340. Các vua Hùng trọng dụng hiền tài

Từ thời Hùng Vương dựng nước, hiền tài đã được coi là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí ấy chỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể. Nếu không có cái nhìn đặc biệt thì Vua Hùng cũng khó có thể phát hiện, thu hút, trọng dụng được hiền tài.

1. Chọn người kế vị ngôi Vua

Sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống. Vua Hùng thứ 6 thấy mình đã già, muốn chọn người kế vị; bèn cho gọi đủ cả 24 người con về núi Nghĩa Lĩnh, mở cuộc thi tìm lễ vật dâng cúng tổ tiên để chọn người con nào có lòng kính hiếu mẹ cha, bất vong tiên tổ, yêu nước thương dân sẽ nhường ngôi cho.

Hai mươi ba người con đã chia nhau mỗi người đi một nơi. Kẻ lên rừng, người xuống biển. Bới đất lật rừng tìm sơn hào, hải vị. Riêng vợ chồng Lang Liêu nghèo khó, không làm được như vậy nên rất buồn rầu. Bỗng trong giấc mơ, chàng thấy có bà tiên đến mách bảo rằng: Vật gì nuôi sống được con người thì vật đó là quý nhất.

Tỉnh dậy. Vốn có lòng thương dân, yêu lao động, tính tình hiếu thảo, lại được nhờ ơn trời mách bảo, vợ chồng An Tiêm đã sử dụng sản vật nông nghiệp sáng tạo ra hai thứ bánh tượng trưng cho trời và đất: bánh chưng hình vuông (tượng trưng cho trái đất), bánh giầy hình tròn (tượng trưng cho mặt trời). Trong bánh chưng có nhân hành, thịt lợn, đỗ xanh tượng trưng cho động, thực vật cư trú trên mặt đất; lá dong bọc bên ngoài có lạt mềm buộc chặt tượng trưng cho sự đùm bọc của cộng đồng. Khi dâng lên, vua Hùng ăn thử rồi khen ngợi: Bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng. Vua rất hài lòng với món lễ vật của người con út và đã truyền ngôi cho chàng. Lang Liêu nối nghiệp là Vua Hùng thứ 7.

Từ đó người Việt ở khắp mọi nơi, mỗi khi có tế lễ, hội hè, nhất là vào dịp lễ tết, đều có phong tục giã bánh giầy, gói bánh chưng để dâng cúng Tổ tiên, Thành hoàng làng, gia tiên, gia tộc. Tục lệ chia đều phần lộc lễ cho tất cả mọi định suất trong cộng đồng là biểu hiện tục chia ruộng công điền cho dân. Ruộng công điền của người Bách Việt tồn tại mấy nghìn năm sau. Cách chia ruộng cũng giống như cách dùng sợi lạt buộc bánh để cắt bánh chưng khi chia lộc.

2. Chọn người đánh giặc cứu nước

Thời Vua Hùng thứ 6, quốc hiệu Văn Lang. Đất nước thái bình, đời sống người dân thịnh vượng. Nhà Vua không cống nạp triều đình phương Bắc nữa. Vì thế nhà Ân ở phương Bắc đem quân sang xâm chiếm nước ta. Vua sai sứ giả đi rao khắp nơi để tìm người tài ra đánh giặc giúp nước. Ở làng Phù Đổng có đứa trẻ lên ba chưa biết nói cư­ời. Cậu nằm trong nôi, vục dậy bảo mẹ ra mời sứ giả vào tâu. Cậu xin Vua cấp cho một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt, một chiếc nón sắt và một cây gậy sắt, thề sẽ đánh tan ngay quân giặc. Cậu ăn một bữa hết cả mấy nong cơm, vài nong cà. Ăn xong, cậu vươn vai đứng dậy thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Cậu từ biệt mẹ cùng dân làng, mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt rồi nhảy lên ngựa sắt. Ngựa phi phun lửa. Tráng sĩ vung roi xung trận. Giặc chết nh­ư ngả rạ. Roi sắt bị gãy, tráng sĩ nhổ ngay cả bụi tre ngà làm khí giới tiếp tục truy quyét quân địch. Giặc tan vỡ. Đất nước yên bình. Tới chân núi Sóc, tráng sĩ dừng lại, leo lên đứng trên một tảng đá to, cởi áo giáp sắt, vắt lên cành cây trầm hương, nhìn thẳng hướng nhà, cúi đầu lạy mẹ và dân làng, rồi cư­ỡi ngựa bay về trời. Nhớ công ơn Cậu, đời sau dân lập đền thờ trên núi Sóc Sơn, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội ngày nay; phong Ngài là Phù Đổng Thiên Vương. Thánh Gióng là vị đứng đầu trong 4 vị Thánh bất tử của người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc bộ. Hội đền Sóc hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng Âm lịch.

Cốt truyện dung dị mà chứa đựng nhiều thông điệp của tổ tiên; song thông điệp văn hoá cao hơn cả là cách thức chọn lựa người hiền tài thật đặc biệt của Vua Hùng. Vua không chọn người hiền tài trong chốn vương phủ mà sai sứ giả đi khắp thiên hạ rao tìm. Làng Phù Đổng là một trong ngàn vạn làng của mọi vùng quê đất Việt. Trao cho một cậu bé lên ba sứ mệnh đầu quân đánh giặc phải là vị Vua có cái nhìn đặc biệt mới nhận ra hiền tài như vậy.

3. Chọn người hiền tài kén rể

Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái rất xinh đẹp tên là Mỵ Nương công chúa, đã đến tuổi cặp kê. Vua ban truyền trong nhân gian để chọn người hiền tài, cho lấy Mỵ Nương về làm vợ.

Có hai vị thần là Sơn Tinh (Thần núi Tản Viên – Thánh Tản) và Thủy Tinh (Thần sông nước) cùng đến xin hỏi cưới. Cả hai đều tài trí hơn người. Sơn Tinh chỉ tay đến đâu núi nhô cao lên đến đấy, cây cũng mọc lên rậm rạp, um tùm. Thủy Tinh vẫy tay thì nước dâng lên cao, tôm, cá, ba ba, thuồng luồng nổi đầy mặt nước. Vua còn lưỡng lự. Bèn ra chỉ dụ, sẽ gả Mỵ Nương cho thần nào đến trước với sính lễ đủ đầy: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Hôm sau, trời còn chưa sáng, Sơn Tinh đã đến trước cổng thành với tất cả lể vật cầu hôn công chúa. Giữ lời. Vua Hùng gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Thủy Tinh đến trễ, biết Mỵ Nương đã theo chồng về nơi núi Tản. Lập tức đuổi theo đánh Sơn Tinh để đòi lại Mỵ Nương. Hai thần đánh nhau, trời long đất lở. Thủy Tinh làm phép dâng nước ngập núi, định dìm chết Sơn Tinh. Sơn Tinh hoá phép cho núi dâng cao. Thủy Tinh càng làm nước dâng cao, Sơn Tinh càng làm cho núi mình cao hơn. Cuối cùng Thủy Tinh đành phải chịu thua. Từ đó, hàng năm cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, Thủy Tinh lại nhớ đến thù xưa và dâng nước đánh Sơn Tinh.

Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh phản ảnh phần nào thiên tai chủ yếu mà người Việt cổ phải chống chọi. Nó cũng cho thấy sức mạnh của những nhân thần giúp dân đấu tranh với thiên nhiên được thần tượng hoá trở nên sức mạnh vô địch.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Hiền nhân là những thần dân yêu nước, thương dân, có lòng dũng cảm tuyệt vời, lại có đức hiếu trung cao độ. Nếu không có cái nhìn đặc biệt thì Vua Hùng cũng khó có thể phát hiện, thu hút, trọng dụng được hiền tài./.

Phạm Bá Khiêm
Bản gốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *