Bài này được viết lại trên cơ sở báo cáo khoa học đã tham dự Hội thảo Quốc tế ”Văn hóa tộc người Trung Quốc – ASEAN lần thứ 2 (The 2nd Chia-ASEAN Ethnic Cultural Forum)” ngày 13-16.4.2017 tại Quảng Tây, Trung Quốc và Hội thảo Quốc tế “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam (Modern Linguistic trends and Language Studies in Vietnam)” do Viện Ngôn ngữ học (Viên Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức ngày 22.4.2017 tại Hà Nội, Việt Nam.
Trong thư tịch lịch sử, yếu tố “lạc (luò 雒)” xuất hiện đầu tiên trong “Sử ký (Shijì 史記” của Tư Mã Thiên (Simă Qian 司馬遷, năm -145/- 86) khi ông nói về “Tây Âu Lạc (Xī ōu Luò 西瓯雒)” và “Âu Lạc (ōu Luò 瓯雒)” thuộc khối “Bách Việt (Băiyuè 百越)”. Còn khái niệm “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” được nói đến đầu tiên trong “Hán Thư (Hàn shū 漢書/汉书 )”. Từ thế kỷ thứ XIII trở về sau, người Việt (Nam) đã dùng những yếu tố này theo cách của riêng mình.
Hiện nay, đã có một vài nghiên cứu từ nguyên của yếu tố “Lạc (Luò 雒)”, trong đó có cả những nghiên cứu từ góc độ văn hóa và từ góc độ ngôn ngữ học. Chúng tôi, dựa vào niên đại xuất hiện lần đầu của những yếu tố này, qua thao tác của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử, thử khôi phục lại từ nguyên của yếu tố tiếng Hán “Lạc (Luò 雒)” trong tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒越)” dùng trong thư tịch Trung Quốc.
Trên cơ sở nhận diện từ nguyên của yếu tố tiếng Hán “Lạc (Luò 雒)” và sau đó là “Lạc Việt (Luòyuè 雒越), bài viết sẽ trình bày suy nghĩ về biến đổi nghĩa của yếu tố “Lạc (Luò 雒)”. Theo đó, có khả năng là ngữ nghĩa ban đầu của“Lạc (luò 雒)” đã có sự điều chỉnh trong cách dùng “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越) về sau.
1. Về thời điểm xuất hiện “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” trong thư tịch
Trong tình hình khảo sát thư tịch lịch sử hiện nay, giới nghiên cứu đã có thể xác định được một cách khá tin cậy về thời gian tương đối xuất hiện yếu tố “lạc (luò 雒)” và khái niệm “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” trong ghi chép lịch sử. Theo đó, người ta biết rằng những từ ngữ này được xuất hiện đầu tiên trong tài liệu Trung Quốc; và từ thế kỷ thứ XIII -XIV trở về sau nó mới được sử dụng lại trong thư tịch của người Việt Nam theo cách hiểu của người Việt Nam. Theo như thông tin từ học giả người Pháp M. Ferlus [Ferlus 2011: 1] cho biết, khái niệm “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” được xuất hiện trong “Hán thư (Hàn shū 漢書/ 汉书)” [1] , một tác phẩm xuất hiện vào thời Đông Hán, là cuốn lịch sử ghi lại giai đoạn thời Tây Hán (năm -206/25) và được xác định là công trình của Ban Cố (班固). Khi kiểm tra lại thông tin về thời gian xuất hiện khái niệm này, chúng tôi được cho biết chi tiết hơn rằng khái niệm “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” xuất hiện lần đầu trong thiên “Truyện Giả Quyên Chi (贾捐之传, Giả Quyên Chi truyện)” của bộ “Hán thư (Hàn shū 漢書/汉书)” nói trên. Nguyên văn chữ Hán viết trong thiên truyện này là “駱越 之人, 父子同川而浴 (Lạc Việt chi nhân, phụ tử đồng xuyên nhi dục) – có nghĩa là Người Lạc Việt bố và con tắm cùng sông”. Như vậy, với cách dùng như đã thấy lần đầu tiên của thiên “Truyện Giả Quyên Chi” trong “Hán Thư”, người ta có cơ sở để nhận biết rằng khái niệm “Lạc Việt” được dùng ở đây có thể với nghĩa để chỉ “một vùng đất” hoặc có thể là “nhóm người/tộc người/thị tộc” hoặc cũng có thể là “tên gọi một nước”. Về sau, khái niệm này được xuất hiện lại trong “Hậu Hán thư (Hòu Hàn shū 後 漢書/后 汉书)” của tác giả Phạm Diệp (范晔) [Phạm Diệp 1965] mà thời gian soạn thảo thuộc vào thờì Lưu Tống Nam triều, ước khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên [2], tức là sau thời điểm xuất hiện trong tác phẩm “Hán Thư” vào khoảng 4 thế kỷ.
Tuy nhiên, ngay trước “Hán Thư” trong tác phẩm nổi tiếng “Sử ký (Shi jì 史記 )” của sử gia Tư Mã Thiên (Simă Qian 司馬遷, năm -145/- 86), người ta cũng đã thấy xuất hiện yếu tố “lạc (luò 雒) khi sử gia cổ đại này viết về nhân vật Nam Việt Vương [Tư Mã Thiên 1988: 743-753]. Trong phần viết về nhân vật lịch sử này của tác phẩm, yếu tố “Lạc (Luò 雒)” được thấy kết hợp với “Âu (ōu 甌)” để chỉ khái niệm “Âu Lạc (ōu Luò 甌雒) và yếu tố “Lạc (Luò 雒)” cũng được kết hợp với tổ hợp “Tây Âu (Xī ōu 西甌)” để chỉ khái niệm “Tây Âu Lạc (Xī ōu Luò 西甌雒)”. Ngữ cảnh của những đoạn văn như thế trong “Sử ký” cho biết, đây có thể là những “vùng địa lý của một tộc người” thuộc vào địa bàn phía nam sông Dương Tử (Yángzi 揚子) mà tác giả “Sử ký” gọi chung là vùng “Bách Việt (Băiyuè 百越)”. Và những tên gọi “vùng địa lý của một tộc người” nói trên từ sau thời Hán trở đi thường được dùng (hay được “hiểu”) như là tên “một bộ tộc” hoặc tên riêng của một “nước”.
Như vậy, theo như những gì vừa được trình bày, có thể xác định kết hợp để chỉ khái niệm “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” như một chỉnh thể hoàn chỉnh chỉ xuất hiện lần đầu trong thư tịch của Trung Quốc vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên chứ không phải vào thời Tư Mã Thiên thuộc thế kỷ II – I trước Công nguyên. Cho nên, có thể thấy riêng yếu tố “Lạc”, với sự kết hợp như cách dùng trong “Sử ký”, dường như chỉ có thể được xem như là một “ký tự bằng chữ Hán” dùng để biểu thị một “từ mô phỏng (onomatopoeia)” ngữ âm của ngôn ngữ một cư dân phi Hán ở phía nam sông Dương Tử. Có lẽ, với trình tự thời gian lịch sử xuất hiện yếu tố “lạc (luò 雒)” trong thư tịch như trên, người ta có đủ lý do để có thể cho rằng khái niệm hay tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” dùng trong “Hán Thư” là cách dùng về sau theo cách thức ghép hai yếu tố “Lạc (Luò 雒)” và “Việt (Yuè 越)” đã từng được dùng trong lịch sử trước đó.
Khi nói về cách hiểu dựa vào phương thức kết hợp của tổ hợp “Bách Việt (Băiyuè 百越)”, học giả người Pháp M. Ferlus đã viết rằng “Những chữ được sử dụng ở đây là chữ ghi âm (phonogrammes) dùng để ghi lại những tên gọi không thuộc Hán; cho nên ý nghĩa của tổ hợp ‘Bách Việt’ không thể giải thích bằng ý nghĩa của từng yếu tố hợp thành, tức ở đây cách giải thích nghĩa theo đó ‘băi 百, bách’ là ‘một trăm (cent)’ và ‘yuè 越, việt)’ là ‘cái qua (hache de guerre)’” [M. Ferlus 2011: 1] [3] là cách giải thích không hợp lý. Trên cơ sở đặt vấn đề như thế, học giả này đề nghị “Cho nên, phải tiến hành xem xét lại giá trị ngữ âm của chúng và so sánh những chỉ dẫn về tộc người giữa dạng thức cổ xưa và dạng thức hiện nay” [M. Ferlus 2011: 1] [4] để hiểu “nghĩa” của chúng. Như vậy, qua cách giải thích về kết hợp ngữ pháp đối với khái niệm “Bách Việt (Băiyuè 百越)” trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên như trên của M. Ferlus, người ta cũng có thể nhận thấy đối với kết cấu ngữ pháp của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” phải tiến hành xem xét lại “giá trị ngữ âm” của chúng như cái cách mà học giả người Pháp này đề nghị.
Rõ ràng, cũng giống như trường hợp phân tích cách dùng tổ hợp “Bách Việt (Băiyuè 百越)” ở tác phẩm “Sử ký” của Tư Mã Thiên, chúng ta không thể đơn thuần giải thích nghĩa của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” bằng sự kết hợp ý nghĩa đương đại của hai yếu tố hợp thành. Tức là, không thể giải thích nghĩa của hai yếu tố theo cách hiểu “Lạc (Luò 雒)” là “người có vật tổ là chim Lạc” và “Việt (Yuè 越)” là “người Việt”; cho nên “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” có nghĩa là “người Việt có vật tổ là chim Lạc” (Yue des Lạc)” như đã có một vài ý kiến đề nghị [M. Ferlus 2011: 1]. Vì thế, căn cứ vào thời gian xuất hiện cũng như cách thức kết hợp những “từ mô phỏng ngữ âm ngôn ngữ của cư dân phi Hán” trong thư tịch lịch sử, chúng tôi đồng ý với nhận xét của học giả người Pháp cho rằng “Những chữ được sử dụng ở đây là chữ ghi âm dùng để ghi lại những tên gọi không thuộc Hán”. Cho nên, để hiểu đúng ngữ nghĩa của những “chữ ghi âm” ấy, rõ ràng chúng ta phải tái lập lại giá trị ngữ âm của chúng và trên cơ sở ngữ âm ấy mới lý giải về “từ nguyên (etymology) của những yếu tố đó.
2. Về từ nguyên của“LạcViệt (Luòyuè 雒 越)”
Tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒越)” với thời gian cũng như ngữ cảnh xuất hiện như vừa được mô tả, tức về mặt ngữ dụng học (pragmatics), có khả năng phải được coi là một từ ghép gồm hai “chữ ghi âm” thể hiện tên gọi phi Hán (non Chinese). Trong những năm gần đây, ngôn ngữ học so sánh – lịch sử đã có những kết quả xác lập dạng thức ngữ âm của chúng vào thời điểm chúng được sử dụng trong thư tịch thuộc giai đoạn ngôn ngữ Hán cổ (Old Chinese, OC). Và trên cơ sở dạng thức ngữ âm được tái lập ấy, người ta cũng đã có thể nhận diện nghĩa từ nguyên của hai yếu tố có trong tổ hợp đó.
2.1 Kết quả nghiên cứu từ nguyên của yếu tố“Lạc (Luò雒)”
Có thể hiện nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu từ nguyên của giới ngôn ngữ học cũng như văn hóa học về yếu tố “Lạc (Luò雒)”. Nhưng do giới hạn cách thức tiếp cận của mình, chúng tôi cũng chỉ lấy cách phân tích nghiêng về ngôn ngữ học làm chính. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định cách tiếp cận của chúng tôi cũng có kết hợp với cách tiếp cận văn hóa trong việc lý giải vấn đề. Theo tài liệu đã được xuất bản, nói đến cách tiếp cận ngôn ngữ học, trước hết, là nói đến cách lý giải của hai nhà ngôn ngữ học Việt Nam Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc vào thập niên 70 của thế kỷ trước [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974]. Và, sau đó là cách lý giải của nhà ngôn ngữ học người Pháp M. Ferlus trong những năm thuộc thập niên thứ hai của thế kỷ XXI [M. Ferlus 2011]. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú ý đến một vài lý giải khác ít nhiều có viện dẫn những chứng cứ liên quan đến ngôn ngữ học. Sau đây, chúng tôi xin trình bày và nêu nhận xét của mình về những ý kiến lý giải khác nhau đó.
2.1.1. Giả thiết của Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc
Về cách lý giải ngôn ngữ học thứ nhất, như chúng ta đều biết vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ thứ XX , ở Việt Nam đã có một cuộc thảo luận của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn về một nội dung gọi là “vấn đề Hùng Vương (Xióng Wáng, 雄 王)”. Trong số những ý kiến tham gia thảo luận, hai nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc đã có một đề xuất về cách lý giải từ nguyên của yếu tố “Lạc” trên cơ sở phân tích những khái niệm “Lạc điền”, “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” và “Lạc Việt” [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974: 134] dựa vào cách ghi của sách Giao châu ngoại vực ký (交 州 外域 記). Tuy nhiên, trong số những khái niệm có yếu tố “Lạc” mà Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc đã dẫn ra ở trên, khi kiểm tra lại ghi chép trong Thủy Kinh chú (水 經 注) mà Lịch Đạo Nguyên được cho là dẫn lại [5] từ Giao châu ngoại vực ký thì hình như không bao gồm tổ hợp “Lạc Việt” trong đó.
Sau khi phân tích kết hợp ngữ pháp của những khái niệm vừa được dẫn ra ở trên, hai nhà ngôn ngữ học Việt Nam nói trên đã nêu ra ba giả thiết về từ nguyên của yếu tố “Lạc” mà Giao châu ngoại vực ký sử dụng. Theo đó, hai ông nêu ra giả thiết thứ nhất là khả năng căn cứ vào việc phân tích “nghĩa” của chữ “Lạc 雒” có trong Thủy Kinh chú, và “nghĩa” của chữ “Lạc 駱” được dùng trong Hán Thư. Nhưng khi nói về giả thiết thứ nhất này, Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc cho rằng sẽ không thực tế vì nếu căn cứ vào “nghĩa” của chữ “Lạc 雒” trong Giao châu ngoại vực ký hay chữ “Lạc 駱” có trong Hán Thư thì kết cấu ngữ pháp cho thấy “ngữ nghĩa” của những tổ hợp ấy sẽ trái với nguyên lý tạo ra từ ghép (compound word) của ngôn ngữ, trong đó có cả nguyên lý tạo ra từ ghép của tiếng Hán. Bởi vì những từ ghép luôn phải là những từ “có lý do” (tiếng Pháp: motivé; tiếng Anh: motivated). Cũng từ cơ sở lập luận như thế mà hai ông đưa ra một nhận xét, mà theo ý kiến của chúng tôi, rất đáng được chú ý như sau: “chúng tôi tin rằng ‘lạc’ là từ tố Việt và các chữ Hán đã dùng để ghi từ tố này chỉ là những chữ dùng để phiên âm (TTD nhấn mạnh) ” [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974: 136]. Như vậy, từ góc độ phân tích kết cấu ngữ pháp của tổ hợp, hai nhà ngôn ngữ học Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước cũng đã nhận ra chức năng “ghi âm” của yếu tố “Lạc” trong những tổ hợp hợp thành “Lạc Việt”.
Còn khi nêu ra giả thiết thứ hai, Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc giả định rằng chữ “Lạc 雒” là một kiểu tên tự xưng hay tên phiếm chỉ có giá trị như một tên riêng (proper name) giống như nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Và trong trường hợp như vậy thì chúng cũng “có thể được giải thích về nguồn gốc ngữ nghĩa”. Tuy đặt vấn đề như thế nhưng hai ông đã không tiếp tục đi sâu vào khai thác vấn đề mà ngay sau đó lại viết: “Ta lại trở về từ tố ‘lạc’. Nếu cho rằng từ tố ấy là tên riêng làm thành một từ độc lập “vô lý do” (immotivé), thì chúng tôi e rằng nghĩ như vậy là đã hiện đại hóa cách hiểu nó và cách ghép những từ lạc điền, lạc dân v.v… Vì vậy,…, chúng tôi nghĩ rằng ‘lạc’ là từ tố có thể giải thích được về nghĩa” [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974: 136].
Từ logic lập luận như ở giả thuyết thứ hai, Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc đã đề xuất giả thuyết thứ ba cho rằng từ nguyên của từ tố “lạc” có nghĩa từ nguyên là “nước (water)”. Hai học giả đã cho biết các ông “đi đến giả thuyết này trước hết là vì căn cứ vào hoàn cảnh xuất hiện của từ ‘lạc điền’”; thứ đến nữa là vì “trong tiếng địa phương” của tiếng Việt hiện đại có những từ có yếu tố ngữ âm và ngữ nghĩa tương tự như “lạc” vẫn đang còn được lưu giữ. Từ những lý do đó hai ông đi đến kết luận “giả thiết của chúng tôi là: ‘lạc điền’ là một từ ghép gồm hai từ tố, 1 từ tố Việt rác: nước, 1 từ tố Hán điền, dùng để biểu thị ‘ruộng rặc’, ‘ruộng rộc’ hoặc ‘ruộng nước’ (đặc biệt) của tổ tiên ta” [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974: 139]. Như vậy, đối với hai ông Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc, từ nguyên của yếu tố “Lạc 雒” trong các tổ hợp “Lạc điền”, “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” (và dường như đối với hai ông gồm cả “Lạc Việt”) có ý nghĩa ban đầu là “nước”. Vì thế, “Lạc điền”… mà người Hán dùng trong Giao châu ngoại vực ký có nghĩa từ nguyên là “ruộng nước”.
Phân tích những lập luận ngôn ngữ học mà Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc nêu ra, chúng ta thấy có những vấn đề đáng chú ý sau đây. Thứ nhất, kết luận nghĩa từ nguyên của yếu tố “Lạc” là “nước (water)”, như chính Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc ngay sau đó đã tự nhận thấy, chỉ thỏa mãn kết hợp ngữ pháp của từ ghép “Lạc điền”. Trong khi đó, nét nghĩa ấy khó dùng để giải thích nghĩa cho các kết hợp ngữ pháp “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” cũng được dùng trong Giao châu ngoại vực ký [Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc 1974: 140]. Rõ ràng, tự hai học giả này cũng đã nhận ra rằng giả thuyết từ nguyên mà mình đề xuất với nghĩa từ nguyên của yếu tố “Lạc” là “nước (water)” hoàn toàn thiếu tính thuyết phục khi thoát ra khỏi khái niệm “Lạc điền”.
Thứ hai là, mặc dù đã nhận ra kết hợp ngữ pháp của những tổ hợp có yếu tố “Lạc” xác nhận nó chỉ là “chữ dùng để phiên âm”, nhưng những lập luận mà hai học giả này đưa ra lại chỉ chủ yếu căn cứ vào kết hợp ngữ pháp gắn kết hai dạng thức ngữ âm đó. Hoặc hai ông chủ yếu dựa vào nét nghĩa đồng đại (synchronic) của chữ Hán “Lạc” trong tiếng Hán hoặc tiếng Việt đang được dùng hiện nay. Lẽ ra, khi nhận biết yếu tố “Lạc” là “chữ dùng để phiên âm” vào thời điểm mà Giao châu ngoại vực ký sử dụng thì vấn đề đầu tiên của ngôn ngữ học phải là tái lập dạng thức ngữ âm của nó ở giai đoạn lịch sử ấy. Có lẽ đây mới là logic cần thiết mà Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc tuy đã nhận ra nhưng vẫn còn, vì nhiều lý do khác nhau, chưa làm được.
Chính vì thế có thể nói, tuy hai ông tiếp cận từ nguyên của yếu tố “Lạc” từ góc nhìn ngôn ngữ học, nhưng giả thuyết nghĩa từ nguyên của chữ Hán “Lạc 雒” (trong các tổ hợp “Lạc điền”, “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng”) mà hai ông đưa ra còn dựa trên cách xử lý phiến diện nên kết quả chưa đủ sức thuyết phục. Sự phiến diện rõ nhất ở đây là chưa tái lập lại giá trị ngữ âm của yếu tố Hán “Lạc 雒” ở thời điểm nó được sử dụng để nhận diện ngữ nghĩa mà lại dựa vào hình thức ngữ âm hiện nay để tiếp cận và giải thích vấn đề.
2.1.2. Giả thiết khác có liên quan đến ngôn ngữ
Trong một bài viết về biểu tượng “chim Lạc” của văn hóa Việt Nam, Đinh Hồng Hải cho chúng ta biết có một tác giả là Trần Gia Phụng cũng có cách lý giải về từ nguyên của chữ Hán “Lạc” từ góc nhìn ngôn ngữ học [Đinh Hồng Hải 2016: 58-78]. Theo đó, tác giả này đã viết “những danh từ riêng như tên đất tên người đều là tiếng bản địa cổ Việt. Khi đến đô hộ người Việt, người Trung Hoa phiên âm các danh từ này, rồi viết lại, nghĩa là người Trung Hoa dùng những chữ Hán có âm giống tiếng Việt cổ, ghi lại địa danh và nhân danh. Chắc chắn chữ ‘Lạc Việt’ cũng nằm trong trường hợp đó” [6] . Từ lập luận ấy, ông viết tiếp “Chữ lạc là tiếng phiên âm một từ ngữ của người bản địa cổ Việt”. Theo như thông tin Đinh Hồng Hải cho biết “Cuối cùng, ông đưa ra nhận định, chữ lo(lạc) được người Hán phiên âm từ ló, lo hay lô trong tiếng Việt cổ. Từ này có nghĩa là lúa gạo” như âm đọc ló hay lọ ở tiếng địa phương Quảng Bình, Huế v.v thuộc Bắc Trung Bộ” [Đinh Hồng Hải 2016: 71]. Như vậy, đối với ông Trần Gia Phụng (được Đinh Hồng Hải dẫn lại), chữ Hán có âm đọc Hán – Việt “Lạc” là một chữ biểu âm có nghĩa từ nguyên là “lúa gạo”.
Từ góc độ ngôn ngữ học có thể thấy luận giải từ nguyên mà Trần Gia Phụng đề nghị vừa có điểm hợp lý, nhưng lại có những điểm rất bất hợp lý. Điểm hợp lý của ông là khi ông cho rằng đối với trường hợp chữ “Lạc”, nó chính là cách “người Trung Hoa dùng những chữ Hán có âm giống tiếng Việt cổ, ghi lại địa danh và nhân danh” của Việt. Tức là, ông cũng đồng ý chữ “Lạc” là một chữ “ghi âm”. Nhưng điều bất hợp lý của ông là dựa vào âm đọc chữ Hán của tiếng Hán hiện nay (âm lo, Hán – Việt là “lạc”) để nhận diện nghĩa của từ “Lạc”. Đáng lẽ ra, ông phải xác định được chữ Hán 雒/駱/絡 có âm đọc Hán – Việt là “Lạc” và âm đọc Trung Hoa hiện nay là “luò” ở vào thời gian chúng được dùng để “ghi lại địa danh và nhân danh” của Việt cổ phải là một âm như thế nào.
Chính vì thế, có thể nói, cách xác định từ nguyên của tác giả Trần Gia Phụng tuy đã có chủ ý phân tích theo ngôn ngữ học nhưng ông đã không xử lý vấn đề triệt để theo cái cách của nghiên cứu so sánh – lịch sử ngôn ngữ. Cho nên kết luận mà ông đưa ra khi cho rằng chữ Hán 雒/駱/絡 với âm đọc Hán – Việt là “Lạc” có nghĩa chỉ “lúa” thời Việt cổ là hoàn toàn chưa đủ cơ sở khoa học. Ý kiến của ông chỉ có thể hợp lý nếu như ông có thể chứng minh được âm đọc Trung Hoa “luò” hiện nay của những chữ Hán có âm đọc Hán – Việt là “Lạc” vào giai đoạn tiếng Hán cổ (xuất hiện trong “Hán Thư”) và giai đoạn tiếng Hán trung cổ (xuất hiện trong “Giao Châu ngoại vực ký”) cũng được đọc là “luò/lo”. Nhưng những kết quả nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Hán trên thế giới hiện đã chứng minh là ở vào giai đoạn lịch sử ấy, chữ Hán 雒/駱/絡 không có dạng thức ngữ âm như cách giải thích của Trần Gia Phụng [A.Schuessler 2007].
2.1.3. Giả thiết của M. Ferlus
Cũng đồng tình với cách nhìn của Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc cho rằng yếu tố “Lạc 雒/駱/絡”, với sự kết hợp ngữ pháp như cách dùng trong “Sử ký” hay “Hán thư”, chỉ là một “ký tự bằng chữ Hán” dùng để biểu thị một từ mô phỏng ngữ âm của ngôn ngữ phi Hán, học giả M. Ferlus dựa vào những tái lập tiếng Hán cổ đã công bố cho chúng biết dạng thức ngữ âm thời “Sử ký” hay “Hán thư” (giai đoạn tiếng Hán cổ, OC) của yếu tố này là như sau:
luò 雒 SV lạc < MC *lak < OC *C-rak [(C).r ak ] [7]
Trong dạng thức OC được tái lập có âm tiết chính * r ak của một dạng thức bán song tiết cổ xưa *p. r ak hay *b .rak. Như vậy, âm Hán – Việt “lạc” bắt nguồn từ âm tiết chính *rak đã có ba sự biến đổi lịch sử về sau. Đó là chuyển đổi âm đầu r thành âm l (r > l) ở âm đầu âm tiết, là thể hiện nguyên âm a Hán cổ bằng nguyên âm a (trong Việt cổ có đối lập ngắn/dài nguyên âm) và là xu thế đơn tiết hóa dạng thức bán song tiết *p. r ak /*b .rak bằng cách không lưu giữ tổ hợp phụ âm. Như nhiều nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Hán đã cho biết, do chức năng ghi âm, âm Hán – Việt “lạc” đôi khi cũng được thể hiện bằng những chữ Hán 駱 hoặc 絡 ở giai đoạn OC [A. Schuessler 2007: 371-372].
Theo như nghiên cứu của M. Ferlus, dấu vết dạng thức *rak của tiếng Hán cổ còn được lưu giữ trong các ngôn ngữ của nhánh Kam – Sui (thuộc họ Thái – Kadai) trong các tổ hợp có nghĩa “chỉ người”. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ gọi là tiếng Maonan: la ː k ⁸ bi ː k ⁷ có nghĩa là “ phụ nữ (femme)”, la ː k ⁸ce ³có nghĩa là “trẻ em (enfant)”; trong tiếng Lakkia : lak ⁸ k j e i ¹ có nghĩa là “người (homme)”, lak ⁸ kjã ː u ³ có nghĩa là “ phụ nữ (femme)”, lak ⁸ l o u ⁴ có nghĩa là “người già (vieillard)” [8] v.v. Ông cũng cho biết thêm rằng những dạng thức Kam – Sui la:k8/lak8 thuộc họ Thái – Kadai và ngữ âm lạc Hán – Việt là tương ứng với nhau và là những dạng thức mà những ngôn ngữ này vay mượn từ tiếng Hán cổ ở giai đoạn muộn (chinois archaïque tardif) [M. Ferlus 2011: 7]. Đây chính là dấu hiệu biến đổi ngữ âm quan trọng nhất để nhận biết dạng thức ngữ âm có trong OC khác với dạng thức ngữ âm có trong MC mà Hán – Việt đã vay mượn.
Ngoài trường hợp lưu giữ trong một số ngôn ngữ Kam – Sui và dạng thức Hán – Việt, học giả người Pháp còn cho biết âm *p.rak Hán cổ hiện nay được thể hiện bằng dạng ngữ âm tái lập *pr ɔ ː k là “tên tự gọi của người Wa” (với những dạng thức ngữ âm khác nhau là p əʐ a ə k , par auk , p ʰ alok tùy theo từng phương ngữ) và bằng r ɔː k là tên tự gọi của“một tiểu nhóm Khmú (un sous-groupe Khmou)”. Sự chuyển đổi nguyên âm a: > ɔ: cũng được tìm thấy trong tiếng Bolyu [Edmondson 1995], một ngôn ngữ thuộc họ Nam Á có những xử lý ngữ âm tương tự như nhóm ngôn ngữ Việt – Mường/Vietic [M. Ferlus 2011: 8]. Vì thế, dạng thức ngữ âm tái lập *pr ɔ ː k “tên tự gọi của người Wa” hay người Khmú đã lưu giữ nghĩa từ nguyên rõ nhất của từ gốc Nam Á này.
Như vậy, qua dẫn chứng của M. Ferlus, ông cho thấy dạng thức Hán cổ này đã được lưu giữ trong một không gian khá rộng gồm cả miền nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Những ngôn ngữ mà ông dẫn ra có dạng thức ngữ âm tương ứng với từ ngữ âm *p.rak Hán cổ đều mang nét nghĩa “chỉ người”. Và nét nghĩa ban đầu ấy chính là “tên tự gọi của người Wa” hay “người Khmú”, là những ngôn ngữ thuộc hai nhóm (group) phía bắc (nhóm Khmú và nhóm Palaung – Wa) của nhánh Môn – Khmer thuộc họ Nam Á.
Chúng tôi còn thấy rằng, trong những ngôn ngữ thuộc nhánh Môn – Khmer của họ Nam Á, không chỉ có ngôn ngữ của riêng hai nhóm phía bắc là nhóm Khmú và nhóm Palaung – Wa có dạng thức ngữ âm *pr ɔ ː k hay par auk tương ứng với từ ngữ âm *p.rak Hán cổ 雒 có nét nghĩa chỉ “người”. Chúng ta có thể thấy trong một vài ngôn ngữ thuộc nhóm Việt – Mường (Vietic), thậm chí là cả ở nhóm Bahnar (Bahnaric) của nhánh Môn – Khmer những dạng thức ngữ âm có nét nghĩa “chỉ người” như thế đang còn được lưu giữ. Ví dụ, tiếng Arem của nhóm Việt – Mường từ ngữ âm cmraw? bare: “người già (vieilard/old person)”, từ ngữ âm cmraw? “người arem (autonyme/ self ethnic name) [Trần Trí Dõi – Ferlus M 2013: 4-12]. Hay như dạng tiền ngôn ngữ của nhóm Bahnar được P. Sidwell tái lập có dạng ngữ âm là *raa có nghĩa là “người (person)” [P. Sidwell 2003: 65]. Phân tích một cách chí tiết rõ ràng dạng thức ngữ âm hiện nay của tiếng Arem thể hiện nét nghĩa “chỉ người” tương ứng khá đều đặn với nhóm Khmú và nhóm Palaung – Wa. Trong khi đó, nhóm Việt – Mường, nhóm Bahnar là những nhóm ngôn ngữ ở khá xa về phía nam so với nhóm Khmú và nhóm Palaung – Wa ở về phía bắc.
Như vậy, có thể thấy sự hiện diện dạng thức từ ngữ âm có nét nghĩa “chỉ người” của các nhóm ngôn ngữ Khmú, Palaung – Wa, Việt – Mường, Bahnar v.v thuộc nhánh Môn – Khmer của họ Nam Á có nghĩa là dạng thức ngữ âm *p.rak Hán cổ được biểu thị bằng chữ Hán 雒 (hoặc 駱 hay絡) là để biểu âm một từ gốc Nam Á dùng để chỉ “người”. Sự phân bố rộng rãi ở những nhóm ngôn ngữ khác nhau của các ngôn ngữ Môn – Khmer là chứng cứ rõ ràng nhất chứng minh cho khả năng này. Đồng thời, dạng thức âm đầu l trong các ngôn ngữ Thái – Kadai cũng đã xác nhận điều đó. Rõ ràng, với logic lập luận và thao tác làm việc phù hợp với cách thức nghiên cứu của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử, việc xác lập nghĩa từ nguyên của yếu tố lạc (luò 雒) với nghĩa chỉ “người” mà M Ferlus đề nghị là đảm bảo cơ sở ngôn ngữ học nên có thể chấp nhận được. Vì thế, chữ Hán 雒 (hoặc 駱 hay絡) có âm đọc Hán – Việt “lạc” được dùng ở giai đoạn Hán cổ (OC) để ghi một tên gọi phi Hán có nghĩa từ nguyên là “người (person)”.
2.2 Kết quả nghiên cứu từ nguyên của yếu tố Việt (Yuè 越)
Chữ viết tiếng Hán hiện nay có âm Hán – Việt việt (yuè 越) được giải thích có nét nghĩa thể hiện nội dung “vượt qua (franchir ‘les limites’,transgresser)”. Cách giải thích này, như vậy, là căn cứ vào nghĩa “tự dạng” của chữ viết. Một vài học giả giải thích rằng nét nghĩa như thế của từ này được cho là dùng để đánh dấu hay chỉ “những cư dân ở miền nam Trung Quốc”. Nhưng logic lập luận như thế đã không thể được chứng minh trong loạt tái lập ngữ âm mà nhiều nhà ngôn ngữ học đã thực hiện. Dựa theo những quy luật ngữ âm do William Baxter xác định [W. Baxter & L Sagart 2014], M. Ferlus đề xuất một tái lập sau đây cho chữ 越 (yuè, SV: việt) của tiếng Hán cổ:
Yuè 越 SV: Việt < MC *hjwot < OC *wjat [*wa t ]
Thực ra, đối với chữ Hán này, đã có không ít nhà ngôn ngữ học tái lập dạng ngữ âm Hán cổ của chúng. Ví dụ hai ông W.Baxter – L. Sagart đã đề xuất dạng thức tái lập là *Gwat [W.Baxter – L. Sagart 2014]; còn như trước đó, A. Schuessler cho rằng nếu đứng một cách riêng lẻ thì Yuè 越 được tái lập dạng ngữ âm là * wat, nhưng trong sự kết hợp của tổ hợp Yúyuè 於越 (SV: Vu Việt) thì lại có thể được tái lập như *ʔ a – wa t là một tổ hợp song tiết [A. Schuessler2007: 596]. Trên cơ sở ấy, học giả người Pháp này đặt câu hỏi “Vậy từ ngôn ngữ nào để có thể đưa đến dạng thức *wa t /yuè 越/việt”? Trả lời cho chính câu hỏi mình đã nêu ra, học giả này cho rằng “Đó chính là trong các ngôn ngữ Nam Á, nhất là trong tiếng Khmer và tiếng Bahnar, là những ngôn ngữ có thể nhận thấy những yếu tố thỏa mãn cho câu hỏi đó” Và trên cơ sở ngữ nghĩa của tiếng Khmer, cả ngôn ngữ cổ và ngôn ngữ hiện nay, ông cho rằng từ ban đầu với dạng ngữ âm là *wat, có nghĩa chung là “một phạm vi, một vùng (faire le tour, encercler” [M. Ferlus 2011: 4-5].
Từ việc xác định từ nguyên như thế, học giả M. Ferlus cho rằng “ *wat với nét nghĩa “vùng lãnh thổ (territoire délimité)” đã là một khái niệm của tiếng Nam Á đi vào tiếng Hán nhưng sau đó đã mất đi trong cách dùng của chính người Hán (không có ở ý nghĩa chữ viết nữa …), nhưng vẫn được duy trì ở bên ngoài (những vùng đất ở phía nam); âm đó được viết bằng chữ biểu âm (phonogramme) yuè 鉞 (SV: việt) có nghĩa trong tiếng Hán là “cái búa lớn (hache decombat)”, rồi sau đó nó được vay mượn trở lại vào tiếng Khmer và sau đó là ở cả tiếng Thái”[9] [M. Ferlus 2011: 5]. Với lập luận như thế của M. Ferlus, chúng tôi nghĩ rằng khi đã xác định việt/yuè 越 cũng là một chữ Hán dùng để “phiên âm” từ phi Hán thì việc liên hệ dạng ngữ âm cổ xưa *wat của chữ này theo cách làm của học giả Pháp là có thể chấp nhận được. Do vậy, nét nghĩa từ nguyên của việt/yuè 越 ở giai đoạn OC dùng để chỉ “vùng lãnh thổ” là cách giải thích phù hợp với tái lập của ngôn ngữ học.
Như vậy, với thời điểm xuất hiện lần đầu tiên của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” trong “Hán thư (Hàn shū 漢書/汉书)” là giai đoạn tiếng Hán cổ đại (OC), người ta đã có thể tái lập dạng thức ngữ âm của mỗi yếu tố hợp thành nó ở giai đoạn nó được xuất hiện lần đầu. Đó là *rak (đối với yếu tố luò 雒) và là*wat (đối với yếu tố yuè 越). Cùng với nghĩa từ nguyên của mỗi yếu tố, tức là “lạc (luò 雒)” với nghĩa chỉ “người” theo cách tự nhận và “việt (yuè 越)” dùng để chỉ “một phạm vi, một vùng đất”, tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” có nghĩa khởi nguyên là “vùng đất của những cư dân tự gọi mình là *rak (tức người)”. Vì thế, có thể hiểu nguyên văn đoạn viết trong thiên “Truyện Giả Quyên Chi (贾捐之传, Giả Quyên Chi truyện)” có nội dung 駱越 之人, 父子同川而浴 (Lạc Việt chi nhân, phụ tử đồng xuyên nhi dục)” có thể được dịch là “Vùng người Lạc (tức vùng mà cư dân “tự nhận mình là người”), bố và con tắm cùng đoạn sông”.
3. Từ nguyên “Lạc Việt” và những cách dùng ở Việt Nam
Những dạng thức Hán cổ được tái lập và việc xác định nghĩa từ nguyên của tổ hợp “Lạc Việt”, như đã trình bày ở trên, cho phép chúng ta nghĩ rằng tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” dùng trong Hán thư (Hàn shū 漢書/汉书)” dường như là để chỉ “vùng đất của người Lạc (tức vùng đất nơi “cư dân tự gọi mình là *rak tức người”)” thuộc phần lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam hiện nay. Theo kết quả phân loại họ ngôn ngữ thuộc vùng địa lý đang được nói đến, các dân tộc nơi đây được xếp vào năm họ (ngữ hệ, family) ngôn ngữ là Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian), Thái – Kadai (Tai – Kadai), Mông – Dao (Miao – Yao/Hmong – Mien) và Hán – Tạng (Sino – Tibetan) [Trần Trí Dõi 2016: 167-222]. Trong đó, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay cả năm họ ngôn ngữ đều có những dân tộc cư trú xuyên biên giới giữa phần đất của hai quốc gia Việt – Trung láng giềng [Trần Trí Dõi 2012].
Tuy nhiên, căn cứ vào dạng thức ngữ âm và nghĩa từ nguyên của những yếu tố hợp thành tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)”, có thể nhận thấy vào thời điểm nó được dùng trong “Hán thư” tổ hợp này mang ý nghĩa để chỉ “vùng đất của người Lạc (những cư dân tự gọi mình là *rak tức người)”. So sánh dạng thức ngữ âm Hán cổ được tái lập với ngôn ngữ trong khu vực , có cơ sở để cho rằng trong năm họ ngôn ngữ như đang hiện diện hiện nay, những ngôn ngữ thuộc họ Nam Á là những ngôn ngữ chủ thể của những dạng thức ngữ âm mà tiếng Hán đã dùng chữ biểu âm luò 雒 (SV: lạc) và yuè 鉞 (SV: việt) để ghi lại hay “thể hiện”. Và như vậy, với ý nghĩa của tên tự gọi, nhiều khả năng những cư dân được người Hán “đánh dấu” bằng tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” là những cộng đồng cư dân nói những ngôn ngữ Nam Á.
Rồi về sau, dạng thức ngữ âm được biểu thị bằng tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” có trong tiếng Hán ấy được nhiều ngôn ngữ thuộc họ Thái – Kadai vay mượn và lưu giữ lại đúng với nét nghĩa ban đầu của nó. Chứng cứ để nghĩ rằng những ngôn ngữ thuộc họ Thái – Kadai là những ngôn ngữ vay mượn “từ tiếng Hán” là cách chúng chỉ lưu giữ trạng thái đơn tiết của tổ hợp này; là dạng thức ngữ âm lak (với âm đầu l trong nhánh ngôn ngữ Kam – Sui)) chứ không phải *rak như M. Ferlus đã chứng minh; là dạng thức ngữ âm Hán – Việt lạc của chữ Hán 雒/luò[10]. Về sau, có thể vào thời kỳ “Hậu Hán thư” và “Giao Châu ngoại vực ký” (thuộc thế kỷ thứ V, tức thuộc giai đoạn tiếng Hán trung cổ, MC) cách dùng của người Hán cả về âm và nghĩa vẫn được lưu giữ như trạng thái cổ xưa thuộc giai đoạn tiếng Hán cổ.
Nhưng rất có thể, khi người Việt mượn lại tổ hợp này trong tiếng Việt (đúng hơn là trong tiếng Hán – Việt vào khoảng thế kỷ XIII – XIV) [11], do dạng thức ngữ âm “Lạc Việt” được vay mượn từ tiếng Hán ở giai đoạn muộn của thời kỳ Việt – Mường cổ (Archaic Vietmuong) [Trần Trí Dõi 2011: 139-145], nghĩa từ nguyên ban đầu của tổ hợp ấy không còn được lưu giữ nữa. Cho nên, sau sáu hay bảy thế kỷ, dường như ý nghĩa ban đầu của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒越)” như cách dùng trong “Hán thư” đã không được bảo lưu như xưa. Vì thế, ý nghĩa của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒)” được dùng trong tiếng Việt vào thời kỳ Việt – Mường chung (Vietmuong common, tức khoảng thế kỷ XIII – XIV) đã bị thu hẹp ý nghĩa so với nét nghĩa khởi nguyên của nó và lúc này được dùng để chỉ “cộng đồng người là tổ tiên của người Việt (Nam)” ngày nay. Và rồi từ đó nét nghĩa ấy được lưu giữ cho đến thời kỳ hiện đại như chúng ta đang “dùng” trong thư tịch văn hóa hay lịch sử của người Việt.
GS.TS Trần Trí Dõi
Đại học KH Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Bài viết đã in trên tạp chí “Bảo tàng và Nhân học” số 2-2017, trang 41-53
Tranh minh họa: Ton Bui.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
. Baxter W.H. & Sagart L. (2014). Old Chinese a new reconstruction, Oxford University Press 2014.
. Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 338tr; Tái bản Nxb ĐHQG Hà Nội (2000), Hà Nội, 354tr.
. Phạm Diệp ‘范晔’(1965), Hậu Hán thư (後漢書/后汉书). Trung Hoa thư cục, 1965.
.Trần Trí Dõi (2011), Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 271 tr.
.Trần Trí Dõi (2012), Đôi nét về bức tranh ngôn ngữ văn hóa các dân tộc xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Hội thảo KH Quốc tế “Giao lưu văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch bền vững lưu vực sông Hồng”, Tp Lào Cai – Việt Nam, ngày 11-14 tháng 11 năm 2012.
.Trần Trí Dõi – Ferlus M. (2013), Arem – French/English – Vietnamese A preliminary Lexicon, Fifth ICAL, The ANU at Canberra, Septembre 4-5/2013, 49 pp.
.Trần Trí Dõi (2016), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Language of ethnic minorities in Vietnam), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2016, 294 tr
.Trần Trí Dõi (2016a), An Explanation of Names for Vietnam-China’s Cross-Border Ethnic Groups, Journal of Baise University, No.1 Vol.29 Nvo.2016, pp 68-72
.J.A.Edmondson (1995), English-Bolyu Glossary. MKS 24: 133-159.
.M. Ferlus (2007), A Layer of Dongsonian Vocabulary in Vietnamese. The 17th Annual Meeting of the SALS, University of Maryland, USA, August 31- Septembre 2, 2007, 15pp.
. M. Ferlus (2011), Les Bǎiyuè (百越) ou les “pays des (horticulteurs/mangeurs de) tubercules”. 24 ème Jo u rn é e s d e Li n g u i st i q u e d e l ’Asie Ori en t a l e, 30 juin – 1er juillet 2011, Paris, 12 pp.
. Đinh Hồng Hải (2016), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 3 “các con vật linh”, Nxb Thế giới, Hà Nội 2016.
.H. Maspero (1918), Etudes d’histoire d’Annam, IV La Royaume de Văn-Lang. BEFEO 18 (3-1).
. Lịch Đạo Nguyên (2005), Thủy kinh chú sớ (Nguyễn Bá Mão dịch), Nxb Thuận hóa – Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây.
.Trịnh Trương Thượng Phương 郑 张尙芳 (2003), Thượng cổ âm hệ Old Chinese Phonology, Thượng Hải giáo dục xuất bản xã, 2003
. A.Schuessler (2007), ABC Etymological Dictionary of Old Chinese. Honolulu: University of Hawai‘i Press.
. P. Sidwell (2003), A handbook of comparative Bahnaric, The Australian National University, Canberra 2003.
.Nguyễn Kim Thản & Vương Lộc (1974), Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “Lạc”. Trong “Hùng Vương dựng nước, tập IV”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1974, tr 134-141.
. Tư Mã Thiên (1988), Sử ký (Nhữ Thành dịch, in lần thứ tư), Nxb Văn học, Hà Nội – 1988.
.Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), Việt điện u linh, Nxb Văn học, Hà Nội 2001
Hà Nội, ngày 7.05.2017.
Nguồn: Tác giả
[1] Nguyên văn thông tin đó bằng tiếng Pháp: “Le terme yuè 越 est également consigné par plusieurs expressions dans le Livre des Han (hànshū 漢書/汉书) qui couvre l’histoire des Han antérieurs (-206/-25): Yúyuè/ 於越/于越 “Yue principaux”, Luòyuè 雒 越 (sino-viet: Lạc việt) “Yue des Lạc”…”. Khi cho rằng “Lạc Việt” là “Yue des Lạc” hay Việt “một loại chim (sorte d’oiseau)”, người ta đã chịu ảnh hưởng cách giải thích của học giả H. Maspero (Xin xem: [H. Maspero 1918: 7])
[2] Nhân đây, chúng tôi xin cảm ở Tiến sỹ Lương Mậu Hoa (Liang Maohua) ở Đại học Dân tộc Quảng Tây và TS Trần Kế Hoa (Chen Jihua) ở Đại học Ngoại ngữ & Ngoại thương Quảng Đông (Trung Quốc) đã kiểm tra lại tư liệu và cung cấp thêm cho chúng tôi thông tin chi tiết liên quan đến những ghi chép có trong thư tịch Trung Quốc.
[3] Nguyên văn đoạn trích bằng tiếng Pháp: “Les caractères utilisés sont des phonogrammes qui transcrivent des vocables non chinois ; la signification de l’expression Bǎiyuè ne peut s’expliquer par le sens propre des caractères composants, ici bǎi 百“cent” et yuè 越“hache de guerre”.
[4] Nguyên văn đoạn trích bằng tiếng Pháp: “Il faut donc procéder à une restitution de leur prononciation et la comparer aux désignations ethniquesanciennes et actuelles”.
[5] Chúng ta biết rằng tác phẩm Giao châu ngoại vực ký (交 州 外域 記) đã bị thất lạc. Những nội dung được nhắc đến hiện nay đều là những phần được những tác phẩm sau đó ghi chép lại, chẳng hạn như trong Thủy Kinh chú (水經注).
[6] Những đoạn trích ý kiến của Trần Gia Phụng ở đây dẫn theo [Đinh Hồng Hải 2016: 58-778].
[7] Những chữ viết tắt ở đây là như sau: OC (Old Chinese), MC (Middle Chinese), SV (Hán – Việt, Sino – Viet). Dấu sao (*) bên trái con chữ là để cho biết đây là dạng thức tái lập.
[8] Tiến sỹ Lương Mậu Hoa, người Choang (zhuang) ở Quảng Tây Trung Quốc, cho biết trong tiếng Choang là tiếng mẹ để của ông, dạng “ngữ âm /lak/ hoặc /rak/ cũng có ý nghĩa chỉ người (chỉ người con, gồm cả trai hay gái)”
[9] Nguyên văn bằng tiếng Pháp “ *wa t avec le sens de “territoire délimité” serait une notion dela langue chinoise, sorti de l’usage proprement chinois (iln’a pas de caractère en propre et n’est pas dans GSR), mais maintenu pour l’usage extérieur (les pays méridionaux), écrit avec le phonogramme yuè 越“hache de combat”, puis finalement introduit en khmer ancien et de ce dernier en thaï”.
[10] Xin xem cách giải thích của [Nguyễn Tài Cẩn 1979]. Theo chứng minh của ông, cách đọc Hán – Việt là cách đọc chữ Hán của người Việt dựa vào dạng thức ngữ âm của tiếng Hán đời Đường, một cách gọi giai đoạn tiếng Hán trung cổ (MC).
[11] Trong tác phẩm “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV, tổ hợp “Lạc hầu” được dùng trong truyện “Tản Viên hựu thánh…”. Chẳng hạn xin xem [Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV: 108]. Như vậy, chúng ta có cơ sở để cho rằng, yếu tố “Lạc” và “Lạc Việt” được người Việt (Nam) sử dụng sớm nhất là khoảng thế kỷ XII – XIV.