511. ☀ Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương

“Người Việt có chữ viết hay không?”, câu hỏi đó đã làm trăn trở không biết bao nhiêu thế hệ người Việt, để tìm câu trả lời cho nỗi băn khoăn đó, đã có những người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và tìm hiểu về chữ Việt cổ, từ đó nhiều giả thuyết về chữ viết của người Việt đã được đưa ra.

Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra về chữ Việt cổ, như giả thuyết về chữ Khoa Đẩu, chữ Hán là chữ Việt, các chữ viết được tìm thấy tại các vùng dân tộc, nhưng chưa giả thuyết nào giải quyết một cách rốt ráo và dứt khoát được vấn đề chữ viết của người Việt trong thời Hùng Vương. Những thông tin về chữ viết có phần hỗn loạn và mâu thuẫn, đã khiến nhiều người Việt chấp nhận an bài với quan điểm cho rằng người Việt xưa kia không có chữ viết, chữ viết của người Việt là do người Hán đem tới.

Việc tìm hiểu và nghiên cứu về chữ viết thời Hùng Vương vì vậy là một vấn đề rất quan trọng, nhưng chúng ta phải dựa vào đâu để tìm hiểu chữ viết của người Việt thời Hùng Vương? Để có thể tìm được chữ viết thực sự của người Việt, không có phương tiện nào tốt hơn và chính xác hơn, đó là dựa vào các tài liệu khảo cổ, các tài liệu khảo cổ sẽ trực tiếp chứng minh về chữ viết của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương, những di vật của Tổ Tiên từ thời Hùng Vương sẽ có tiếng nói quyết định trong vấn đề tìm hiểu chữ viết của người Việt.

Và các tài liệu khảo cổ tại Việt Nam và các vùng tộc Việt cũng đã cho thấy không chỉ có một hệ thống chữ viết, mà có tới hai hệ thống chữ viết khác nhau đã xuất hiện trong thời kỳ Hùng Vương. Các bằng chứng về các hệ thống chữ viết này sẽ được chúng tôi sẽ trình bày tuần tự với bạn đọc ở các phần tiếp theo của bài viết này.

I. Các giả thuyết về chữ viết của người Việt cổ:

1. Giả thuyết về chữ Khoa Đẩu:

Giả thuyết sớm nhất và phổ biến nhất về chữ viết của người Việt, là về chữ Khoa Đẩu. Đây là một loại chữ được ghi lại trong cổ thư Trung Hoa, với việc người Việt (Việt Thường thị) sang dâng cho vua Nghiêu rùa thần trên lưng có khoa đẩu văn, sự kiện này diễn ra vào khoảng hơn 4000 năm trước.

Thái Bình ngự lãm (Tống – Lí Phưởng soạn) 任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺余。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜曆。“Thuật dị kí của Nhâm Phưởng chép: “Vào thời nhà Đào Đường, người nước Việt Thường tặng rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau, (vua Nghiêu) sai chép lại gọi là lịch rùa.””

Đây là cổ thư đầu tiên ghi lại về chữ viết của người Việt, các tài liệu khác của người Hoa Hạ cũng ghi khá nhiều về loại hình chữ Khoa Đẩu, trong đó có sách Kinh Thư, với lời đề tựa của Khổng An Quốc, cũng có nhắc tới chữ Khoa Đẩu.

Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa Đẩu cổ văn do ông cha chúng tôi cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử, nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc, bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả cho họ Khổng.

Lối chữ Khoa Đẩu bỏ từ lâu, người đương thời không ai đọc được nữa, phải lấy sách nghe được ở phục sinh khảo luận văn nghĩa, định những chỗ đọc được, dùng lối chữ Lệ cổ viết sang thẻ tre, nhiều hơn sách của Phục Sinh hai mươi lăm thiên…” [1]

Trong tư liệu cổ của Việt Nam, chúng ta cũng nhận thấy cũng có tư liệu nói về dạng “chữ viết ngoằn nghèo” tương tự như chữ Khoa Đẩu được nhắc tới trong cổ thư Trung Hoa.

“Bài Mộng ký trong sách Thánh Tông di khảo cổ chép lại việc vua Lê Thánh Tông một đêm mưa gió nghỉ lại bên hồ Trúc Bạch đã nằm mộng thấy người con gái dâng một bức thư có 71 chữ viết ngoằn ngoèo, không thể đọc được. Ba năm sau, trong một giấc mơ khác, Lê Thánh Tông lại gặp một người Tiên thổi sáo. Vua hỏi về chữ lạ trong giấc mơ mà mình thấy năm xưa. Người Tiên trả lời: “Những chữ ấy là lối chữ cổ của nước Nam. Nay ở miền núi có người còn đọc được, nhà vua vời họ đến thì tự khắc biết”.” [2]

Đây là một dẫn chứng rất quan trọng, trong đoạn trích trên, chúng ta chú ý tới chi tiết “nay ở miền núi có người còn đọc được”, đây là chi tiết gợi ý cho chúng ta hướng tìm hiểu chữ cổ của người Việt, đó là dựa vào tư liệu của các dân tộc miền núi như Mường, Tày, Thái, Nùng, đây là các dân tộc anh em, có cùng nguồn gốc với người Việt, họ sinh sống trên vùng cao nên khả năng bảo lưu và giữ gìn văn hóa cổ tốt hơn, nên về cơ sở, họ hoàn toàn có khả năng giữ được dạng chữ cổ của người Việt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Từ hướng đi này, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu về chữ Việt cổ dưới khái niệm “chữ Khoa Đẩu”, từ đó xác định chữ Việt cổ là hệ thống chữ Thái cổ, mà người Thái tới ngày nay vẫn còn giữ được. Mặc dù rất tâm huyết, dành cả đời người để tìm hiểu về chữ Việt cổ, nhưng công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã phải đón nhận khá nhiều sự chỉ trích, bởi phương pháp thực hiện của ông có phần chủ quan và thiếu cơ sở, không dựa vào các tài liệu khảo cổ và khoa học khách quan. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy hướng đi của ông tuy không dựa vào khảo cổ, nhưng cũng đã tìm hiểu đúng hướng, các tài liệu khảo cổ chúng tôi dẫn trong các phần sau cũng sẽ cho thấy kết quả tương đồng với kết quả của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.

2. Giả thuyết về chữ Hán là chữ của người Việt:

Giả thuyết thứ hai là giả thuyết cho rằng chữ Hán là do người Việt tạo ra. Đây cũng là giả thuyết cũng từng có thời gian phổ biến trên không gian mạng, giả thuyết này được khá nhiều tác giả Việt Nam viết bài nghiên cứu và công bố trên các trang mạng và cả trong một số sách được xuất bản.

Giả thuyết này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các bài viết nghiên cứu, khi tại Quảng Tây, các nhà nghiên cứu của Hội nghiên cứu văn hoá Lạc Việt đã tuyên bố phát hiện hàng chục mảnh vỡ xẻng đá lớn và tấm đá có khắc chữ viết cổ tại di chỉ Cảm Tang, có niên đại vào khoảng 4000 – 6000 năm trước. Đây là cơ sở để Hội nghiên cứu văn hoá Lạc Việt khẳng định rằng người Choang có chữ viết trước người Hán, cũng như là cơ sở cho một số tác giả Việt Nam khẳng định chữ Hán là chữ của người Việt sáng tạo và đem lên vùng Hoa Bắc, là tiền thân của Giáp cốt văn thời Thương, và cũng là tiền thân của chữ Hán.

Các di vật được tìm thấy tại Cảm Tang được cho là tiền thân của Giáp Cốt văn. [Nguồn: dẫn]

Tuy nhiên, sự kiện này chúng tôi nhận thấy có một số điểm chưa ổn.

Thứ nhất, ở thời điểm 4000 – 6000 năm, thì tại vùng Quảng Tây chưa có cuộc di cư nào của cư dân cổ tại vùng Dương Tử di cư về, sự xuất hiện cư dân tại các vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á đều có nguồn gốc từ cuộc di cư của cư dân cổ trong vùng Dương Tử về vào thời điểm 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền học. [3][4]

Do đó chúng ta cần đặt nghi vấn, tại sao tại Quảng Tây lại xuất hiện hệ thống chữ tiền thân của Giáp Cốt, trong khi các vùng khác xung quanh không tìm thấy dấu tích tương tự? Ai là người đã tạo ra những di vật này? Và nơi tìm thấy chữ Giáp Cốt, loại chữ được các nhà nghiên cứu quốc tế xác nhận là tiền thân của chữ Hán, cũng cách rất xa nơi tìm thấy “chữ tiền thân của Giáp Cốt văn” tại Quảng Tây, trong khi đó di truyền học không phát hiện được cuộc di cư nào lên phía Bắc từ Quảng Tây trong thời điểm 4000 – 6000 năm trước, mà chỉ có hướng di cư về phía ngược lại vào khoảng 4000 năm trước? Các vấn đề đó thể hiện sự bất hợp lý trong sự kiện tìm thấy di chỉ “chữ viết cổ” tại Cảm Tang.

Cuộc di cư về phía Nam từ vùng Dương Tử diễn ra vào khoảng 4000 năm theo các nghiên cứu về di truyền học. [4]

Vấn đề thứ hai, là hệ thống cổ vật được phát hiện tại đây chưa được các cơ quan khảo cổ uy tín của Trung Quốc và quốc tế thẩm định, nên về cơ bản, chúng chưa có đủ cơ sở để có thể sử dụng trong nghiên cứu. Để hệ thống chữ viết này sử dụng được trong nghiên cứu, cần có sự thẩm định và công bố của các cơ quan khảo cổ nhà nước và quốc tế.

Vì vậy chúng tôi cho rằng, chúng ta chưa nên sử dụng những tư liệu từ di chỉ này để nghiên cứu về chữ viết của người Việt cổ để tránh những sai lệch do nguồn tư liệu không chính thống gây ra. Thay vào đó, chúng ta cần phải dùng những tư liệu đã được xác nhận bởi các cơ quan khảo cổ.

Còn một vấn đề nữa còn cần phải làm rõ, các quan điểm cho rằng chữ Hán là chữ Việt cũng dựa một phần vào quan điểm cho rằng các di sản văn hóa tại vùng Hoa Bắc là của người Việt, sau đó người Hán đã chiếm lấy làm của mình, tuy nhiên chưa có đủ cơ sở khoa học để khẳng định về giả thuyết này. Theo tài liệu khảo cổ được các nhà nghiên cứu quốc tế công nhận, thì nhà Thương là quốc gia đầu tiên của người Hán [5], đây là tiền thân trực tiếp của người Hán, các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy họ có một hệ thống cổ vật riêng biệt được kế thừa ở văn hóa nhà Chu, và các giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc, hệ thống cổ vật này tiếp tục được kế thừa ở các giai đoạn sau. Người Việt và tộc Việt sau thời điểm 5000 năm về cơ bản có địa bàn phân bố ở trong vùng phía Nam sông Dương Tử, cả trong cổ sử và trong các tài liệu khảo cổ. Do đó các di sản tại vùng Hoa Bắc, kể từ thời điểm người Hoa Hạ bắt đầu hình thành ở các văn hóa Ngưỡng Thiều – Long Sơn – Nhị Lý Đầu, là của cư dân Hoa Hạ. Khối lượng lớn các di vật có khắc chữ Giáp Cốt văn cũng là di sản của tiền nhân của họ, là tiền thân trực tiếp phát triển lên thành chữ Hán. Các di sản sau thời điểm 5000 năm của người Việt là tại vùng phía Nam sông Dương Tử kéo dài tới miền Bắc Việt Nam.

3. Giả thuyết cho rằng người Việt không có chữ viết:

Bên cạnh các tư liệu về chữ Khoa Đẩu, cũng như giả thuyết về chữ Hán là chữ của người Việt sáng tạo ra, thì giả thuyết cho rằng người Việt không có chữ viết trong thời kỳ Hùng Vương cũng là một giả thuyết khá phổ biến và được nhiều người chấp nhận.

Giả thuyết này về cơ bản cho rằng người Việt thời kỳ văn hóa Đông Sơn không có văn minh, vẫn là hình thái bộ lạc mẫu hệ nguyên thủy, đây là cơ sở căn bản để những người theo giả thuyết này khẳng định người Việt không có chữ viết, mà phải nhờ tới khi người Hán tới xâm lược và đô hộ, thì người Việt mới bắt đầu có văn minh, có nhà nước và có chữ viết. Do đó chữ viết của người Việt là chữ Hán, do người Hán truyền bá và đem tới.

Chữ Hán bắt đầu xuất hiện tại văn hóa của người Việt trong thời kỳ Triệu Đà và An Dương Vương, Triệu Đà thành lập nên nước nước Nam Việt, đây là giai đoạn thể hiện sự dung hòa và giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ, trong đó có cả việc truyền bá chữ Hán vào miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều cổ vật bằng đồng được khắc chữ Hán, do đây là hệ thống chữ ngoại lai, nên các chữ khắc trên đồ đồng thời kỳ này còn sơ khai và khó đọc.

Chữ Hán bắt đầu được khắc trên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn vào thời Triệu Đà – An Dương Vương. [Nguồn: 1, 2, 3]

Tuy nhiên các giả thuyết về người Việt không có văn minh không còn phù hợp với các nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, các nghiên cứu di truyền, khảo cổ đã cho chúng ta thấy tiến trình phát triển liên tục của văn hóa Việt. Các văn hóa tại Việt Nam như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, có nguồn gốc từ các văn hóa tại vùng Dương Tử. [3][4]. Các văn hóa tại vùng Dương Tử đã được chứng minh có những nhà nước phát triển mà chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác. [6]

Văn minh Dương Tử là một trong những văn minh lớn và sớm nhất của thế giới, với văn hóa Lương Chử có niên đại vào khoảng 5300 cách ngày nay, đây là văn hóa có niên đại sớm nhất, cùng niên đại với các nền văn minh lớn như văn minh Lưỡng Hà (3500 BC), văn minh Ai Cập (3150 BC), văn minh sông Ấn (3300 BC), do đó người Việt thời kỳ Đông Sơn đã là một nhà nước phát triển, có trình độ văn minh cao không phải là bộ lạc kém văn minh như quan điểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã đề xuất.

Do đó người Việt không phải không có văn minh, mà còn có trình độ văn minh phát triển rất cao trong vùng Đông Á. Trong quá trình đó chắc chắn người Việt đã sáng tạo ra chữ viết, và các chữ viết đó có thể biến mất trong quá trình bị đô hộ và đồng hóa, thay thế bằng chứng Hán. Thực tế, trên các di vật bằng đồng của văn hóa Đông Sơn cũng đã thấy người Việt có chữ viết, và các chữ viết này thuộc một giai đoạn tiến bộ trong cùng thời kỳ.

II. Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương từ các tư liệu khảo cổ:

Các tư liệu khảo cổ tại Việt Nam đã cho thấy thời Hùng Vương người Việt đã có chữ viết, không chỉ một hệ thống chữ viết mà có 2 hệ thống chữ viết riêng biệt.

1. Hệ thống chữ viết ký âm Đông Sơn, chữ Thái cổ và chữ Chăm cổ:

a. Hệ thống chữ viết ký âm qua các tài liệu khảo cổ:

Công trình đầu tiên cho chúng ta thấy được một hệ thống chữ viết của người Việt thời Hùng Vương, là công trình nghiên cứu của Giáo sư Lê Trọng Khánh: Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ [1]. Công trình của Gs đã được thực hiện với việc tìm hiểu và khai thác các tư liệu khảo cổ được tìm thấy tại miền Bắc Việt Nam, các tư liệu khảo cổ đã cho thấy một hệ thống chữ viết ký âm, mỗi chữ ghi một âm, giống với các hệ thống chữ viết của người Thái và người Chăm.

Các cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể hiện chữ viết được Gs. Lê Trọng Khánh khảo cứu.

Trên cơ sở những hiện vật giải mã ở trên, đã phát hiện được những chữ cái Đông Sơn gồm 18 phụ âm và 9 nguyên âm:

Sau khi so sánh, đối chiếu và khảo cứu kỹ lưỡng, Gs. Lê Trọng Khánh đưa ra kết luận:

“Chữ viết Đông Sơn là phương tiện ghi lại bằng đồ hình hình thức biểu đạt âm thanh của ngôn ngữ Việt cổ. Mỗi chữ, có khi một tổ hợp chữ ghi lại một âm vị.”

“Khảo sát các văn bản thuộc chữ viết Đông Sơn, có những nguyên âm đứng sau hoặc dưới phụ âm nguyên âm còn làm chức năng thay thế, trở thành biến âm. Chữ Sumer các kết hợp ngữ pháp hình thành nhờ có phụ tố chữ viết. Đông Sơn đã thấy xuất hiện phụ âm cao và thấp, liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh điệu.”

Hệ thống chữ viết này giống với các hệ thống chữ viết của người Thái ở Việt Nam và chữ của người Chăm. Hệ thống chữ viết của người Thái cổ giống hệt với hệ thống chữ viết được phát hiện trên các cổ vật văn hóa Đông Sơn, chữ viết của người Chăm có sự pha trộn giữa chữ Đông Sơn với hệ thống chữ viết của người Ấn Độ.

Về chữ Thái cổ, qua sự so sánh và đối chiếu, Gs Lê Trọng Khánh kết luận: “Chữ Thái cổ cũng thuộc loại hình văn tự ghi từ logogramme. Chữ Thái cổ bắt nguồn từ chữ viết Đông Sơn.”

Hệ thống chữ Thái cổ Tây Bắc.

Một trang viết của chữ Thái rất gần với chữ viết trên đồ đồng Đông Sơn.

Về chữ viết của người Chăm, theo Gs Lê Trọng Khánh, thì: “Chữ Chăm cổ chịu ảnh hưởng chữ viết Ấn Độ và chữ viết Khmer sau này, nhưng vẫn giữ được những yếu tố chữ viết ghi âm Đông Sơn. Nhà nước Lâm Ấp được xây dựng trên vùng lãnh thổ hẹp của quận Nhật Nam, nhưng sớm trở nên quốc gia cường thịnh, văn hóa phát triển cao, là dựa trên yếu tố Việt cổ. Vì vậy nghiên cứu văn hóa Lâm Ấp, là tìm lại văn minh Việt cổ ở phía Nam thuộc vào giai đoạn lịch sử muộn hơn, có tiếp thu văn minh Ấn Độ.”

Hệ thống chữ viết cổ của người Chăm.

Gs Lê Trọng Khánh cũng đã so sánh chữ Thái của người Thái ở miền Bắc Việt Nam và chữ Chăm cổ với chữ Sanscrit của Ấn Độ, là loại chữ ảnh hưởng tới Đông Nam Á ở giai đoạn sau thời Đông Sơn, thì các hệ chữ này khác biệt cơ bản với hệ chữ Sanscrit: “Chữ viết Sanscrit Ấn Độ ảnh hưởng rộng lớn ở Đông Nam Á, theo sự truyền bá đạo giáo. Hệ thống chữ viết này dựa theo quy tắc hình tuyến: ngang và thẳng đứng, tạo thành gốc thước thợ, kết hợp với nhánh nhỏ góc tròn. Chữ Thái có đặc điểm nổi bật, không có ở chữ Ấn Độ, đuôi dài nét mác. Chữ viết Thái trật tự hoàn toàn cũng khác chữ Ấn Độ, nguyên âm Thái ở vị trí nhất định, hoàn toàn khác với chữ viết chắp dính của Ấn Âu. Quy tắc cấu trúc chữ viết này còn tìm thấy đầy đủ ở các hệ thống chữ viết thuộc dòng Thái ở Đông Nam Á, chữ Chàm mang yếu tố đó dưới dạng dấu giọng, dù chữ viết này có tiếp thu chữ viết khác nào đó, nhưng không hề phá vỡ yếu tố cơ bản, có nguồn gốc xa xưa của chữ viết Đông Sơn.”

Như vậy với các tài liệu khảo cổ, chúng ta đã thấy được người Việt thời kỳ Đông Sơn đã có một hệ thống chữ ký âm, hệ thống chữ này được người Thái và người Chăm còn giữ được, gần như nguyên vẹn hệ thống chữ viết từ thời Đông Sơn.

b. Người Thái, người Chăm và người Việt:

Người Thái và người Việt cùng có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, bắt đầu tách ra từ giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn chính thống, nên gen của người Việt và người Thái hiện nay rất gần nhau theo nghiên cứu di truyền. Cần chú ý người Thái ở đây là người Thái sinh sống trong vùng miền Bắc Việt Nam, không phải người Thái Lan, chữ viết của người Thái Lan có nguồn gốc từ Ấn Độ, tuy nhiên hệ thống chữ Việt của người Thái ở Việt Nam không chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, mà kế thừa trực tiếp từ chữ viết Đông Sơn qua các bằng chứng khảo cổ.

Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của người Việt và người Thái. [4]

Cũng theo công trình nghiên cứu trên, chúng ta thấy được người Chăm có gen rất gần với các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á như người Khmer, Khơ Mú, về cơ bản trong thành phần gen người Chăm có khoảng 80-90% gen Nam Á và khoảng 10-20% gen của người Nam Đảo [4], nguồn gốc ban đầu của họ là cư dân Nam Á di cư về Đông Nam Á lục địa vào khoảng 4000 năm trước [4][5], thành lập nên văn hóa Sa Huỳnh, thời kỳ đồ đồng, văn hóa Sa Huỳnh cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn. Sau khi người Việt thất bại trước người Hán, thì người Nam Đảo đã xâm nhập vào vùng Đông Nam Á lục địa, đồng hóa người Sa Huỳnh và một số dân tộc ở Tây Nguyên như Giarai, Ede sang nói hệ ngữ Nam Đảo.

So sánh các loại hình cổ vật của văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Đông Sơn, có thể thấy cổ vật văn hóa Sa Huỳnh chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa Đông Sơn. [7]

Do vậy có đủ cơ sở khoa học vững chắc để có thể khẳng định các dân tộc Thái, Chăm vẫn còn giữ hệ thống chữ của văn hóa Đông Sơn, sau khi văn hóa Đông Sơn sụp đổ vào thời nhà Hán.

c. Kết luận:

Như vậy chúng ta đã có đủ cơ sở chứng minh chữ viết thời Đông Sơn, với các tài liệu trực tiếp từ khảo cổ học của thời kỳ này. Hệ thống chữ viết thời Đông Sơn là hệ thống chữ viết ký âm, rất tiến bộ so với tình hình ngôn ngữ chung của thế giới trong cùng thời kỳ. Hệ thống chữ này có hậu duệ là hệ thống chữ viết cổ của người Thái và người Chăm. Có thể nói đây chính là chữ Khoa Đẩu đã được ghi lại trong các cổ thư Trung Quốc và Việt Nam.

Về niên đại của hệ thống chữ này, chúng ta có thể xác định thời gian xuất hiện của nó sớm hơn thời Đông Sơn nếu dựa vào tài liệu từ cổ sử Trung Hoa, với chi tiết người Việt Thường dâng lên vua Nghiêu rùa thần có khắc chữ Khoa Đẩu, niên đại của sự kiện này vào khoảng 2300 năm TCN, hệ thống chữ Khoa Đẩu này có thể đã xuất hiện ngay từ thời điểm đó và tiếp tục được sử dụng, kế thừa trong thời Đông Sơn.

2. Một hệ thống chữ viết khác của văn hóa Đông Sơn:

Bên cạnh hệ thống chữ viết ký âm được phát hiện trên các di vật khảo cổ của văn hóa Đông Sơn, thì vào thời Đông Sơn, một hệ thống chữ viết khác cũng đã được tìm thấy trên chiếc qua đồng Đông Sơn và một số qua đồng tại vùng Hồ Nam trong các ngôi mộ Sở, được dẫn trong bài nghiên cứu: Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc, đăng trên tờ Khảo cổ, số 1 năm 1982 của Giáo sư Hà Văn Tấn. [8]

Giáo sư Hà Văn Tấn đã phát hiện và khảo cứu 1 chiếc qua đồng của văn hoá Đông Sơn và 4 chiếc qua đồng được tìm thấy trong các ngôi mộ Sở. Trên các qua đồng này được khắc các ký hiệu tương tự nhau, tạo thành một hệ thống chữ viết.

Những chiếc qua đồng được phát hiện trong các mộ Sở và tại Thanh Hóa thuộc loại qua có hồ dài, 3 lỗ, đây là loại qua có đặc trưng được các nhà khảo cổ Trung Quốc xếp niên đại vào thời Chiến Quốc (476 TCN – 221 TCN).

Những chiếc qua đồng có khắc chữ tại Việt Nam và Hồ Nam.

Hồ Nam, nơi có các ngôi mộ Sở tìm thấy những chiếc qua này, là vùng đất trung tâm của tộc Việt trong nhiều thời kỳ, nơi đây cũng là nơi do người Việt làm chủ ít nhất cho tới khoảng 400 năm TCN, sau đó nước Sở đã đánh chiếm xuống vùng Hồ Nam và chiếm được vùng đất này.

Chiến Quốc sách, khi viết về Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN), tác giả đã ghi lại về sự kiện: 南攻楊越,北並陳、蔡… – “Nam đánh Dương Việt, Bắc thôn tính Trần, Sái…” [9]

Vùng đất này tới thời Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN) vẫn là nơi sinh sống của người Lạc Việt, khi ông bị đày xuống vùng đất này, chung sống với người “Man” (cách gọi miệt thị được sử dụng để chỉ người Việt) và sáng tác nên tập Ly Tao, trong đó có bài Đông Quân mô tả hoạt động của cư dân tộc Việt tại đây, giống hệt với các hoạt động được mô tả trên trống đồng Ngọc Lũ tại miền Bắc Việt Nam. [10]

Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4]

Do đó việc xuất hiện những chiếc qua đồng Đông Sơn trong mộ Sở là hoàn toàn có thể lý giải được và không mâu thuẫn với thực tế khảo cổ học thời kỳ đó, bên cạnh đó, việc phân tích hệ thống các ký hiệu trên các qua đồng Thanh Hóa và Hồ Nam cũng sẽ cho thấy chúng là cùng một hệ thống chữ viết và cổ vật được tạo tác có chủ đích.

Hệ thống ký hiệu được khắc trên các qua đồng Đông Sơn và qua đồng trong mộ Sở cùng một thuộc một hệ thống chữ viết, và qua so sánh toàn diện với các dạng chữ Hán khác nhau, Gs Hà Văn Tấn kết luận hệ thống chữ viết này hoàn toàn khác với chữ Hán.

WhatsApp Image 2020-04-20 at 14.51.57

Hệ thống các ký hiệu được khắc họa trên các qua đồng Đông Sơn và Hồ Nam.

Về giai đoạn phát triển của hệ thống chữ viết này, theo Gs Hà Văn Tấn, thì: “Hệ thống chữ viết vừa phát hiện rõ ràng đã vượt qua giai đoạn chữ viết hình vẽ, nằm vào một giai đoạn cao hơn của lịch sử văn tự, có nhiều khả năng là một loại chữ viết ghi ý (idéogramme).”

Dựa theo phân loại của V. A. Istrin, chữ viết được chia thành năm loại hình, và các chữ viết trên các qua đồng Đông Sơn và Hồ Nam thuộc về loại hình chữ ghi từ, tuy vậy “vẫn không loại bỏ hoàn toàn khả năng là chữ viết ghi âm tiết của hệ thống này, khi chưa đọc được nó.”

Các ký hiệu được khắc họa trên các qua đồng Đông Sơn và Hồ Nam cũng là một hệ thống chữ viết khác của văn hóa Đông Sơn.

3. Tại sao văn hóa Đông Sơn lại có tới hai hệ thống chữ viết?

Có lẽ khi biết về hai hệ thống chữ của văn hoá Đông Sơn bạn đọc sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao văn hóa Đông Sơn lại tồn tại hai hệ thống chữ viết? Chúng tôi sẽ dựa vào quan sát và tìm hiểu của mình để có thể đưa ra lời giải thích phù hợp nhất cho vấn đề này.

Dựa trên việc các ký hiệu được khắc họa trên các qua đồng, thì đây có thể là vật lễ khí, qua đồng cũng là một vật lễ khí, bên cạnh đó thì người xưa thường khắc các hình vẽ lên các cổ vật được sử dụng cho hoạt động tâm linh, như chiếc qua đồng Đông Sơn ở phía dưới, cũng được khắc hoạ hình Rồng cho mục đích tế lễ, nên việc khắc chữ lên những chiếc qua đồng tìm thấy trong các ngôi mộ Sở có thể cũng được sử dụng cho mục đích tương tự là tế lễ.

Qua đồng Đông Sơn có khắc họa hình Rồng được sử dụng cho lễ tế. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Hệ thống chữ này qua nhiều cơ sở đối chiếu, so sánh, thì chúng tôi đưa ra giả thuyết cho rằng đây là một hệ thống chữ cổ, tiền thân của chữ Khoa Đẩu, chỉ còn được sử dụng trong các hoạt động tế lễ, như một số nền văn hóa khác như phương Tây vẫn sử dụng chữ cổ Latin cho các hoạt động mang tính tâm linh và trang trọng. Loại hình chữ Khoa Đẩu ký âm đơn giản hơn được sử dụng trong các hoạt động đời sống thường ngày của người Việt. Các hệ chữ này được duy trì song song và không mâu thuẫn với nhau về mục đích sử dụng.

III. Kết luận:

Như vậy qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta đã xác định được thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã có chữ viết. Các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy thời kỳ này có khả năng tồn tại hai hệ thống chữ viết riêng biệt, trong đó bao gồm một hệ chữ ký âm, có hậu duệ là chữ cổ của người Thái và người người Chăm, và một hệ chữ tượng hình. Vấn đề chữ viết thời Hùng Vương hay thời văn hóa Đông Sơn đã trở nên rõ ràng hơn dựa trên các tư liệu khảo cổ, người Việt thời kỳ Hùng Vương đã sáng tạo nên các chữ viết của riêng mình, các chữ viết này bị thất truyền và thay thế bằng chữ Hán sau khi người Việt thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược và đô hộ của các triều đại Hoa Hạ.

Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều hơn các di vật được khắc các hệ thống chữ viết này, để từ đó có thêm bằng chứng chứng minh cũng như làm nền tảng khôi phục chữ viết của người Việt cổ, và một ngày nào đó, chữ viết cổ của Tổ Tiên chúng ta sẽ trở lại với đời sống của người Việt.

Lang Linh
Tranh minh họa: Tôn Bùi.


Tài liệu tham khảo:

[1] Khổng Tử, Kinh Thư – Bản dịch của Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam – Nhà XB.VH-TT- Hà Nội-2004, Tr. 228-229.

[2] Lê Trọng Khánh, 1986, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/08/06/502-su-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-viet-co/

[3] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[4] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[5] Sun, Wd., Zhang, Lp., Guo, J. et al. Origin of the mysterious Yin-Shang bronzes in China indicated by lead isotopes. Sci Rep 6, 23304 (2016). https://doi.org/10.1038/srep23304

[6] Lang Linh, 2020, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[7] Phạm Đức Mạnh, Dấu ấn Đông Sơn ở “Phương Nam” Việt Nam, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, tập 17, số X5-2014.

[8] Hà Văn Tấn, “Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc”, đăng trên tờ Khảo cổ, số 1 năm 1982.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/04/20/489-he-thong-chu-viet-toc-viet-thoi-hung-vuong/

[9] Phan Anh Dũng: Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử, Văn Hóa Nghệ An.
http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[10] Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng, 凌純聲), “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈, Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *