449. Cư dân cổ trên đất nước Việt Nam

Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vốn được xem là một khu vực trong cái nôi nguyên thủy nhất của loài người. Ngay từ cuối thế kỷ thử 19, những cuộc thám sát đầu tiên, ít nhiều mang tính chất khảo cổ đã được một số viên chức người Pháp như Hon-bê, Đuỵ-mu-chiẻ, Đác-giăng-xơ,… tiến hành trên đất Việt Nam. Do đó những di cốt người cổ cũng được phát hiện. Song các hiện vật này không được nghiên cứu và sau này bị thất lạc hết. Những di cốt đầu tiên được nghiên cứu là ba sọ người do Măng-xuy tìm thấy vào đầu thế kỷ thứ 20 (1906) (1) trong một hang đá vôi – hang Thẩm Khoách ở phố Bình Gia, thuộc huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), chủ nhân một nền văn hoá cổ được xác định vào thời đại sơ kỳ đá mới. Tiếp đó nhiều di cốt khác lần lượt được phát hiện. Tính đến năm 1958, kể cả những sọ tìm thấy ở Cà Mau (Nam Bộ Việt Nam (2) cả thảy chừng trên 30 sọ người cổ đã được các tác giả người Pháp đo đạc và công bố kết quả với những nhận định về thành phần chủng tộc.

Cách mạng tháng Tám (1945) giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước đã phát huy ngày càng cao mọi mặt hoạt động phong phú của con người. Các ngành khoa học, trong đó có khảo cổ học, nhân học, cổ nhân học,… tuy mới trên bước đầu xây dựng, nhưng đã có những cố gắng đáng khích lệ. Một trong những nền văn hóa nguyên thủy nhất ở Việt Nam, sơ kỳ thời đại đá cũ, đã được phát hiện tháng 11-1960 ở Núi Đọ, hữu ngạn sông Chu, thuộc địa phận huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá (3). Những dấu vết của người nguyên thủy cũng được phát hiện qua hai đợt nghiên cứu và thám sát cổ sinh và cổ nhân từ năm 1963 đến năm 1965 tại một số hang đá vôi (Hang Hùm, Thẩm Hai, Kéo Lèng) tại các tỉnh Yên Bái và Lạng Sơn (4). Chỉ trong vòng 10 năm qua, khoảng 80 di chỉ khảo cổ đã được khai quật, thu lượm vô số hiện vật quý giá, rọi những tia sáng đầu tiên vào nhiều giai đoạn lịch sử nước ta, kể từ những buổi sơ thủy nhất của loài người. Một trong những thành tựu lớn của khảo cổ học Việt Nam là trong một khoảng thời gian tương đối ngắn đã cho phép hình dung được, trên những nét cơ bản nhất, những bước phát triển của các thời kỳ văn hoá, khẳng định tính chất diễn biến liên tục của chúng, ít nhất từ thời đại đá mới qua đồng thau cho tới sơ kỳ thời đại sắt. Cùng với các hiện vật khảo cổ, nhiều di cốt người cổ đã được phát hiện, cổ nhân học Việt Nam, trên bước đường xây dựng đã có một số vốn liếng, tuy còn ít, song có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ.

Theo như điều vừa trình bày thì quá trình nghiên cứu cổ nhân học ở Việt Nam có thể chia làm 2 thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám. Thời kỳ thứ nhất tiến hành chủ yếu do các nhà nghiên cứu nước ngoài; thời kỳ sau do các nhà nghiên cứu Việt Nam, trong điều kiện đã giành được độc lập và chủ quyền trong phạm vi nửa nước. Vì vậy tư liệu hiện vật của thời kỳ đầu đã bị lấy đi, hoặc thất lạc hầu hết. Một số rất ít còn lại thì hoặc dập nát, hoặc lẫn lộn và mất cả sổ và hồ sơ lưu. Đó là một tôn thất đáng tiếc. Cái còn giữ lại được là những tài liệu nghiên cứu về các sọ cổ đã được công bố trước đây trên các tạp chí bằng tiếng nước ngoài. Với ý định góp một phần công sức vào việc sưu tầm tư liệu, nhất là những tư liệu cũ mà hiện nay rất hiếm và phân tán, chúng tôi đã ra công thu thập lại, rồi sắp xếp thành hệ thống. Như vậy sẽ đỡ cho các nhà nghiên cứu khỏi mất thời gian tìm kiếm. Nhân đó cũng nhìn lại một cách đại thể những nhận định của các tác giả đã nêu lên trước đây, và nêu lên một vài suy nghĩ.

1. Đại thể về tình hình nghiên cứu người cổ ở nước ta.

Tính từ đầu thế kỷ này cho tới nay có tới trên vài trăm người cổ đã tìm thấy di tích hài cốt trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng những di cốt được thu thập và nghiên cứu thì rất hạn chế. Nhìn chung ta thấy có tình hình như sau:

a) Phần lớn di cốt bị gãy thành mảnh, nhiều khi mủn nát không thể phục chế lại để nghiên cứu. Có nơi mộ táng từ vài ba chục người (như ở Quỳnh Văn, Nghệ An) tới hơn bảy chục người (như Thiệu Dương, Thanh Hóa). Nhưng tại nhiều mộ táng xương đã tiêu hết, hoặc chỉ còn lại một ít mảnh vụn. cả khu mộ táng Quỳnh Văn cho hai hộp sọ (một chiếc mất nền), một số xương hàm dưới hàm trên, và một phần xương mặt; hoặc cả khu di chỉ Thiệu Dương cũng chỉ thu được 6 bộ xương, không nguyên vẹn.

Trước Cách mạng tháng Tám, tình trạng cũng tương tự: những mái đá ở làng Cườm (Lạng Sơn) chứa di cốt từ 80 tới 100 người; các hang động đá vôi Hòa Binh cũng có khu mộ táng. Tiếc rằng tài liệu thu thập được cũng rất nghèo nàn.

b) Quá nửa số di cốt thu được đều thuộc thời đại đá mới (tỷ lệ 61%). Các giai đoạn khác hoặc chưa phát hiện, hoặc còn ít ỏi. Có những khâu trắng hoặc gần như trắng như thời đại đá giữa hoặc thời đại đá cũ. Địa điểm khảo cổ Núi Đọ là một di chỉ lộ thiên nên không có di cốt. Các đợt khai thác và thám sát cổ sinh và cổ nhân đệ tử kỷ ở Yên Bái, Lạng Sơn thu được 4 chiếc răng. Đặc biệt, giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đã phát hiện thêm tài liệu cổ nhân, tuy vẫn còn ít, song bước đầu đã rọi một vài tia sáng vào việc tìm hiểu chủ nhân các nền văn hóa đồng thau và sắt sớm.

Dưới đây xin điểm qua đôi nét về tính hình cổ nhân trong 2 giai đoạn – trước và sau Cách mạng tháng Tám:

a) Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.

Tài liệu cổ nhân phát hiện trên đất nước ta trong giai đoạn này tập trung chủ yếu vào thời đại đá mới. Các tác giả người Pháp đã thu thập, đo đạc và công bố kết quả là Véc-nô, Măng-xuy, Cô-la-ni, Pát,… Trước đây Huy-a và Xô-ranh đã có lần tổng kết tính hình về các sọ cổ thu thập được ở Đông Dương (1938) (5) song không đầy đủ. Nếu kể cả những sọ phát hiện ở Cà Mau (1958) (6) thì những sọ cổ được nghiên cứu, công bố số liệu và xác định thành phần chủng tộc thuộc giai đoạn này phân phối như sau (7):

– 10 sọ Melanesian:

Untitled22

– 16 sọ Indonesian:

Untitled23

– 6 sọ Australo Negroit và hỗn chủng:

Untitled24

Vậy là cả thảy có 32 sọ: 16 sọ Indonesien, 10 sọ Melanesian, 1 sọ Negrito, 1 sọ Australoid và 4 sọ hỗn chủng. Số liệu đo đạc về các sọ này chúng tôi đã sưu tầm được đủ, trừ hai sọ Đa Bút mà ngay trong cuốn sách của Huy-a và Xơ-ranh cũng chỉ thấy nêu lên một lần, nhưng không thấy nhắc lại trong bảng tổng kết. Tuy nhiên do tình trạng dập nát của đa số sọ nên trừ một số ít sọ còn tương đối đầy đủ và tốt thì có nhiều số liệu đo đạc, còn phần lớn chỉ cung cấp được ít số liệu, trong đó những số liệu quan trọng lại thường vắng mặt. Như sọ Khắc Kiệm đã mất hẳn phần mặt và phần thái dương lại vỡ nên chỉ đo được vài kích thước hộp sọ và cho một chỉ số áng chừng 64,43. Hoặc như sọ Làng Cườm N.4 cung thiếu hẳn các đặc điểm đo đạc. Trong phần mô tả, tác giả ghi đó là một sọ rất dài, chỉ số sọ có thể còn thấp hơn sọ Làng Cườm N1 (chỉ số sọ 62,5), do đó xác định thuộc chủng tộc Melanesian.

Như vậy, theo những tài liệu trên đây thì vào thời đại đá mới, trên lãnh thổ Việt Nam những người Melanesian và Indonesien đã cộng cư với nhau và chiếm số nhiều trong thành phần cư dân. Những chủng tộc khác – Negrito, Australoid chỉ là số ít. Đặc biệt sọ Làng Cườm N1, xác định là một loại hình hỗn chủng Indonesien – Mongoloid, gợi ý rằng có thể người Mongoloid đã có mặt trên đất Việt Nam từ sơ kỳ thời đại đá mới và tham gia như một bộ phận cấu tạo của thành phần nhân chủng các cư dân. Về vấn đề này chúng tôi sẽ có dịp phát biểu thêm phần sau của bài viết này.

b) Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám.

Tài liệu cổ nhân sau Cách mạng tháng Tám phát hiện do các đợt khai quật của Đội Khảo cổ trước đây và Viện Khảo cổ học hiện nay, hoặc do công tác khai quật của Khoa sử Trường đại học Tổng hợp, của Viện khảo tàng Lịch sử,… Những tài liệu này đã được Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Quyền, Nguyễn Lân Cường đo đạc và nghiên cứu.

Dưới đây chúng tôi sắp xếp các sọ cổ theo thứ tự. Các loại hình chủng tộc đã được các tác giả nói trên xác định (8) .

– 4 sọ Australo – Negroid:

Untitled28.png

– 8 sọ Australo-Negroid có một số nét Mongoloid:

Untitled29

– 10 sọ Mongoloid:

Untitled26

Vậy là có 22 sọ thuộc 2 đại chủng Australo-Negroid và Mongoloid với ít nhiều sự pha trộn giữa chúng với nhau. Số liệu về các sọ này cũng được sưu tầm đầy đủ. Do tình trạng chung của di cốt không được tốt nên các số liệu đo đạc cũng hạn chế và có khi thiếu những kích thước cơ bản. Một số trường hợp chỉ có số liệu về hàm dưới hoặc thêm vài số liệu về hộp sọ (sọ Quỳnh Văn QVSA, sọ Soi Nhụ). Tất nhiên tình trạng này hạn chế nhiều việc xác định thành phần chủng tộc của sọ. Riêng về chiếc sọ Núi Voi thì trong một bài viết gần đây chúng tôi đã có dịp phát biểu ý kiến về việc xác định thành phần chủng tộc của nó: đó là một mẫu loại hình Nam Á khá điển hình. Tiếc rằng vấn đề niên đại của sọ này đang là một nghi vấn (9). Dù sao, tài liệu cổ nhân phát hiện giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đã có tác dụng khẳng định thêm vấn để về sự có mặt của đại chủng Australo-Negroid ở thời đại đá mới và đặc biệt sự xuất hiện rõ nét của đại chủng Mongoloid từ thời đại đồng thau trở về sau trên lãnh thồ Việt Nam.

Tổng hợp các hiện vật cốt sọ của cả 2 giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám thì ở Việt Nam đã thu thập cả thảy 54 sọ thuộc nhiều giai đoạn lịch sử, từ sơ kỳ đá mới, qua thời đại đồng thau, cho tới đầu thời đại sắt. Phân loại như sau:

Untitled27

Tóm lại qua sự tổng hợp trên đây, có thể bước đầu rút ra một số kết luận chung nhất như sau:

– Tài liệu cổ nhân thu thập được chứng tỏ rằng từ thời đại đá mới tới đầu thời đại sắt, cư dân trên đất Việt Nam thuộc 2 đại chủng Australo-Negroid và Mongoloid với các loại hình hỗn chủng.

– Ở thời đại đá mới, người Australo-Negroid và Indonesien đã cộng cư với nhau và là 2 chủng tộc chủ thể ở Việt Nam thời đó. Rất có thể rằng đại chủng Australo-Negroid lúc này đã bắt đầu phân hóa thành các chủng tộc như Melanesian, Australoid hoặc Vê-đô-it cổ đại.

– Đại chủng Mongoloid chỉ thấy xuất hiện rõ nét vào thời đại đồng thau và phát triển từ đó về sau. Nhưng ở thời đại này cho tới cuối thời đại đồng, đầu thời đại sắt còn tiếp tục thu được những sọ Australo-Negroid (như sọ VQlMl VQ2M2) hoặc những sọ Australo-Negroid tuy đã có một số ảnh hưởng Mongoloid (như sọ TD2M21, TD2M30, VQ2M10, VQ2M20,…).

2. Một vài suy nghĩ bước đầu vè những người cổ trên đát Việt Nam.

Theo nội dung đã trình bày trên thì di cốt người cổ nhất trong số đã phát hiện ở Việt Nam có thể là mấy chiếc răng tìm thấy tại các hang đá vôi thuộc các tỉnh Yên Bái và Lạng Sơn. Trong những chiếc răng này có chiếc ở hang Thẩm Hai (Lạng Sơn) đã được nhà cổ sinh học Đức H.Đ. Can-cơ đem so sánh với di cốt của người vượn Lam Điền tìm thấy ở Trung Quốc (Thiểm Tây) và xác định là đã sống vào khoảng cuối của trung kỳ Cánh tân (10). Một số khác (Hang Hùm, Kéo Lèng) thì thuộc thời kỳ muộn hơn (hậu kỳ Cánh tân).

Nếu đúng như vậy thì cũng là điều tự nhiên vi Việt Nam vốn là một cầu nối giữa 2 vùng địa cực phía nam và phía bắc đã phát hiện ra những người vượn nguyên thủy -người vượn Pi-tê-can-tơ-rốp ở Gia-va và người vượn Lam Điền, người vượn Bắc Kinh ở Trung Quốc. Chiếc răng ở Thẩm Hai – hay đúng hơn là người vượn Thẩm Hai được phát hiện chứng tổ rằng ngay từ thời xa xưa của lịch sử người vượn nguyên thủy đã phân bổ rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và trên dải đất Việt Nam cũng đẫ để lại di tích của mình. Nếu giả thuyết này là một hiện thực thì liền đó nhiều vấn đề khác sẽ được đặt ra: ví như mối quan hệ sinh học giữa các người vượn ở vùng Đông Nam Á – người vượn Thẩm Hai, người vượn Lam Điền, người vượn Pi-tê-can-tơ-rốp,…, quá trình tiến hoá từ người vượn Thẩm Hai tới các loại hình người cổ trung kỳ thời đại đá cũ (tạm gọi là loại hình Neanderthal châu Á), và từ đó tới mẫu người hiện đại Homo-Sapiens,… Trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa thể có ý kiến gì khác hơn là chờ đợi thêm những phát hiện cổ nhân học sau này.

Tài liệu cổ nhân học hậu kỳ thời đại đá cũ và thời đại đá giữa trên đất nước ta còn là một khâu trắng.

Từ thời đại đá mới, di cốt người có bắt đầu có nhiều hơn. Trong số 54 sọ được nghiên cứu thì 33 sọ thuộc đá mới, 21 sọ phân phối cho các thời đại kế tiếp – đồng đỏ, đồng thau, sắt sớm. Qua ý kiến của các tác giả đã nghiên cứu về những sọ này, chúng tôi thấy cần phải trao đôi thêm về việc xác định thành phần chủng tộc của chúng.

Trước hết là với những sọ Melanesien và Australoid. Theo Măng-xuy và Cô-la-ni là người đã nghiên cứu phần lớn các sọ này thì những sọ Melanesien thường đặc trưng như sau:

– Sọ dài hoặc rất dài, hộp sọ cao và hẹp ngang, phần trán cũng hẹp ngang; nhìn theo chuẩn đỉnh thì sọ có dạng e lip xô it, do u trán và u đỉnh đầu ít dô ; mõm chũm phát triển kém.

– Phần mặt cũng hẹp ngang, nhưng bờ ngoài hốc mắt thường nhô ra quá hai bờ thái dương. Đây là hiện tượng bất cân đối ngang giữa phần sọ và phần mặt.

Kích thước mặt theo bề cao thường thiếu (phần mặt các sọ bị dập nát hầu hết), nhưng căn cứ vào các ngành hàm dưới thường thấp nên cũng giả thiết là phần mặt cũng thấp: như vậy là có thêm sự bát cân đối giữa phần hộp sọ và phần mạt cả về bề cao (sọ cao, mặt ngắn).

Có cả thảy 10 sọ Melanesien trong đó 8 ở Bắc Sơn, 2 ở Đa Bút. Trong số những sọ cổ phát hiện Bắc Sơn, lại có 1 sọ xác định là Australoid. Sọ này có những đặc điểm giống sọ Melanesien (sọ rất dài, hẹp ngang, chuẩn đỉnh hình e líp xô ít) nhưng một số nét khác biệt: trán thấp, vát ra sau, vòm mày nổi rõ, ổ mắt to, ỗ mũi rộng, phần mặt dáng nặng và thô. Chúng tôi cho rằng đến thời đại đá mới từ các dạng ít nhiều mang tính chất trung tính đã bắt đầu có sự phân hoá thành các loại hình địa phương, nhưng với số hiện vật vừa ít, vừa không nguyên vẹn thì việc xác định các loại hình này phải rất thận trọng để tránh một sự gán ghép không phù hợp với thực tế. Hiện nay các loại hình Melanesien và Australoid đều không còn trên bán đảo Đông Dương, vì vậy, dựa vào một mẫu sọ để xác định sự có mặt của loại hình Australoid trên dải đát Việt Nam vào thời đại đá mới, nhất là chưa tính đầy đủ đến những biến dị hình thái theo thời gian là điều không nên. Rất có thể đó cũng chỉ là một sọ Melanesien, hoặc thận trọng hơn có thể gọi chung tất cả là những sọ Australo-Negroid. Cho nên hai sọ Làng Cườm N.8 và Làng Cườm N.15 xác định hỗn chủng Australo-Melanesien và Indo-Melanesien cũng nên xem là những sọ Australo-Negroid.

Có một sọ – sọ Minh Cầm N.l xác định là Negrito. Vấn đề về sự có mặt hay không của người Negrito ở bản đảo Đồng Dương là vấn đề đã từng được bàn tới, do đó nhận định Có người Negrito dưới thời đại đá mới trên dải đất Việt Nam là một điều rất có ý nghĩa. Tiếc rằng chỉ có một sọ mà lại là sọ trẻ em. Theo dẫn liệu của tác giả thì sọ này rất tròn, nhìn chuẩn đỉnh có dạng năm cạnh, chỉ số sọ cao (87,1), ô mắt rất dài, thấp và xiên, gò má phát triển nhưng không dô quá mức ra trước nên không giống với một sọ Mongoloid,… (11). Nếu đó là những nét đặc trưng nhất thì việc coi đó là một sọ Nê-gri-tô không thể làm cho người ta yên tâm. Trong bài viết của mình, tác giả có đưa ra 5 sọ hiện đại là những sọ trẻ em Nè-gri-tô đề so sánh, nhưng những số liệu đẫn ra cũng ít có tác dụng thuyết phục. Ví như về chỉ số sọ thì biến thiên từ 77,19 đến 84, 18, nghĩa là từ sọ trung bình đến sọ ngắn, vè chỉ só mặt thì từ 45,16 đến 51,35 nghĩa là từ mặt ngắn đến mặt trung bình, về chỉ số ổ mắt thì từ 78,2 đến 93,8 nghĩa là từ ổ mắt trung bình đến mắt cao. Riêng sọ cổ thì có chỉ số ổ mắt bằng 82, như vậy cũng không phải là loại ổ mắt thấp, mà trung bình. Cho nên nếu cho rằng đây là một sọ Indonesien thì cũng không phải là không có cơ sở.

Nhưng nội dung loại hình Indonesien cũng càn được xác định cụ thể. Theo chúng tôi thì đó là một nhóm loại hình thuộc chủng tộc Mongoloid phương Nam (12). Dĩ nhiên những người Indonesien thời đại đá mới không phải hoàn toàn giống như người Indonesien hiện đại. Tuy nhiên xem họ là một bộ phận của những người Mongoloid hoặc ít ra là một loại hình đang trên đà tiến triển mạnh theo hướng Mongoloid hoá là điều chắc chắn. Vì vậy các sọ Làng Cườm N.11 và X.18 coi là hỗn chủng Indo-Mongoloid và Negrito-Indonesien thì chính là những sọ Indonesien.

Đối với việc định chủng các sọ phát hiện sau Cách mạng tháng Tám cũng cần bàn thêm. Chúng tôi đã phát biểu một lần về 2 sọ Thiệu Dương TD2M21 và TD2M3o: sọ thứ nhất biến dạng quá nhiều không nên xếp loại, sọ thứ hai là một sọ Indonesien (13). Một số sọ dập vỡ nhiều, có khi chỉ còn có hàm dưới như các sọ Vinh Quang VQjM2, VQ2M31, Thiệu Dương TD2M34, Quỳnh Văn QV8at Soi Nhụ SN67 Xx, rất khó khăn cho việc định chủng. Một số khác xác định chung là Mongoloid thì chúng tôi muốn cụ thể thêm một bước: phân biệt ở dây 2 nhóm loại hình – Indonesien và Nam Á cổ. Những sọ như Vinh Quang VQ2MU, VQ2M18, có thể coi là những sọ Indonesien đem so được với sọ Làng Cườm N9 vổn được nêu là một điên hình Indonesien cùng với sọ Phố Binh Gia Np Còn các sọ Thiệu Dương TD2M17, Vinh Quang VQ2M20a VQ2M46 thì xem là những sọ Nam Á mà quá trình tiến triển này sẽ sinh ra những mẫu người Nam Á hiện đại, tiêu biểu như người Việt, người Mường, người Thái,… Nội dung cụ thể của nhóm loại hình Nam Á, chúng tôi đã có dịp trình bày trong một số bài báo khi nghiên cứu về người Việt, người Mường (14). Tuy nhiên cần nói rằng trên cốt sọ, nhất là trên sọ cổ, sự phân biệt loại hình Indonesien và Nam Á không phải lúc nào cùng dễ dàng. Ví như các sọ Vinh Quang VQ2M1, VQ2M46 thì vừa có những nét xem là Indonesien, vừa có những nét có thể xem là Nam Á. Để giải quyết vấn đề phải tiếp tục đi sâu tìm hiểu về quy luật biến dị hình thái cốt sọ ở vùng này.

Tóm lại, theo sự suy nghĩ của chúng tôi thì 32 sọ cổ thu được trước Cách mạng tháng Tám bao gồm 13 sọ Australo-Negroid và 19 sọ Indonesien, sau Cách mạng tháng Tám ta tiếp tục thu được những sọ Indonesien cho tới cuối thời đại đồng thau chuyển sang thời đại sắt, và đặc biệt ít nhất từ thời đại đồng thau đã xuất hiện một yếu tố nhân chủng mới – loại hình Nam Á cổ là tổ tiên trực tiếp của những người Nam Á hiện nay ở Việt Nam trong đó có người Việt.

3. Vấn đề nguồn gốc người Việt trên cơ sở tài liệu cổ nhân học.

Để giải quyết vấn đề nguồn gốc người Việt, tài liệu nhân học nói chung và cổ nhân học nói riêng đóng góp một phần quyết định. Theo những tài liệu nghiên cứu gần đây thì người Việt, người Mường và có thể cả người Tày, người Thái,… đều thuộc nhóm loại hình Nam Á. Như đã trình bày ở phần trên thì loại hình Nam Á cổ – tổ tiên trực tiếp của những người Nam Á hiện nay đã có mặt trên dải đất Việt Nam ít nhất từ thời đại đồng thau. Có nghĩa là tổ tiên người Việt đã có mặt trên tổ quốc của họ ít nhất từ thời đó. Những sọ cổ xem là Nam Á được phát hiện tại các di chỉ Thiệu Dương và Vinh Quang ở 2 tỉnh Thanh Hoá và Hà Tây, thuộc đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ Việt Nam. Đó cũng chính là cái nôi đầu tiên của tổ tiên ta trên mảnh đất này. Có thể kết luận: địa bàn mà người Việt sống tập trung nhất hiện nay ở bắc Việt Nam cũng là nơi mà tổ tiên ta đã từng sống và lao động cách đây 3 000 – 4 000 năm lịch sử.

Giờ đây một đề tài lớn đang được mọi người quan tâm và nhiều lãnh vực khoa học tập trung lực lượng nghiên cứu và giải quyết – giai đoạn Hùng Vương trong lịch sử nước ta. Nhiều vấn đề rất cơ bản của đề tài ngày càng được sáng tỏ. Trong những vấn đề này có vấn đề con người. Câu hỏi đặt ra là: nếu thuở các vua Hùng là thuở đầu dựng nước thì cư dân thời kỳ này là ai, với dân tộc Việt Nam hiện nay họ có quan hệ thế nào? Riêng đối với người Việt thì tổ tiên trực tiếp sinh ra họ với cư dân thời các vua Hùng là một hay là hai? Đặt vấn đề như vậy thì thấy mối quan bệ hữu cơ giữa hai vấn đề – tìm hiểu nguồn gốc người Việt và tìm hiểu cư dân thời Hùng Vương. Đó là hai vấn đề chứ không phải một. Giải quyết vấn đề thứ nhất (nguồn gốc người Việt) lả góp phần cơ bản giải quyết vấn đề thứ hai (cư dân thời Hùng Vương). Vì như chúng tôi đã có dịp trình bày trong bản báo cáo tại Hội nghị lần thứ nhất nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương “cư dân thời kỳ Hùng Vương không chỉ là tổ tiên riêng của dân tộc Việt mà có thể là tổ tiên của cả một số dân tộc anh em người miền núi,… và từ thời xa xưa của lịch sử, người Indonesien và người Nam Á đã cộng cư với nhau chung lưng đấu cật xây dựng nên đất nước này. Tài liệu cổ nhân học là cơ sở cho nhận định trên đây: thật vậy, ở thời đại đồng thau và cho tới đầu thời đại sắt chúng ta tiếp tục thu được những di cốt người Indonesien bên cạnh những người Nam Á. Điều này phù hợp với thực tế và cho phép đoán định một cách chắc chắn rằng vùng phân bố của người Indonesien xưa rộng rãi hơn bây giờ nhiều.

Như vậy thì vấn đề nguồn gốc người Việt và vấn đề cư dân thời Hùng Vương đã giải quyết chưa? Hoặc còn tồn tại vấn đề gì khác nữa?

Trước hết phải nói rằng nguồn tài liệu mà chúng tôi dựa vào để phát biểu lên những ý kiến trên đây còn rất nghèo nàn. Tình hình này chưa cho phép thực hiện một sự so sánh triệt để giữa các sọ cổ được coi là thuộc loại hình Nam Á với những sọ người Nam Á hiện tại. Hơn nữa trong điều kiện hiện nay của tài liệu nhân học các cư dân ở Việt Nam, cổ đại cũng như hiện đại, chúng tôi mới giả thuyết sự có mặt của loại hình Nam A từ thời đại đồng thau. Nhưng trước đó thì sao? Quá trình hình thành loại hình Nam Á cổ như thế nào? Họ vốn là bản địa từ những thời kỳ sớm hơn nữa trên dải đất này hay từ một địa phương nào chuyển tới? Đối với vấn đề cư dân thời Hùng Vương cũng còn những điều tồn tại. Vì ngay khởi điwem niên đại Hùng Vương vẫn còn đang bàn luận. Cũng có người muốn đẩy ngược niên điểm này lên thời đại đá mới. Vả chăng để nghiên cứu đầy đủ thời kỳ Hùng Vương, cần thiết nghiên cứu cả thời kỳ trước Hùng Vương. Đó là một ý kiến xác đáng cả đối vói việc tìm hiểu con người thời Hùng Vương. Vì vậy chúng ta mới đi những bước đầu tiên trong việc giải quyết các đề tài lớn đặt ra về nguồn gốc người Việt và con người thời Hùng Vương. Nhưng đó là những bước khá căn bản, và với công sức của nhiều người tập hợp lại, triển vọng những thu hoạch tốt dẹp sau này là điều chắc chắn.

Nguyễn Đình Khoa & Nguyễn Lân Cường
Pdf gốc: Những người cổ ở Việt Nam
Số hoá bởi LSTV. 


Chú thích:

(1) R. Véc-nô (R. Verneau): Những sọ người ở di chỉ tiền sử phố Bình Gia (chữ Pháp) – Nhân học, Pa-ri, 1909, tr. 545 – 550.

(2) E. Giơ-nê Vác-xanh (E. Genet Varcin): Những di cốt ở “Xăng Ruy” Nam việt Nam) (chữ Pháp) – Tập san Trường Viễn đông bác cổ, Pa-ri, 1958, tập XLIX, quyển 1.

(3) Dấu vết xưa của người nguyên thủy trên dát Việt Nam – Báo cáo về hai địa điểm đồ đá vừa phát hiện ở Thanh Hóa, Hà Nội, 1961.

(4) H. D. Gan-cơ (H. D. Kahlke) và Nguyễn Vãn Nghĩa: Báo cáo về công trình nghiên cứu cổ sinh vật và cổ nhân đệ tứ kỷ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1963 – 1964- Tin tức hoạt động khoa học, Hà Nội, số 5, năm 1965.
Lê Trung Khá và Trần Văn Bảo: Một số kết quả nghiên cứu các loại có vú hóa thạch tỉnh Lạng Sơn (bản đánh máy) lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.

(5) P. Huy-a (P.Huard) và E. Xô-ranh (E. Saurin): Tình hình hiện tại của cốt sọ học Đông Dương (chữ Pháp) – Tập san Hội Địa chất học Đông Dương, Hà Nội, 1938.

(6) E. Giơ-nê Vác-xánh: Bài đã dẫn.

(7) Tài liệu của các tác giả người Pháp từ đó chúng tôi thu thập số liệu:

– H. Măng-xuy (H. Mansuy): Góp phần vào việc nghiên cứu thời kỳ tiền sử ở Đông Dương – VIII. Hang mộ táng thời đá mới ở Hàm Rồng, gần Thanh Hoá (Trung Bộ Việt Nam). Mô tả một sọ Indonesien ở Chợ Gành (Bắc Bộ Việt Nam). Nói thêm về việc nghiên cứu những sọ thu thập được ở hang mộ Làng Cườm, Bắc Sơn. (chữ Pháp) – Tập san sở địa chất Đông Dương. Hà Nội, 1925, tập XIV, quyển 6.

– H. Măng-xuy: Góp phần vào việc nghiên cứu thời kỳ tiền sử ở Đông Dương – VI. Di chi tiền sử Kẻo Phày, Khắc Kiệm, Lai-ta, Bằng Mạc thuộc sơn khối đá vôi Bắc Sơn (Bắc Bộ Việt Nam) (chữ Pháp) – Kỷ yếu sở Địa chất Đông Dương, Hà Nội, 1925, tập XII, quyển 2.

– H. Măng-xuy và M. Cô-la-ni: Góp phần vào việc nghiên cứu thời kỳ tiền sử ở Đông Dương – VII. Sơ kỳ đá mới (văn hoá Bắc Sơn) và hậu kỳ đá mới ở vùng thượng du Bắc Bộ Việt Nam (tài liệu mới nhất) với sự mô tả những sọ ở di chỉ Làng Cườm (chữ Pháp) – Kỷ yếu sở Địa chất Đông Dương. Hà Nội, 1925, tập XII, quyển 3.

– E. Pát (E.Patte): Bút ký về thời kỳ tiền sử ở Đông Dương. Nghiên cứu nhân học chiếc sọ thời đá mới ở Minh Cầm (Trung Bộ Việt Nam) (chữ Pháp) – Tập san sở Địa chất Đông Dương, Hà Nội 1925, tập XIII, quyển 5.

– E. Pát: Bút ký về thời kỳ tiền sử Bông Dương. Di chỉ vò sỏ thời đại đá mới  ở Đa Bút và những mộ tảng của nó (chữ Pháp) – Tập san sở Địa chất Đông Dương, Hà Nội, 1932, tập XIX, quyển 3.

– E. Xô-ranh: Những chiếc sọ thời tiền sử chưa công bố ỏ Làng Cườm (chữ Pháp), Hà Nội, 1938.

– R .Véc-nô: Bài đã dẫn.

– Giơ-nê. Vác-xanh: Bài đã dẫn.

(8) Các tài liệu từ đó chúng tôi thu thập số liệu:

– Nguyễn Duy: Người cổ ở Hang Muối – Tin tức hoạt động khoa học, tháng 6 – 1967. – Nghiên cứu về những người cổ sống trong thời đại đồ đồng thau ở Thiệu Dương Thanh Hóa.- Một số báo cáo về khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội, 1966. – Với nét vẽ người cổ ở Vinh Quang, Hà Tây (bản đánh máy), lưu tại Phòng Tư liệu Viện Khảo cổ học. Nghiên cứu thêm về những người cổ Quỳnh Văn. (bản đánh máy), lưu tại Phòng tư liệu viện Khảo cổ học. Nghiên cứu về một sọ cổ ở Núi Voi. (bản đánh máy), lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học. Nghiên cứu về một sọ cổ ở Đa Bút, Thanh Hóa (bản đảnh máy), lưu tại Phòng tư liệu viện Khảo cổ học.

– Nguyễn Lân Cường và Nguyễn Quang Quyền: Nghiên cứu về xương và răng người cổ ở di chỉ Soi Nhụ (bản đánh máy), lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.

– Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Quyền “Nghiên cứu về hai sọ cổ ở Quỳnh Văn, Nghệ An – Một số báo cáo về khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội, 1966.

 (10) H.D. Can-cơ (H.D. Kahlke): Khai quật ở bốn lục địa (chữ Đức), Lai-xích, I-ê-na, Béc-lin, 1967.

(11) E- Pát; nghiên cứu nhân học chiếc sọ thời đá mới ở Minh cầm – Trung Bộ Việt Nam (chữ Pháp) – Tập sơn Hội Địa chất Đông Dương, Hà Nội. 1925, tập XIII. quyển 5.

(12) Nguyễn Đình Khoa: về yếu tố Indonesien trong thành phần nhân chủng các dân tộc ở Đông Nam châu Á – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 75, 1960.

(13) Nguyễn Đình Khoa: Về vấn đề nguồn gốc người Việt – Khảo co học, Hà Nội, số 3- 4, tháng 12-1969-tr 163.

(14) Nguyễn Đình Khoa: Thử tìm hiểu đặc điểm hình thái nhân chủng người Việt – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 113 (1968). – về mối quan hệ Việt Mường trên cơ sở tài liệu nhân chủng học – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 125 (1969).

[15] Nguyễn Đình Khoa: Nhân học với vấn đề thời Hùng Vương, (bản đánh mảy, lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *