Chiều sâu văn minh, văn hiến Việt Nam

Trong thế giới hôm nay, Việt Nam như một con tàu từ sông sâu ra biển rộng. Thế kỷ 21, Việt Nam như ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời “hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác, cùng phát triển” giữa các quốc gia, dân tộc.Bạn bè thế giới nhìn Việt Nam như một sức trẻ đang lên : Ðộc lập, tự chủ, vững vàng, tự tin, chịu học hỏi, cầu tiến bộ, phấn đấu để đạt tới “dân giàu, nước mạnh”. Từ tầm vóc quốc gia, khu vực, tiến lên có tầm vóc quốc tế đáng tin cậy.Công cuộc đổi mới được tiến hành trong hơn 20 năm qua đã đưa đất nước ta tiến lên với “đôi hài ngàn dặm”. Ngoài những thành quả về kinh tế, văn hóa, xã hội… thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đem lại những thành tựu to lớn:

Từ cuối thế kỷ trước, sau khi gia nhập Hiệp hội các nước Ðông – Nam Á (ASEAN), năm 1994 Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của Diễn đàn Á – Âu (ASEM) . Năm 1998, Việt Nam gia nhập tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Năm 1999, trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Ðông Á – Mỹ la-tinh (FEALAC). Năm 2006, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngày 16-10-2007, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Những thành tựu đó chính là thắng lợi của ý chí và nguyện vọng hòa bình hữu nghị, cùng hợp tác, cùng phát triển đối với các dân tộc khác trên thế giới, của toàn Ðảng, toàn dân ta, biểu hiện tập trung trong đường lối đối ngoại sáng tạo của Ðảng ta.

Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn minh, văn hiến Việt Nam biểu hiện liên tục trong bề dày lịch sử:

1 – Việt Nam có sức mạnh trường tồn: Từ trong lịch sử, Việt Nam đã kiên trì gian khổ dựng nước và giữ nước, kiến lập nên quốc gia dân tộc Văn Lang, Âu Lạc từ mấy thế kỷ trước Công nguyên. Từ chỗ là một thành viên trong Bách Việt ở Ðông – Nam Á đã vượt qua bao thử thách của nghìn năm Bắc thuộc để tồn tại và phát triển.

2 – Việt Nam có một nền văn hóa cởi mở, một nền văn hóa bản địa Lạc Hồng đặc sắc nhưng không đóng kín mà lại rộng rãi giao lưu và hội nhập được với nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới như: Văn hóa Trung Hoa, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…

3 – Việt Nam đã tôi luyện được tài năng giữ nước qua bao thử thách gian nan: Từ tư tưởng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của nhà Lý, một triều đại tồn tại tới hơn hai thế kỷ (1010 – 1225); đến ba lần chiến thắng Nguyên Mông với những chiến công Bạch Ðằng Giang, Chương Dương Ðộ, Hàm Tử Quan trong thế kỷ 13, vó ngựa Nguyên Mông tung hoành từ Á sang Âu mà phải dừng bước ở Ðại Việt. Thắng lợi của Lê Lợi, Nguyễn Trãi thế kỷ thứ 15 là kỳ vĩ, như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, đã ghi: “Bởi trời muốn khống ta để trao trách nhiệm. Nên ta càng phấn đấu để vượt gian nan”. Và kết thúc là đã: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

Rồi đến thế kỷ 18, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã chiến đấu với khí thế và niềm tin: Ðánh cho kẻ thù biết “Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”.

Nhưng nếu nói về văn minh, văn hiến Việt Nam thì phải kể đến đức nhân ái, lòng vị tha, khoan dung, độ lượng: mỗi chiến thắng trên đều đi kèm với ý chí hòa bình và mong muốn xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thậm chí sau mỗi chiến thắng đều “trải thảm đỏ cho người bại trận về nước” và khoan dung với những người đã lầm đường theo giặc, để xóa bỏ hận thù.

Cụ thể, dưới chế độ thuộc địa Pháp, trên đất Việt Nam, nhà tù nhiều hơn trường học, tháp canh, lô cốt nhiều hơn bệnh xá, bệnh viện, thì nay tình hữu nghị Việt – Pháp do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng nhân dân cách mạng Pháp xây đắp vẫn đơm hoa kết trái. Với Nhật Bản, sau khi phát-xít Nhật bại trận, tội ác làm hai triệu người Việt Nam chết đói năm 1945 nay đã được làm rõ, thì hận thù được khép lại để cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình, hữu nghị.

Với Mỹ, nhiều cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam đã đi từ ngạc nhiên đến cảm động khi được đón tiếp bằng những nụ cười thân thiện, đôn hậu, những việc làm nhân ái.

Văn minh, văn hiến Việt Nam có những nét đẹp đẽ như vậy. Với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thì Việt Nam vẫn giữ được mối tình đoàn kết, thủy chung như châm ngôn Việt Nam đã nói: “Khi gian khổ, hoạn nạn có nhau thì lúc thanh bình, hạnh phúc đừng quên nhau”.

Trong công cuộc dựng nước, nếu lý luận Mác – Lê-nin khẳng định: Trong lịch sử loài người, việc chuyển từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác cao hơn (nô lệ sang phong kiến, phong kiến lên tư bản, tư bản lên xã hội chủ nghĩa) đều phải qua cách mạng bạo lực, nhưng nhờ có truyền thống cải cách, đổi mới, lịch sử Việt Nam lại chỉ qua có một cuộc cách mạng là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhằm đánh đổ thực dân phong kiến chứ chưa phải là thay đổi triệt để phương thức sản xuất cũ. Ấy vậy mà lịch sử Việt Nam cứ tiến lên. Ðến nay, chỉ mới qua hơn 20 năm đổi mới mà thành công mang lại đã ngang tầm một cuộc cách mạng.

Có bao giờ đẹp như hôm nay? Ðầu Xuân Mậu Tý (2008), lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ tung bay trên trụ sở của Hội đồng, cũng như đang tung bay trên Thủ đô của 167 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng vậy, lá cờ của các nước bè bạn anh em đang tung bay trên bầu trời Hà Nội – Thủ đô vì hoà bình.

Chúng ta lạc quan nhưng không chủ quan, tự mãn. Trong thế giới hôm nay, đất nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Hội nhập thế giới chỉ là điều kiện khách quan. Nỗ lực chủ quan của chúng ta mới là quan trọng. “Việt Nam trong thế giới hôm nay” cho chúng ta niềm vui để mừng Xuân Mậu Tý, tiếp tục vươn lên.

Giáo sư VĂN TẠO