlas of China. Harvard University Press.

Sự thuần hóa lúa nước là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cho sự phát triển đời sống văn minh nhân loại nói chung, và của cộng đồng tiền Việt và tộc Việt nói riêng. Chỉ tính riêng sự kiện thuần hóa lúa nước này, các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á đã chứng tỏ một trình độ văn minh vượt trội so với các nhóm dân khác, tạo nên sự lan tỏa và ảnh hưởng rộng lớn tới khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á trong các giai đoạn sau này.

Các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở vùng Nam Dương Tử, mà họ còn di cư lên cả vùng Hoa Bắc, họ đã bắt đầu phát triển đời sống văn minh của mình tại vùng Dương Tử, và Hoa Bắc, với nền nông nghiệp định cư. Tại Hoa Nam thì người cổ có nguồn gốc Đông Nam Á trồng lúa nước [7], với các văn hóa lớn: Cao Miếu, Hà Mẫu Độ, Lăng Gia Than, là những văn hóa tạo dựng nền tảng cho văn minh Đông Á sau này. Còn ở Hoa Bắc thì các cư dân cổ từ phía Nam đi lên trồng cả lúa và kê [8], với các văn hóa Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều, các văn hóa này từng được cho là khởi nguồn của văn minh Trung Quốc, nhưng những nghiên cứu mới đã chứng tỏ người Trung Quốc bắt đầu hình thành từ các văn hóa Long Sơn (4500 – 4000 BP) hoặc Nhị Lý Đầu, với sự hợp nhất của người du mục Trung Á và người tiền Việt Hoa Bắc.

Tại vùng Hoa Bắc, thì người cổ gốc Đông Nam Á đã hòa hợp với người Bắc Á di cư theo con đường phía Bắc, để dần dần chuyển hóa thành chủng da trắng. Tới khoảng 5000 năm trước ngày nay, thì các cư dân tiền Việt tại vùng Hoa Bắc và Hoa Nam đã hợp nhất để hình thành tộc Việt, với các đại văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà tại hạ lưu Dương Tử và vùng Động Đình, ứng với truyền thuyết họ Hồng Bàng trong huyền sử Việt. Tại Lương Chử (5400 – 4250 BP), ứng với quốc gia Xích Quỷ, tại Thạch Gia Hà (4500 – 4000 BP) ứng với quốc gia Văn Lang. Các văn hóa này đã được chứng minh sự tồn tại của các nhà nước, cùng với một hệ thống chính trị và ý thức hệ để tổ chức và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau. Các cư dân hình thành nên tộc Việt bao gồm: người tiền Việt Hoa Bắc, người Bắc Á da trắng, và người tiền Việt Hoa Nam, với 3 thành phần này, hệ thống chính trị và ý thức hệ kia đã thống nhất các nhóm dân cư có phần khác biệt với nhau, để hình thành một cộng đồng có ý thức thống nhất chặt chẽ.

cc6a1-ce1baa5u-di-truye1bb81n-ngc6b0e1bb9di-vie1bb87t (3)
Gen người Việt ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Hoa Bắc (Devil’s Cave), và 10% gen Hòa Bình cổ, chứng minh sự hòa hợp với gen Bắc Á, cũng như sự hợp nhất của hai nhóm hậu duệ người Hoabinhian ở Hoa Bắc và Hoa Nam. [8a]

Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [9][10], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [11]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [12].

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [13]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [13][14]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [14].

Khả năng tổ chức các nhóm dân cư có nguồn gốc khác nhau vào một cộng đồng như vậy, là một tiền đề quan trọng tạo nên sức sống chống đồng hóa của người Việt.

Người tộc Việt đã di tản ra khắp Hoa Nam và trở về Việt Nam vào khoảng hơn 4000 năm trước [15]. Với nền tảng cố kết đã có từ thời văn hóa Thạch Gia Hà, thì cộng đồng Việt vẫn liên hệ và gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong vùng Hoa Nam rộng lớn. Các nhà nước của thời văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà đã được kế thừa tại miền Bắc Việt Nam, chính là quốc gia Văn Lang của các vua Hùng.

Sau đó tộc Việt đã bắt đầu chuyển sang một trạng thái mới, từ việc sử dụng đồ ngọc, chuyển sang sử dụng hẳn đồ đồng, với những đặc tính tâm linh rất quan trọng của chất liệu đồng, dần dần hình thành nên “nền văn minh trống đồng” rực rỡ ở Hoa Nam và Đông Nam Á trong những năm cuối trước công nguyên. Đây là giai đoạn văn minh tiếp nối những văn minh lớn trước đó tại vùng Động Đình và Dương Tử.

Tiến trình của cộng đồng tộc Việt đã thể hiện được rằng họ đã phát triển trình độ văn minh của mình liên tục trong giai đoạn gần 10.000 năm lịch sử, hiếm có nền văn minh nào có trình độ phát triển cao trong thời gian dài như vậy.

Tiến trình phát triển một cách liên tục, và mấu chốt ở điểm hình thành một cộng đồng thống nhất về ý thức dân tộc, văn hóa tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, đã tạo nên một sức mạnh văn hóa rất mãnh liệt, đây là một nguyên nhân quan trọng để người Việt tại Việt Nam thoát khỏi được sự đồng hóa.

3. Huyền sử Hồng Bàng và sự định hình ý thức văn hóa Việt: 

Huyền sử họ Hồng Bàng được lưu truyền bằng miệng trong dòng văn hóa dân gian, sau đó được ghi lại thành văn đầu tiên trong sách Lĩnh Nam Chích Quái, và được đưa vào chính sử từ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Các nhà nghiên cứu Việt Nam từ thời phong kiến tới ngày nay, do chỉ tập trung vào những yếu tố ma quái trong truyện, cũng như việc giới hạn không gian văn hóa Việt vào vùng miền Bắc Việt Nam, mà cho rằng huyền sử Hồng Bàng là huyễn hoặc, không đáng tin, nhưng chúng tôi khảo cứu thông qua di truyền, khảo cổ, lại có một góc nhìn rất khác: huyền sử Hồng Bàng chính là bản sử ghi lại giai đoạn văn hiến đầu tiên của tộc Việt.

Đầu tiên, chúng tôi muốn nói tới tính kết nối và gắn bó của hai nhóm người có gốc Đông Nam Á di cư lên tại Hoa Bắc và Hoa Nam. Tính kết nối này được ghi lại trong chi tiết:

“Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” (Lĩnh Nam Chích Quái – bản dịch Lê Hữu Mục)

Một nhóm ở Hoa Bắc, một nhóm ở Hoa Nam nhưng họ vẫn thống nhất với nhau, đều là hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông. Sau đó Đế Minh chia cho phương Bắc do Đế Nghi cai quản, còn phía Nam do Lộc Tục nắm quyền. Đây là dấu tích quan trọng chứng tỏ một ý thức thống nhất đã xuất hiện từ rất lâu đời.

Đế Nghi sau đó truyền ngôi cho Đế Lai, Đế Lai tuần thú phương Nam, đây là một biểu trưng cho sự di cư về phía Nam của người tiền Việt Hoa Bắc.

“Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ.”

Người Hoa Nam và người Hoa Bắc hợp nhất, với các đại diện là Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã có những xung đột, khó khăn khi chung sống với nhau, nhưng họ đã hòa hợp thành công, với kết quả chính là bọc trứng, sinh ra 100 người con. Bọc trứng này là một biểu trưng quan trọng cho cả tộc Việt: tất cả dân Việt đều cùng sinh từ một bọc, ra đời cùng một lúc, đều bình đẳng với nhau, đều là anh em cùng một mẹ. Ý nghĩa sâu xa hơn thì là: Tiên là âm, Rồng là dương, sinh ra bọc trứng vô cực, sinh âm, sinh dương rồi sinh muôn dân, tức người dân Việt đều thấm nhuần nguyên lý âm dương và ý thức về một cội nguồn chung, một chủng tộc chung, một văn hoá chung.

Đây là những dấu tích quan trọng chứng tỏ ý thức thống nhất của người Việt, được ghi lại trong huyền sử Hồng Bàng. Điều này cũng tương đồng hoàn toàn với một hệ thống chính trị cũng như ý thức hệ văn hóa đã được thiết lập trong văn hóa Thạch Gia Hà dựa trên các nghiên cứu khảo cổ mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Tiếp theo đây chúng tôi sẽ dẫn thêm những nghiên cứu khảo cổ để chứng tỏ sự chân thực của huyền sử Hồng Bàng:

Các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà được chúng tôi đề cập tới ở trên, là các văn hóa lớn, được hình thành với sự hợp nhất của hai nhóm Hoa Bắc và Hoa Nam, đều đã được chứng minh sự tồn tại của một tổ chức nhà nước tiên tiến. Các mốc niên đại của các văn hóa này cũng tương ứng với sự thành lập của các quốc gia của họ Hồng Bàng:

– Thời điểm thành lập quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương là vào khoảng 4879 năm cách ngày nay, niên đại của văn hóa Lương Chử là vào khoảng 5400 – 4250 BP. Gần như trùng khớp với thời điểm thành lập của quốc gia Xích Quỷ.

– Mốc thành lập của quốc gia Văn Lang có thể sau quốc gia Xích Quỷ một thời gian không dài. Mốc niên đại của văn hóa Thạch Gia Hà vào khoảng 4500-4000 BP, phù hợp với sự thành lập của quốc gia Văn Lang.

Và Lạc Long Quân cùng với Âu Cơ, là đại diện của một dương, một âm, của loài Rồng dưới nước và Tiên trên núi, với biểu trưng chính là hai loài vật Tổ: Rồng – Chim Phượng, đây là hai vật Tổ hết sức quan trọng đối với người Việt, đặc điểm văn hóa này còn lưu giữ lâu dài, trở thành một nét văn hóa đặc trưng với người Việt được duy trì tới trước khi thời kỳ Hán thuộc.

Các vật Tổ này có nguồn gốc từ cộng đồng Việt, với Phượng Hoàng sớm nhất được tìm thấy tại văn hóa Cao Miếu (Hồ Nam), tại văn hóa Thạch Gia Hà cũng đã tìm thấy ngọc Phượng Hoàng cổ nhất Đông Á.

95479956_1307506602970859_8729248028113764352_n
Nguồn gốc của Phượng Hoàng tại văn hóa Cao Miếu (Hồ Nam). [16]

Ngọc Phượng Hoàng và ngọc Rồng tại văn hóa Thạch Gia Hà. [17]

Hình tượng Phượng Hoàng tượng trưng cho mẹ Âu Cơ, đại diện cho bộ tộc Hoa Bắc di cư về, còn hình tượng Rồng tượng trưng cho cha Lạc Long Quân, đại diện cho cho bộ tộc Hoa Nam sinh sống vùng sông nước Động Đình, Dương Tử. Đây là một ý thức văn hóa cốt lõi của người Việt, có giá trị và sức sống rất mạnh mẽ, người Việt tới mãi sau này, vẫn đội mũ lông chim và xăm mình hình rồng, được thể hiện trong hình họa của tất cả các trống đồng Bách Việt, đó là sự hóa trang thành Chim – Rồng để người Việt ghi nhớ về nguồn cội của mình. Ý thức văn hóa, dân tộc đã hình thành và được duy trì một cách mạnh mẽ như thế, do đó người Việt đã có trong mình một ý thức dân tộc đủ mạnh để có thể chống lại được sự đồng hóa.

4. Sự hình thành văn minh Hoa Hạ: 

Nói qua về sự hình thành của người Hoa Hạ, cũng là một vấn đề quan trọng, để chúng ta thấy được sự tương đồng trong văn hóa Việt cổ và văn hóa Hoa Hạ. Đây cũng là một lý do quan trọng quyết định tại sao người Việt tại Việt Nam lại không bị đồng hóa.

Người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người du mục Trung Á di cư tới Bắc Á, họ bắt đầu xâm nhập vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng hơn 4000 năm trước đem theo kỹ thuật luyện kim và xe ngựa [18], tới thời điểm đó thì vùng Hoa Bắc vẫn còn một số lượng nhất định người tiền Việt sinh sống, do đó người du mục Trung Á đã xâm chiếm và đồng hóa người tiền Việt tại vùng này, để bắt đầu hình thành tộc người Hoa Hạ tại văn hóa Long Sơn (4500 – 4000) hoặc văn hóa Nhị Lý Đầu thời nhà Hạ.

Người du mục gốc Trung Á có kỹ thuật luyện kim, sức mạnh thể chất và xe ngựa vượt trội, thêm vào đó là sự chiếm hữu văn hóa tiền Việt của cư dân cổ Đông Á, 2 yếu tố đã giúp hình thành nên sức mạnh tổng hợp về quân sự và văn hóa của người Hoa Hạ.

Và đó cũng là lý do tại sao người Hoa Hạ có văn hóa rất tương đồng với người Việt ở các thời kỳ sau này. Điều này cũng là một lý do dẫn tới việc họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đồng hóa người Việt.

5. Thử tổng kết và tìm hiểu các nguyên nhân người Việt không bị đồng hóa: 

Người Việt có một tiến trình phát triển văn minh lên tới hàng chục ngàn năm, đó là một cái gốc cực kỳ vững chắc, làm nền tảng cho sức sống chống đồng hóa sau này, thêm vào đó là một ý thức văn hóa, cội nguồn được hình thành trong giai đoạn họ Hồng Bàng (hay Lương Chử, Thạch Gia Hà), khiến cho dân Việt được tăng cường thêm sức sống chống đồng hóa. Nhưng bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác tác động, quyết định tới khả năng chống đồng hóa của người Việt tại Hoa Nam và Việt Nam.

a. Những cuộc di dân của người Việt từ Hoa Nam về Việt Nam: 

Các cư dân Bách Việt Hoa Nam đã liên tục trở về Việt Nam trong thời tiền Bắc thuộc và trong Bắc thuộc là một yếu tố quan trọng để hình thành và suy giảm sức sống chống đồng hóa của hai vùng.

– Sự di cư từ Hoa Nam về Việt Nam dẫn tới cơ cấu dân số tại hai vùng có sự chênh lệch:

Theo cuốn Tiền Hán Thư, vào tk. II trCN, toàn quận Giao Chỉ có 92.440 hộ và 746.237 người, nhiều hơn tổng số dân 4 quận vùng Lưỡng Quảng (Hợp Phố, Hải Nam, Uất Lâm, Thương Ngô) cộng lại (71.805 hộ và 390.555 người). Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam có 235.508 người.

qvTDkZnBản đồ thể hiện chi tiết dân số các vùng Hoa Nam dựa trên cuốn Tiền Hán Thư. [Nguồn: dẫn]

Số lượng dân thống kê ở đây có thể khác biệt so với thực tế, nhưng từ con số trên, chúng ta có thể thấy được sự chênh lệch trong cơ cấu dân số giữa vùng Lĩnh Nam và Việt Nam.

Sự chênh lệch số lượng dân số có thể là một yếu tố rất quan trọng thể hiện khả năng chống đồng hóa, khi các cư dân Hoa Bắc di cư xuống theo số dân từng vùng, sẽ quyết định họ có đủ lấn át cư dân bản địa để thực hiện được quá trình đồng hóa hay không.

[Tại sao người Việt Hoa Nam lại di cư tập trung về Việt Nam, liệu lương thực ở đó có đủ cung cấp cho số dân đông như vậy hay không? Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, thì đồng bằng Bắc Việt xưa kia hết sức màu mỡ nhờ những lớp phù sa (đất trời cho), nên lúa gạo phát triển rất mạnh, thế nên mới có câu chuyện người Việt đóng thuế gấp 3 lần sức ăn của một người cho nhà Tây Hán (700kg). Đó là nguồn lương thực dồi dào để cung cấp cho dân số đông đúc tập trung về Việt Nam trong thời kỳ đó, và cũng là yếu tố quan trọng thu hút người Việt Hoa Nam trở về Việt Nam.]

– Thêm vào đó, những gia đình di cư thường là các gia đình quý tộc, tinh hoa, nên nguồn lực của người Hoa Nam đã phần nào bị hạn chế, do thiếu người lãnh đạo cũng như nguồn lực kinh tế.

Hai nguyên nhân này có thể là cơ bản để nguyên nhân sau tạo nên sự khác biệt trong việc bị hoặc không bị đồng hóa giữa người Việt Hoa Nam và người Việt tại Việt Nam, khi người Hoa Nam có thể gặp khó khăn trong tập trung nguồn lực để tổ chức khởi nghĩa, cũng như giữ gìn văn hóa truyền thống bởi ảnh hưởng từ những dòng di dân.

b. Sự di cư của những người Hoa Hạ hoặc chịu ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ:

Sự di cư từ Hoa Nam về Việt Nam là yếu tố đầu tiên quyết định tới cơ cấu dân số cũng như sức chống đồng hóa của hai vùng, nguyên nhân này dẫn tới sự ảnh hưởng của vấn đề thứ hai: vấn đề di dân Hoa Bắc xuống hai vùng có đủ lấn át được cư dân và văn hóa Việt hay không.

Vùng Hoa Nam tiếp giáp với vùng Hoa Hạ, nên họ dễ bị ảnh hưởng hơn bởi văn hóa phương Bắc hơn so với miền Bắc Việt Nam, nhưng những ảnh hưởng từ phía Bắc cũng chỉ bắt đầu trong giai đoạn 4-300 năm TCN, khi những dòng văn hóa phương Bắc chảy xuống vùng Hoa Nam vào thời điểm nước Việt bị Sở diệt, khiến cho dân cư Ngô Việt chạy xuống khắp vùng Hoa Nam, đây có thể là một sự thay đổi phần nào cơ cấu văn hóa của vùng Hoa Nam, sự thay đổi không nhiều nhưng cũng đủ tác động phần nào tới văn hóa Việt bản địa. Người Ngô Việt cũng xuống tới Việt Nam, tuy nhiên có thể có số lượng rất ít, nên không tạo ra sự thay đổi rõ ràng trong văn hóa.

Tới thời kỳ nhà Tần xâm lược Hoa Nam, thì Triệu Đà cũng đã xin Tần Thủy Hoàng điều 50 vạn dân xuống Hoa Nam để đồng hóa người Việt, khi đó nhà Tần mới chiếm được vùng Lưỡng Quảng, người Việt vẫn giữ được độc lập cho vùng đất phía Bắc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương. Vậy nên cuộc di dân này tác động chủ yếu tới người Hoa Nam, người Việt ở miền Bắc Việt Nam cơ bản không bị ảnh hưởng. Nhóm dân di cư này đã ở lẫn với người Việt, tuy số lượng di dân ở lại chỉ khoảng 10 vạn người, không áp đảo được dân Việt bản địa, nhưng cũng đã bắt đầu gây ra khó khăn trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa và khởi nghĩa giành tự chủ, chủ trương dung hòa văn hóa Việt Hoa của Triệu Đà cũng góp phần tạo ra sự thay đổi trong văn hóa và nhận thức của người Hoa Nam.

Tới thời kỳ Hán – Đường, thì người Hoa Bắc cũng di cư xuống vùng Hoa Nam, kết hợp với những người đã di cư từ trước đó, đã tạo nên một ảnh hưởng lớn trong sự thay đổi ý thức văn hóa cũng như việc khởi nghĩa giành tự chủ của người Hoa Nam. Văn hóa của người Hoa Nam trong thời kỳ này bắt đầu quá trình hòa trộn mạnh giữa văn hóa Việt cổ và văn hóa phương Bắc.

Hai nguyên nhân từ sự di dân từ Hoa Nam về Việt Nam, cũng như từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, là những nhân tố quan trọng tác động tới việc đồng hóa. Những dòng di dân từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam có số lượng không vượt quá người Việt bản địa, nhưng cũng đã thay đổi cơ bản cơ cấu văn hóa cũng như nhận thức của họ trong quá trình chung sống. Còn ở Việt Nam, số lượng cư dân tập trung về là rất đông, cũng là một nguyên nhân quan trọng quyết định tới việc họ không bị đồng hóa.

c. Vai trò trung tâm văn hóa, chính trị và tâm linh của người Việt tại miền Bắc Việt Nam: 

Miền Bắc Việt Nam không chỉ là nơi tập trung người Việt đông nhất, mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị và tâm linh của vùng Bách Việt cổ xưa, tại đây cũng là trung tâm lan tỏa văn hóa, đặc biệt là trong thời kỳ đồ đồng, với biểu trưng quan trọng nhất là trống đồng. Những trống đồng lớn và tinh xảo nhất trong thời kỳ Đông Sơn, được tập trung ở vùng miền Bắc Việt Nam, các trống cùng thời kỳ tại miền Nam Trung Quốc thường nhỏ hơn, hoa văn, trang trí cũng kém tinh xảo hơn. Đồ đồng các vùng Bách Việt khác về cơ bản cũng tương đồng với đồ đồng của văn hóa Đông Sơn.

Rìu cân xòe Đông Sơn [nguồn] và những chiếc rìu cân xòe tương đồng được phát hiện tại huyện Chủng và thành phố Ninh Ba [nguồn], tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Rìu lưỡi hài Đông Sơn [Martin Doustar], Hồ Nam [Nguồn], Quảng Đông [Nguồn], Quảng Tây [Nguồn]. 

Đây là một nguyên nhân quan trọng quyết định tới khả năng chống đồng hóa, do là trung tâm văn hóa, chính trị và tâm linh, nên đây cũng là nơi tập trung các tầng lớp tinh hoa của cộng đồng Việt cổ xưa, thêm vào đó là sự di cư liên tục của các tầng lớp tại Hoa Nam, cũng đã tạo nên một “sức sống” mạnh hơn trong việc chống đồng hóa của người miền Bắc Việt Nam.

Vai trò trung tâm của miền Bắc Việt Nam còn một lần nữa được phát huy, với cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, kêu gọi được sự đồng khởi của cư dân Việt toàn Hoa Nam, đánh đuổi quân Hán tới tận vùng hồ Động Đình. Đền thờ hai bà Trưng và các tướng lĩnh được tìm thấy khắp Lĩnh Nam là dấu tích quan trọng ghi dấu lại cuộc khởi nghĩa đó.

Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng cũng thể hiện khả năng tổ chức khởi nghĩa, chống lại sự đồng hóa, cai trị, được các thế hệ người Việt sau này kế thừa, liên tục nổi dậy trong thời gian Bắc thuộc, duy trì ngọn lửa đấu tranh, để tới thời Ngô Quyền, người Việt chính thức giành lại được độc lập dân tộc.

d. Tư tưởng “con Trời” của người Trung Quốc: 

Chủ thuyết cho rằng mình là con trời của người Hoa Hạ có thể là một yếu tố quan trọng để suy xét về khả năng đồng hóa của họ.

“Người Hoa thì tin rằng mình là con trời. Cho nên trong các sách cổ của họ, vua được gọi là Thiên-tử, còn các quan thì luôn là người nhà trời xuống thế phò tá cho vua. Chính niềm tin đó cùng với văn minh Hoa-hạ, văn minh Nho-giáo đã kết thành chủ-đạo của họ. Cho nên người Hoa dù ở đâu, họ cũng có một tổ chức xã hội riêng, sống với nhau trong niềm kiêu hãnh con trời. Cho dù họ lưu vong đến nghìn năm họ cũng không bị đồng hóa, không quên nguồn gốc. Cũng chính vì vậy, mà từ một tộc Hoa nhỏ bé ở lưu vực sông Hoàng-hà, họ đánh chiếm, đồng hóa hàng nghìn nước xung quanh, và nước của họ rộng lớn như ngày nay. Hầu hết những nước khác đến cai trị họ, đều bị họ đồng hóa. Mông-cổ, Mãn-thanh bị đồng hóa, bị mất hầu hết lãnh thổ. Nhưng chủ-đạo và sức mạnh của người Trung-quốc phải ngừng lại ở biên giới Hoa-Việt.” [Trần Đại Sỹ]

Tư tưởng này của người Hoa Hạ có sức ảnh hưởng rất lớn, giúp họ không bị đồng hóa, cũng như việc họ đồng hóa vô số các sắc dân tại những vùng họ chiếm được, kể cả các dân tộc đã từng thống trị đất nước của họ.

Nhưng người Việt cũng đã xây dựng nên một ý thức hệ chính trị và văn hóa, một ý thức dân tộc và cội nguồn mạnh không thua kém gì so với người Hoa Hạ, nền văn hóa của người Việt thời kỳ đó đã thống nhất được những nhóm dân có sự khác biệt như chúng tôi đã đề cập tới, và nền tảng văn hóa Việt cũng đủ sức đồng hóa được nhiều dân tộc vào khối văn hóa của mình, nếu như có cơ hội. Chủ thuyết con Trời của Trung Hoa không dễ đánh đổ và tác động tới ý thức dân tộc, cội nguồn của người Việt. Xét về ý thức văn hóa được ghi lại trong lịch sử, người Việt đã phần nào đồng hóa tầng lớp quý tộc của các quốc gia có quý tộc gốc Hoa Bắc như Sở, Việt.

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia, thì Việt Vương Câu Tiễn cắt tóc, xăm mình như phong tục của người Việt. Văn hóa của nước Việt có phần chiếm ưu thế của tộc Việt khi cổ vật tại đây xuất hiện trống đồng và rìu đồng, hai biểu tượng quyền lực quan trọng của tộc Việt. Cũng theo Sử Ký, thì vua Sở Hùng Cừ đã nói rằng: “Ta là man di, không cùng thụy hiệu với Trung Quốc”. Những ghi chép này đã thể hiện ý thức văn hóa của tầng lớp quý tộc các quốc gia Sở, Việt đã chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa Việt. 

16466373034_b3b0d2ae04_k
Tượng người Việt cắt tóc xăm mình tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]

Do đó người Việt đủ sức để chống trả lại sự đồng hóa của văn hóa phương Bắc, nếu đứng trên khía cạnh thuần văn hóa.

e. Thử kết luận: 

Các yếu tố: sức mạnh văn hóa, di dân, tập trung tinh hoa mà chúng tôi đã đề cập tới ở trên, là những yếu tố tổng hợp, có thể quyết định tới việc người Việt có bị đồng hóa hay không. Sức mạnh văn hóa của người Việt đủ sức để đối lại với văn hóa Hoa Hạ, ý thức hệ chính trị cũng vậy, ý thức văn hóa Việt có đủ khả năng để đối lại với “chủ thuyết con Trời” của người Trung Hoa. Nhưng về khía cạnh di dân và tập trung tinh hoa, thì đây lại là những yếu tố có tính quyết định.

Người Hoa Nam số lượng dân cư ít hơn miền Bắc Việt Nam, cũng như tầng lớp tinh hoa của họ đa phần đã di cư về Việt Nam và Thái, Lào, số dân di cư trong các giai đoạn Ngô Việt, Triệu Đà và Hán – Đường, đã tác động mạnh tới cơ cấu dân số và văn hóa, đó là những nguyên nhân cơ bản khiến cho người Hoa Nam bị đồng hóa. Còn ở người Việt ở Việt Nam, số lượng người Hoa Bắc di cư tới chiếm tỉ lệ rất ít so với dân Việt bản địa, nên đã bị đồng hóa ngược, trở thành người Việt, thay vì đồng hóa người Việt.

Tuy nhiên sức sống của văn hóa Việt cũng đã khiến cho quá trình đồng hóa ở Hoa Nam diễn ra không dễ dàng. Người Việt vùng Hoa Nam tuy sống lẫn cùng người Hoa Bắc, nhưng vẫn nhớ cội nguồn, họ cũng đã có những kháng cự để chống đồng hóa và chiến đấu để giành độc lập, ý thức văn hóa Việt vẫn còn đậm nét, các cuộc khởi nghĩa của người Hoa Nam cũng diễn ra nhiều trong thời gian Bắc thuộc, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Nùng Chí Cao năm 1052 lập nước Đại Nam hay nước Ngô Việt ở Chiết Giang, Phúc Kiến những năm 907-960, sự kháng cự ít nhất vẫn diễn ra tới thời nhà Tống, vùng Lĩnh Nam vẫn chưa thể yên.

Tuy tới nay, họ đã bị đồng hóa hoàn toàn về mặt nhận thức trở thành người Hán, nhưng nhân chủng của họ vẫn cơ bản tương đồng với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt. Văn hóa của họ vẫn không bị Hán hóa hoàn toàn, mà chỉ hòa trộn với văn hóa Hán trên cơ tầng văn hóa Việt cổ.

e. Vậy tại sao người Hoa Nam lại không bị đồng hóa về mặt nhân chủng? 

Người Việt Hoa Nam tuy đã bị đồng hóa về mặt ý thức và phần nào là văn hóa, nhưng nhân chủng, di truyền của họ vẫn cơ bản tương đồng với người Việt, nguyên nhân gây ra vấn đề này nằm tại điểm: di dân Hoa Bắc đã không áp đảo được về số lượng so với người Việt bản địa.

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy cư dân gốc Bách Việt như Kinh Việt, Tày, Nùng, Choang, Mường, Thái, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [19]

admix (4)Admixture công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 cho thấy người Hán Hoa Nam có gen tương đồng với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Kinh, Mường, Tày, Nùng…

Người Hoa Nam đã không bị đồng hóa về mặt nhân chủng, và về khía cạnh văn hóa,  mặc dù đã có những ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán, thì văn hóa Hoa Nam vẫn có cốt lõi là văn hóa Việt cổ, dấu ấn để lại vẫn rất đậm nét. Các đặc trưng văn hóa Bách Việt vẫn còn đậm nét trong người Hoa Nam như: tôn giáo thờ Mẫu, tư duy lưỡng hợp, tục thờ cúng tổ tiên, văn hóa gắn liền với sông nước, các đặc điểm văn hóa trong các ngày lễ…

Điều này chứng tỏ một sức sống bền bỉ của văn hóa Việt cổ, có nền tảng từ một tiến trình phát triển lâu dài và văn minh cao độ trong nhiều nghìn năm như chúng tôi đã nói tới ở trên. Sự kháng cự của người Bách Việt Hoa Nam cho tới thời nhà Tống cũng chứng tỏ ý thức Việt của họ là rất mạnh mẽ. Người Hoa Hạ đã không thể đồng hóa và xóa sổ hoàn toàn văn hóa Việt tại người Hoa Nam, nếu nói chính xác, thì họ đã bị đồng hóa ngược về mặt văn hóa, thay vì đồng hóa người Việt.

6. Văn hóa và ngôn ngữ của người Việt có bị đồng hóa? 

Văn hóa Việt sau khoảng thời gian giành lại được độc lập, đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở nhiều khía cạnh, như kiến trúc, trang phục, chữ viết… Sự ảnh hưởng này có nguyên nhân trực tiếp từ sự ép buộc phải sử dụng những nhân tố văn hóa Trung Hoa, thay thế những yếu tố kiến trúc, ngôn ngữ và trang phục truyền thống của người Việt trong khoảng thời gian Bắc thuộc, tuy nhiên văn hóa của người Việt vẫn cơ bản là văn hóa Việt, những yếu tố đặc trưng nhất như nhuộm răng, xăm mình, ăn và sử dụng trầu cau vẫn được giữ lại như truyền thống trước đó của dân tộc, hay như trống đồng, một biểu trưng quan trọng của dân tộc thời kỳ Hán thuộc, vẫn được tiếp tục sử dụng trong và sau thời Bắc thuộc.

Do đó có thể nói ở nhiều yếu tố như kiến trúc, trang phục, chữ viết, người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, là một sự tất yếu của lịch sử, không thể nói người Việt đã bị đồng hóa. Họ vẫn giữ được hầu hết những đặc trưng văn hóa của dân tộc thời tiền Bắc thuộc, đặc biệt là trong văn hóa dân gian, nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn văn hóa Việt cổ, văn hóa Việt về cơ bản chỉ chịu ảnh hưởng ở những nét văn hóa cung đình, quý tộc.

Và sự tương đồng văn hóa Việt – Hán ở nhiều yếu tố, cũng bởi sự hấp thụ văn hóa Việt của người Hoa Hạ ở các thời điểm họ xâm nhập Hoa Bắc, sự giao lưu tại vùng Hoa Nam, cũng như khi họ chiếm được Hoa Nam của tộc Việt. Sự tương đồng đó còn tới từ việc người Hoa Nam có gốc Việt đã bị đồng hóa về mặt nhận thức thành người Hán.

Ngôn ngữ cũng như vậy, có người cho rằng người Việt đã bị tiếng Hán đồng hóa, với 80% từ vựng tiếng Việt có nguồn gốc Hán Đường. Tuy nhiên thực tế tiếng Việt có cơ cấu từ có nguồn gốc Hán Đường chiếm ít hơn 50% [20], số lượng từ chịu ảnh hưởng có thể còn thấp hơn, bởi sự đồng hóa người tiền Việt Hoa Bắc của người du mục gốc Trung Á cũng như sự giao lưu thường xuyên, có thể chứa một lớp từ vựng nằm trong sự ảnh hưởng ngược lại từ tiếng Việt.

Chúng ta vẫn cần nghiên cứu, và khảo sát kỹ lưỡng hơn về vấn đề ảnh hưởng của tiếng Hán tới tiếng Việt, nhưng những nghiên cứu đã có cũng đã chứng minh những tuyên bố cho rằng tiếng Việt bị tiếng Hán đồng hóa là không chính xác, và việc tiếng Việt chịu ảnh hưởng của tiếng Hán cũng là một nguyên nhân lịch sử không thể tránh khỏi.

7. Tổng kết: 

Người Việt đã giữ được độc lập dân tộc, đó là một sự thật lịch sử, và sự thật lịch sử đó có cốt lõi từ văn minh được xây dựng nên trong nhiều nghìn năm. Người Việt có quyền tự hào về quá khứ đó của dân tộc mình, cùng với các dân tộc anh em, họ là hậu duệ của các vị tiền nhân vĩ đại, là những người đã xây dựng một nền văn minh rực rỡ, có sức sống mạnh mẽ, là nền tảng quan trọng để người Việt ngày nay còn giữ được tiếng nói, văn hóa và nền độc lập dân tộc của mình.

Và người Việt có thể nói đã may mắn hơn những người anh em Hoa Nam, đã có được những điều kiện tốt hơn để chống lại được sự đồng hóa. Nhưng cũng không thể không nhắc tới tinh thần quật khởi, không chịu khuất phục của tiền nhân người Việt trong thời Bắc thuộc, họ đã giữ gìn được gần trọn vẹn văn hóa dân tộc trong nỗ lực đồng hóa, cũng như liên tục khởi nghĩa, chống lại chế độ đô hộ, giữ ngọn lửa đấu tranh giành độc lập dân tộc luôn cháy rực trong giai đoạn Bắc thuộc, để sau đó Ngô Vương Ngô Quyền đánh trận quyết chiến giành lại độc lập cho đất nước.

Đây là những điều rất đáng tự hào trong một lịch sử dài của tộc Việt, và của dân tộc Việt cho tới ngày hôm nay. Trải qua nhiều thăng trầm, mất mát, sự xâm lăng, chiến tranh cũng không ngừng diễn ra, nhưng người Việt vẫn giữ được độc lập và những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi muốn ví tộc Việt và dân tộc Việt với loài chim Phượng Hoàng, loài chim với khả năng tái sinh và bất tử, dù có biến thành tro, nó cũng tái sinh lại từ đống tro tàn đó. Người Việt đã chết đi sống lại bao phen, văn hóa Việt cổ cũng vậy, rồi cũng tới lúc được tái sinh, đó cũng là điều chúng tôi tin tưởng.

Nhìn lại quá khứ, là một điều quan trọng, không phải để đòi lại đất đai đã mất, mà là để ta hiểu được chính mình, hiểu được rằng dân tộc mình, Tổ Tiên mình đã làm được những gì, để từ đó ý thức cố gắng và nỗ lực, để không phải hổ thẹn với các vị Tiên Tổ vĩ đại của dân tộc. Tộc Việt đã xây dựng nên một nền văn minh lớn, và cùng với các dân tộc anh em, dân tộc Việt ngày nay đã kế thừa những giá trị văn minh đó, cũng như đấu tranh giữ gìn văn hóa và độc lập dân tộc, do đó, người Việt không phải là những người tầm thường, kém cỏi. Chúng tôi tin tưởng rằng, thời vận cùng những yếu tố tác động chủ quan khác, bao gồm việc phục hưng văn hóa cổ của dân tộc, sẽ giúp người Việt cùng các dân tộc anh em nhận thức và bộc lộ được giá trị của mình, từ đó giúp họ lấy lại vị thế từng có của mình trong quá khứ.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo: 

[1] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[2] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[3] Pedro A Soares, et tl (2008), Climate Change and Postglacial Human Dispersals in Southeast Asia
https://www.researchgate.net/publication/5492339_Climate_Change_and_Postglacial_Human_Dispersals_in_Southeast_Asia

[4] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[5] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.
Chuan‐Chao WANG, Shi Yan, Zhen‐Dong QIN, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611. Journal of Systematics and Evolution;51(3):280-6.

[6] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[7] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

[8] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

[8a] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history

[9] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[10] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[11] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637

[12] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols

[13] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[14] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.

[15] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, et al. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports;9(1):1451.

[16] http://kaogu.cssn.cn/zwb/kgyd/kgsb/201810/t20181018_4711628.shtml

[17] http://www.hbww.org/Views/Detail.aspx?PNo=Archaeology&No=KGCZ&Guid=40e8d8b7-d513-4a32-9791-4acad8d7e448&Type=Detail&fbclid=IwAR1OzYtoRlH7lRr_3c7iJJELs6uEOa2VISJkK2AN4gKl7a5NPd4EJ64iqkQ

[18] Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population https://www.academia.edu/5297877/2013_AAPA_poster-_Preliminary_Research_on_Hereditary_Features_of_Yinxu_Population

[19] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[20] https://www.academia.edu/13883311/Loanwords_in_Vietnamese_T%C6%B0_m%C6%B0%C6%A1_n_trong_Ti%C3%AA_ng_Vi%C3%AA_t_%E8%B6%8A%E5%8D%97%E8%AA%9E%E7%9A%84%E5%A4%96%E6%9D%A5%E8%AF%8D

https://www.academia.edu/39643528/ETYMOLOGICAL_RESEARCH_ON_VIETNAMESE_WITH_DATABASES_AND_OTHER_DIGITAL_RESOURCES

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *