Vào năm 2014, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiến tới hồi căng thẳng bởi hành động ngang ngược của Trung Quốc: đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và tiến hành khoan thăm dò dầu khí một cách phi pháp [1], mặc dù vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, nhưng trong các bài báo trong nước, Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng người Việt mới là kẻ quấy rối họ thực thi chủ quyền, họ cho rằng Việt Nam là “kẻ hư hỏng”, khuyên Việt Nam “lãng tử hồi đầu” [2]. Sự kiện này cho chúng ta thấy được bản chất thực sự của Trung Quốc, không chỉ dừng lại ở đây, Trung Quốc còn thực hiện những chiến dịch tuyên truyền sai lệch về lịch sử nhằm mục đích chính trị.
Tại Trung Quốc, từ trước tới nay vẫn lưu truyền một quan điểm lịch sử cho rằng Việt Nam vốn là đất của Trung Quốc, về sau khi nội bộ Trung Quốc loạn lạc đã lợi dụng mà tách ra thành một quốc gia riêng, Việt Nam vốn là một phần của Bách Việt, trong khi “các tộc Bách Việt” đều phục tùng sự “chinh phục” của người Hoa Hạ, thì người Việt Nam lại cứng đầu cứng cổ tách ra khỏi “gia đình Bách Việt”, mà thành một nước độc lập với Trung Quốc, nay đã đến lúc Việt Nam, Trung Quốc gọi là “đứa con hư hỏng bỏ nhà ra đi”, khuyên nên sớm “hối cải”, trở về với “gia đình Bách Việt”. [1]
Đây là một luận điệu rất nguy hiểm của Trung Quốc, đánh đúng vào điểm yếu trong lịch sử Việt Nam, lợi dụng sự chưa rõ ràng trong lịch sử của cộng đồng tộc Việt, bởi những ghi chép chung chung, mờ ảo, thậm chí là sai lệch trong chính các tài liệu lịch sử của Trung Quốc về cộng đồng này. Luận điệu này đã ảnh hưởng lớn tới trí thức và người dân Việt Nam, khiến họ hiểu nhầm về nguồn gốc dân tộc, phủ nhận nguồn gốc tộc Việt của người Việt, tiêu biểu như bài viết trên Nghiên Cứu Quốc Tế của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành. [3]
Luận điệu này chưa phải là tất cả, Trung Quốc còn đang đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng nên cả một thứ gọi là “phương quốc Lạc Việt”, bằng những nỗ lực rất bài bản, họ đã một tay tạo dựng nên hình hài của “phương quốc” này, biến thứ vô hình thành một vật thể hữu hình, làm mờ nhòe sự thật lịch sử, biến sai thành đúng, biến trắng thành đen. Nhìn chung, những hành động của Trung Quốc đều có những toan tính sâu xa về chính trị, nhắm trực tiếp vào vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, làm sai lệch những sự thật lịch sử.
Chúng tôi sẽ từng bước làm rõ, phân tích và phản biện những luận điệu sai lệch, bóp méo sự thật lịch sử của Trung Quốc, thông qua những bằng chứng và nghiên cứu khoa học, để làm rõ những sự thật lịch sử về người Việt và cộng đồng tộc Việt, đưa lịch sử về với đúng bản chất sự thật của nó.
I. Những nỗ lực xây dựng nên “Phương quốc Lạc Việt” của Trung Quốc:
Nỗ lực quan trọng và tiêu biểu nhất của Trung Quốc trong việc bóp méo lịch sử nhằm mục đích chính trị, đó là xây dựng nên “Phương quốc Lạc Việt” [4]. Những nỗ lực của họ rất bài bản, nhiều chiêu trò để biến quốc gia từ hư không này trở thành một quốc gia hiện hữu trong lịch sử.
Lương Đình Vọng (Liang Tingwang), sinh 1937, dân tộc Choang, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc trung ương, giáo sư, sử gia nổi tiếng chuyên về văn hóa lịch sử các dân tộc thuộc ngữ tộc Choang – Đồng, đã thực hiện đề tài ‘Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt’ và xuất bản cuốn sách cùng tên: “骆越方国研究” vào tháng 4 năm 2018. [5]
Hình ảnh thuyết trình về “phương quốc Lạc Việt” của Lương Đình Vọng. [6]
Nghiên cứu của Lương Đình Vọng đã đưa ra một kết luận như sau: “Ngay từ thời Thương – Chu, tổ tiên chung của các dân tộc thuộc ngữ tộc Choang – Đồng là người Lạc Việt đã xây dựng một chính quyền địa phương gọi là ‘Phương quốc Lạc Việt’ ở vùng Lĩnh Nam, và tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.” [4][6]
Nhóm nghiên cứu của Lương Đình Vọng còn cho rằng phương quốc này có lãnh thổ bao gồm phía Nam sông Tây Giang, Tây Nam Quảng Đông, quản lý các vùng Giao Chỉ và Cửu Chân, thậm chí còn cho rằng phương quốc này đã khai phá và cai quản các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (VN gọi là Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Macclesfield), với trung tâm được cho là tại vùng Đại Minh Sơn ở gần Nam Ninh. [4][6]
Đây là một sự ngụy tạo sự thật lịch sử, tuyên truyền, xây dựng nên hình ảnh về một quốc gia hoàn toàn không tồn tại trong tất cả các tài liệu lịch sử, các tài liệu cổ văn Trung Quốc. Sự phi thực tế của “phương quốc” này còn được thể hiện rõ hơn, khi Lương Đình Vọng tuyên bố quốc gia này cai quản cả các quần đảo trong biển Đông, điều này đã thể hiện rõ mưu tính của Trung Quốc khi tuyên bố các nghiên cứu về “phương quốc Lạc Việt”, đây là một hành động có mục đích chính trị rõ ràng, họ muốn lấy đây làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền với Việt Nam và các quần đảo trên biển Đông, bẻ cong sự thật lịch sử, tạo nên một hiện trạng mà họ tin tưởng bằng cách tuyên truyền lặp đi lặp lại sẽ trở thành sự thật, tương tự như cách họ đang sử dụng đường chín đoạn được vẽ bởi Trung Hoa Dân Quốc, chế độ mà họ đánh bại để lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, để tuyên bố chủ quyền với toàn bộ biển Đông.
Trung Quốc tiến hành xây dựng rất bài bản về “Phương Quốc Lạc Việt”, bắt đầu từ việc “sáng tạo” nên các tư liệu, suy diễn sai lệch các tài liệu lịch sử cổ đại [7], viết sách, tuyên truyền về phương quốc Lạc Việt, tuyên bố rằng đây là phương quốc của các triều đại Thương – Chu, họ lập nên Lạc Việt Vương, tổ chức lễ hội Lạc Việt Vương tại Quảng Tây, tạo ra tục thờ Lạc Việt Vương của người Choang, gán những di chỉ văn hóa (có khi không tồn tại) với phương quốc này. Những nỗ lực của Trung Quốc đã khá thành công, khi gây dựng được một phong trào liên quan tới “phương quốc Lạc Việt” này, được người Choang và một số dân tộc tại Quảng Tây chấp nhận và tin tưởng.
Họ còn đi xa hơn, lập một kế hoạch bài bản để xây dựng những “di sản” liên quan tới cái gọi là “phương quốc Lạc Việt”: như đổi sông Vũ Minh thành sông Lạc Việt, xây đền thờ vua Lạc Việt trên núi Đại Danh (Daming), xây dựng Công viên văn hóa Lạc Việt, xây dựng cơ sở văn hóa sức khỏe và trường thọ Lạc Việt. Tổng kết lại, họ sẽ cố gắng xây dựng Thái Minh thành trung tâm của văn hóa Lạc Việt, không ngần ngại công khai về ý định của mình. [4]
1, 2. Lễ hội Lạc Việt Vương của người Choang. 3. Đền thờ được cho là của Lạc Việt Vương trên núi Đại Danh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. [Nguồn: 2. dẫn, 3. dẫn]
Sự thật không bao giờ bị những thứ giả tạo phủ lấp hoàn toàn, chân lý của lịch sử luôn luôn tồn tại mãi với thời gian. Chúng tôi sẽ từng bước phân tích và chứng minh sự sai lệch mà giả thuyết về phương Quốc Lạc Việt, hay là những giả thuyết sai trái về nguồn gốc tộc Việt và người Việt của người Trung Quốc, thông qua các bằng chứng di truyền, khảo cổ, bên cạnh đó là chính các ghi chép lịch sử của người Hoa Hạ.
II. Nguồn gốc tộc Việt và nguồn gốc người Hoa Hạ:
1. Nguồn gốc người Việt và nguồn gốc người Hoa Hạ:
Thông qua các nghiên cứu di truyền mà chúng tôi đã thực hiện tìm hiểu ở một bài viết khác [8], thì nguồn gốc của người Việt và người Hoa Hạ đã được xác định cơ bản, văn hóa Đông Á cổ đại có nguồn gốc chính từ hai thành phần dân cư: cư dân Hòa Bình từ Đông Nam Á di cư lên và cư dân Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate di cư xuống, đây là hai thành phần chính của các nền văn hóa cổ Đông Á, vùng Dương Tử có khoảng 70-80% là gen từ cư dân Đông Nam Á di cư lên, ngược lại, vùng Hoàng Hà với các văn hóa Ngưỡng Thiều, Hồng Sơn có khoảng 70-80% gen của cư dân Bắc Á di cư xuống, phần còn lại của cư dân cả hai vùng, là sự hòa trộn với thành phần từ hai hướng di cư. Thời điểm này, chưa xuất hiện tộc người Hoa Hạ, cư dân Bắc Á cũng không phải là tổ tiên trực tiếp của người Hoa Hạ, người Bắc Á có hậu duệ là các dân tộc thuộc hệ ngữ Tunguis trong vùng Siberia [9], tới 4500 năm trước, là mốc thời gian bắt đầu hình thành tộc người Hoa Hạ với sự xâm nhập của bộ tộc du mục với đại diện là Hoàng Đế vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.
Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)
Xét về nghiên cứu ngôn ngữ học, thì văn hóa Đông Á là nơi hình thành nên cư dân thuộc 5 hệ ngữ: Nam Á, Hmong-Mien trong vùng Dương Tử, Nam Đảo, Tai-Kadai, Hán-Tạng trong vùng Hoàng Hà. Thành phần hai vùng về cơ bản như chúng tôi đã dẫn, nhưng riêng hệ ngữ Nam Đảo và Tai-Kadai, thì mặc dù có nguồn gốc bắc Đông Á, nhưng họ có gen Đông Nam Á, có nguồn gốc từ Đông Nam Á di cư lên. [10]
Đông Á cổ đại phân tách thành 5 hệ ngữ. [11]
Cộng đồng tộc Việt được hình thành trong vùng Dương Tử, với hai thành phần chính là cơ dân Nam Á bản địa vùng Dương Tử, và cư dân Nam Đảo – tiền Tai-Kadai từ văn hóa Đại Vấn Khẩu di cư về vùng Dương Tử vào khoảng 5500 năm trước [12][13]. Sau thời điểm này, cư dân vùng Dương Tử hầu như không còn liên hệ gì về huyết thống với cư dân trong vùng Hoàng Hà. Chính vì vậy, trong tiến trình phát triển và hình thành, thì gen của cộng đồng tộc Việt là hoàn toàn độc lập, không có sự tác động của gen người Hoa Hạ hình thành sau đó. Tới khoảng 4500 năm trước, là thời điểm hình thành tộc người Hoa Hạ, với sự xâm nhập vùng đồng bằng Hoàng Hà của người du mục, với đại diện là Hoàng Đế, Hoàng Đế đã đánh bại họ Thần Nông, chiếm được vùng hình thành nên hệ ngữ Hán-Tạng là văn hóa Ngưỡng Thiều. Các nghiên cứu di truyền cũng ủng hộ giả thuyết về sự xâm nhập của người Hoa Hạ vào vùng Hoàng Hà. [8]
Nghiên cứu của Chen et al. 2019 [14] cho thấy người Hán hiện đại có khoảng 25,2% tổ tiên của tới từ dân số liên quan đến người Yakut (thuộc hệ ngữ Turk) và 74,8% tới từ dân số liên quan tới người She (thuộc hệ ngữ Hmong-Mien), người Yakut là cư dân sống chủ yếu bằng phương thức du mục, chăn nuôi ngựa, tuần lộc và bò. Nghiên cứu của Zlojutro et al. 2017 [15] cho thấy nguồn gốc của người Yakut là từ vùng Trung Á, di cư tới Bắc Á từ phía Tây, có các haplotype thường thấy ở cư dân Trung Á và nam Siberia chiếm đa số. Các nghiên cứu này cho thấy truyền thuyết của cả người Việt và người Hoa Hạ về việc Hoàng Đế đại diện cho bộ tộc du mục đánh Viêm Đế có địa bàn trong vùng bắc Đông Á, để hình thành người Hoa Hạ là có cơ sở về di truyền. Thông qua các nghiên cứu này, có thể nhận định người Hán hiện đại có hai nguồn gốc chính, là cư dân văn hóa Đông Á cổ đại và cư dân Bắc Á gốc Trung Á, trong đó thành phần cư dân nông nghiệp bắc Đông Á chiếm đa số, đóng vai trò cốt lõi về văn hoá, ngôn ngữ và di truyền, nhưng thành phần cư dân Bắc Á gốc Trung Á nắm giữ quyền lực về chính trị và quân sự, 2 thành phần dân cư này đã tạo dựng cơ sở cho sự hình thành của người Hoa Hạ trong văn hoá Long Sơn hoặc Nhị Lý Đầu.
Nghiên cứu của Juncen Liu et al. 2021 [16] cho thấy, văn hóa Long Sơn đã có những sự thay đổi về di truyền so với thời kỳ trước 4600 năm, các mẫu của văn hóa Đại Vấn Khẩu trước 4600 năm và văn hóa Long Sơn sau 4600 năm, có sự khác biệt đáng kể. Nghiên cứu này cũng ủng hộ một cuộc xâm nhập từ cư dân bên ngoài vào vùng bắc Đông Á.
Biểu đồ thể hiện sự thay đổi di truyền giữa thời điểm trước 4600 năm (Đại Vấn Khẩu) và sau 4600 năm (Long Sơn). [16]
Theo nghiên cứu của J Kim et al. 2020 [17], thì người Việt và người Hán, hai đại diện của cư dân nam Đông Á và bắc Đông Á bắt đầu tách khỏi nhau từ khoảng 5000 năm trước, đây là mốc thời gian hình thành cộng đồng tộc Việt ở vùng Dương Tử, ở vùng bắc Đông Á bắt đầu hình thành tộc người Hoa Hạ từ hai thành phần dân cư là cư dân Đông Á cổ và người du mục Bắc Á gốc Trung Á xâm nhập vào vùng đồng bằng Hoàng Hà như chúng tôi đã dẫn ở trên, hệ ngữ Hán-Tạng hình thành tại vùng trung lưu và thượng lưu Hoàng Hà của văn hóa Ngưỡng Thiều, văn hóa và ngôn ngữ có sự ảnh hưởng chủ yếu là từ cư dân văn hóa Đông Á cổ đại.
Biểu đồ cho thấy người Việt (Kinh) và người Hán tách khỏi nhau khoảng 5000 năm trước. [17]
Nếu xét về nguồn gốc dân tộc dựa trên các nghiên cứu di truyền ở trên, thì có thể nói người Hoa Hạ có trong mình di truyền của các nguồn tổ tiên trực tiếp của cộng đồng tộc Việt, chứ không phải ngược lại, họ có nguồn gốc chính là từ người du mục Bắc Á gốc Trung Á, chiếm đoạt những di sản của cư dân Đông Á cổ có liên hệ với tộc Việt để hình thành tộc người của mình, mượn những di sản của người Việt, nhưng lại chối bỏ sự vay mượn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sự phát triển độc lập của tộc Việt từ thời kỳ hình thành vào khoảng 5300 năm trước cho tới thời điểm hiện tại. Vì vậy, cộng đồng tộc Việt phía Nam sông Dương Tử phát triển độc lập với tộc Hoa Hạ hình thành trong vùng bắc Đông Á sau tộc Việt khoảng gần 1000 năm.
2. Nhà nước và ý thức dân tộc của cộng đồng tộc Việt:
◊ Các nhà nước của cộng đồng tộc Việt:
Cộng đồng tộc Việt đã hình thành trong vùng Dương Tử, với văn hóa Lương Chử, được chứng minh là nơi có nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á, có niên đại khoảng 5300 năm trước, kế thừa nó là văn hóa Thạch Gia Hà, cũng có nhà nước với tổ chức phát triển hơn so với bắc Đông Á cùng thời kỳ.
Văn hóa Lương Chử đã được các nhà khảo cổ chứng minh có tổ chức nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á [18][19], với niên đại khoảng 5300 năm trước, tại văn hóa Thạch Gia Hà, thì văn hóa Thạch Gia Hà có thể được coi như một nhà nước cổ đại với tổ chức xã hội tương đối tiên tiến của nó [20][21][22]. Các học giả Trung Quốc cho rằng các văn hóa trong vùng Dương Tử như Thạch Gia Hà hay trước đó là Lương Chử phức tạp hơn về mặt xã hội và phát triển hơn so với các văn hóa cùng thời ở vùng bắc Đông Á. [20].
Các nhà nước này chính là cơ sở chứng minh về chủ quyền của cộng đồng tộc Việt với vùng đất từ Dương Tử trở về phía Nam, họ đã có những tổ chức nhà nước, và cũng đã hình thành ý thức dân tộc ngay từ thời văn hóa Lương Chử.
◊ Ý thức dân tộc Việt tại văn hóa Lương Chử:
Tại văn hóa Lương Chử, cũng là nơi hình thành nên ý thức dân tộc Việt, thể hiện sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt dưới một dạng liên minh quốc gia thông qua văn tự được ghi chép trên một chiếc bình gốm của văn hóa này.
Trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 ký hiệu khắc trên thân của chiếc bình, tạo thành một câu hoàn chỉnh, thể hiện rõ ý thức về nguồn gốc và tổ chức quốc gia của cộng đồng tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [23], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt.
4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [23]
Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]
Với những bằng chứng khảo cổ về quốc gia của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử và ý thức Việt được hình thành trong văn hóa Lương Chử, có thể thấy được vùng đất phía Nam thuộc chủ quyền của cộng đồng tộc Việt, họ đã hình thành nên các tổ chức nhà nước trong vùng Dương Tử, người Việt cũng đã hình thành nên ý thức dân tộc ngay từ thời văn hóa Lương Chử, sự phát triển của người Việt sau đó là độc lập với người Hoa Hạ, nên việc Lương Đình Vọng cho rằng nhà Thương – Chu lập nên một phương quốc trong vùng Lĩnh Nam không có cơ sở thực tế.
III. Sự phân biệt chủng tộc và lãnh thổ của người Hoa Hạ qua các triều đại:
1. Sự phân biệt chủng tộc của người Hoa Hạ đối với người Việt:
Bắt nguồn từ thời nhà Chu (trong thời gian dài tồn tại của triều đại này), người Hoa Hạ đã sáng tạo nên thuyết “Trung Hoa”, tự đặt mình vào trung tâm, tự nhận mình là Hoa Hạ. Họ coi “thiên hạ” là một khái niệm bao trùm, trong đó, Hoa Hạ ở trung tâm, là những người đã giáo hóa văn minh, và xung quanh là các dân tộc không phải người Hoa Hạ, được gọi là Tứ Di, gồm Nam Man, Đông Di, Bắc Địch và Tây Nhung, họ xem đây là các dân tộc dã man, chưa được giáo hóa. “Tứ Di” (Man, Di, Nhung, Địch) được tìm thấy bằng văn bản sớm nhất trong các sách Tả Truyện và Mặc Tử. Trong Kinh Lễ, thiên Khúc Lễ hạ, cũng có chép về Tứ Di và tư tưởng tự đặt mình vào trung tâm của người Hoa Hạ [24]. Với người Việt, họ gọi bằng cái tên Nam Man, với ý chỉ rằng đây là tộc người không văn minh, chưa được giáo hóa, trong số các ghi chép, thì có lẽ người Việt bị họ hạ thấp nặng nề nhất.
Thuyết Trung Hoa của người Hoa Hạ. [Nguồn]
Như vậy, chúng ta thấy được rằng người Hoa Hạ gọi chung người Việt phía Nam sông Dương Tử là Nam Man (南蠻), hoàn toàn không có liên hệ gì với Hoa Hạ ở Trung Nguyên, họ còn tỏ ý khinh miệt với người Việt, chứ không hề đề cập tới sự liên hệ gì trong thuyết này. Trong cả các tài liệu lịch sử, với tư tưởng Hoa Di, cho mình là trung tâm, các dân tộc xung quanh đều là các dân tộc chưa khai hóa, man rợ, không có văn minh, thì họ cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng với cộng đồng tộc Việt, có những ghi chép sai lệch, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc về văn hóa, văn minh, phong tục của tộc Việt. Không khó để chúng ta có thể nhận thấy những ghi chép như vậy về người Việt của người Hoa Hạ trong các tài liệu lịch sử:
Thủy Kinh chú sớ chép: “Những ngày trời trong gió lặng, nhìn ra xa thấy châu Chu Nhai, thấy nó lớn như một cái vựa thóc hình tròn. Từ Từ Văn đi thuyền ra đấy, gặp gió bắc kéo buồm lên, đi một ngày một đêm là tới. Chu vi quận ấy là hơn 2000 dặm, đường kính là 800 dặm. Nhân dân có khoảng hơn 10 vạn nhà, đều là những giống loài người khác lạ, xõa tóc, xăm mình, con gái phần nhiều tướng mạo đẹp, làn da trắng trẻo, tóc dài, tóc mai đẹp. Trai gái tụ tập với nhau như loài dê, loài chó, không chịu giáo hóa về đạo đức.”. [25]
Trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Nam Việt Úy Đà liệt truyện, khi chép về bức thư tạ tội của Triệu Đà: “Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”.” [26]
Hậu Hán Thư, Nhâm Diên truyện chép: “Tục người Cửu Chân, lấy săn bắn làm nghiệp chính, không biết dùng trâu cày, dân phải mua thóc gạo từ Giao Chỉ, thường thiếu thốn khốn khổ. Diên bèn bảo cho đúc lấy các đồ nông khí, dạy cho khai khẩn. Vì vậy, đồng ruộng hằng năm đều được mở mang rộng rãi thêm, trăm họ sung túc. Lại thêm dân cư Lạc Việt không có lễ pháp giá thú, ai nấy đều chỉ theo ý dâm thích của mình, không có vợ đích nhất định, không biết đến tình cha con, đạo vợ chồng.” [27]
Cách ghi chép của họ quả thực là một sự hạ nhục đối với cả một dân tộc, nó không còn là một sự hiểu nhầm, hay xem thường đơn thuần nữa, là một hệ tư tưởng thượng đẳng với những ghi chép lịch sử có tính toán có chủ đích rõ ràng, không khác gì cách mà thực dân phương Tây đã nô dịch các dân tộc thuộc địa của họ trên khắp thế giới.
Từ hệ tư tưởng này, chúng ta có thể thấy được, với người phương Nam, thì người Hoa Hạ coi đây là một tộc người dã man, không văn minh, nằm ngoài văn minh Hoa Hạ trung tâm, các ghi chép của họ thể hiện rõ tư tưởng đó, nên người Việt không liên quan gì tới người Hoa Hạ về nguồn gốc, ý thức dân tộc. Nên hoàn toàn không thể bàn về một quốc gia nào đó liên quan tới Thương – Chu ở vùng Lĩnh Nam, nếu có, nhận thức, ghi chép của họ có lẽ đã khác với những gì họ đã thể hiện trong lịch sử của mình.
2. Lãnh thổ của người Hoa Hạ qua các thời kỳ:
Lãnh thổ người Hoa Hạ trong các thời kỳ Thương – Chu cho tới Chiến Quốc về cơ bản đều nằm trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, chưa vượt quá sông Dương Tử, phải tới các triều đại Sở – Tần – Hán, thì họ mới bắt đầu chính thức tiến hành những cuộc xâm lược các vùng đất của tộc Việt ở phía Nam. Phải tới thời nhà Hán, họ mới chính thức chiếm trọn toàn bộ đất Việt từ Dương Tử tới miền Trung Việt Nam.
Bản đồ phía dưới cho chúng ta thấy được tiến trình mở rộng và bành trướng lãnh thổ của họ, họ mở rộng dần ra phía Đông, phía Nam, sau đó dần dần tiến chiếm các vùng đất của tộc Việt trong vùng Dương Tử, tới thời nhà Hán, mới chiếm gọn được toàn bộ đất Việt, nhưng người Việt sau đó cũng đã thoát khỏi sự cai trị và đồng hóa của người Hoa Hạ, trở lại thành một quốc gia độc lập, tuy nhiên họ chỉ dành lại độc lập được cho vùng miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Những bản đồ về lãnh thổ của các triều đại Hoa Hạ sẽ cho chúng ta thấy rất rõ ràng tiến trình mất đi các vùng lãnh thổ của tộc Việt.
Bản đồ minh họa lãnh thổ các triều đại Trung Quốc. [Nguồn bản đồ: Pojanji, dựa theo Tan Qixiang 谭其骧. Tập bản đồ lịch sử của Trung Quốc 中國歷史地圖集. Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc 中国社会科学院]
Vào thời gian tồn tại nhà Thương, trong hệ thống truyện cổ thời Hùng Vương của người Việt có chép về truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, cuộc chiến này cũng xuất hiện dấu tích trong tài liệu khảo cổ, với sự xuất hiện và biến mất nhanh chóng của văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) mang đặc trưng văn hóa nhà Thương tại vùng Hồ Bắc, đây vốn là đất của tộc Việt, với văn hóa Thạch Gia Hà nổi tiếng, một trong hai văn hóa hình thành nhà nước sớm nhất của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử [20[21][22], có tiền thân là văn hóa Khuất Gia Lĩnh cũng trong vùng Hồ Bắc.
Bản đồ về vùng ảnh hưởng và xuất hiện các đặc trưng văn hóa nhà Thương dựa trên tài liệu khảo cổ cho thấy được sự mở rộng và thu hẹp của văn hóa Thương trong các giai đoạn. Văn hóa khởi nguồn của người Hoa Hạ là Nhị Lý Đầu chỉ nằm trong một địa bàn nhỏ hẹp tại vùng trung lưu Hoàng Hà, sau đó vào đầu thời nhà Thương, của văn hóa Nhị Lý Cương, họ đã mở rộng ra khắp vùng đồng bằng Hoàng Hà và xuống cả vùng Hồ Bắc, nhưng tới thời kỳ An Dương, thì văn hóa Bàn Long Thành biến mất, văn hóa nhà Thương từ đó cũng không còn xuất hiện tại vùng Hồ Bắc. Đối chiếu chi tiết này với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, thì có thể đã diễn ra một cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thương, và cuộc kháng chiến giành lại lãnh thổ của tộc Việt. Cả chi tiết về khảo cổ và chi tiết trong truyền thuyết Thánh Gióng của người Việt đều cho thấy người Việt đã chiến thắng, giành lại được vùng Hồ Bắc từ nhà Thương, khiến văn hóa Bàn Long Thành hoàn toàn biến mất khỏi vùng đất này.
Vùng phân bố của các văn hóa Hoa Hạ và nhà Thương: Màu đỏ: Nhị Lý Đầu, màu vàng: Nhị Lý Cương, màu tím: An Dương) [Bản đồ dựa theo Campbell 2014: 20, 70, 108, 130, Liu and Chen 2003: 76, 88, 107, and Tan 1982: 13-14.]
Từ đây, chúng ta thấy được rằng việc Lương Đình Vọng cho rằng “Ngay từ thời Thương-Chu, tổ tiên chung của các dân tộc thuộc ngữ tộc Choang – Đồng là người Lạc Việt đã xây dựng một chính quyền địa phương gọi là ‘Phương quốc Lạc Việt’ ở vùng Lĩnh Nam, và tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.” là hoàn toàn không đúng sự thật và không có cơ sở kể cả về khảo cổ, văn hóa và lịch sử.
3. Sự thông giao của tộc Việt và các triều đại Hoa Hạ:
Mặc dù phát triển độc lập, nhưng tộc Việt và tộc Hoa Hạ đã có sự thông giao với nhau, thông qua các ghi chép về sự triều cống của người Việt với nhà Hạ và nhà Chu. Các ghi chép này cũng cho chúng ta thấy người Hoa Hạ hoàn toàn không ghi chép và tuyên bố về chủ quyền ở phía Nam, họ công nhận phía Nam là đất của người Việt, là một quốc gia độc lập với quốc gia của họ.
Thái Bình ngự lãm thời Tống viết:” 任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺餘。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜歷。伏滔《述帝貢月銘》曰:胡書龜歷之文.” [28] – “Thuật dị kí” của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết: Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay. “Thuật Đế cống nguyệt minh” của Phục Thao viết: Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”.
Sách Thông Chí của Trịnh Tiều thời Tống viết [29][30]: “又按陶唐之世,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。” – “Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch tức Lịch rùa.” [30]
Trong Thượng thư đại truyện (TK 3 TCN) và Tiền Hán Thư có ghi lại chi tiết về người Việt Thường tới cống chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương: “Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường. Châu Công (tên Cơ Đán 姬旦) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình. Người nước Việt Thường qua quan Tam tượng nhiều lần phiên dịch mà dâng chim trĩ trắng.” [31]
Chúng tôi đã chứng minh ở một bài viết khác, cái tên Việt Thường nhiều khả năng là một danh xưng của tộc Việt [32], không phải là một nước độc lập với tộc Việt, nhiều khả năng người Hoa Hạ nhận thấy người Việt tự nhận là Việt Thường nên đã cho rằng đó là tên nước, nhưng chi tiết này cũng cho chúng ta thấy được rằng người Việt là một quốc gia độc lập với quốc gia của người Hoa Hạ, có sự thông giao với các triều đại Hạ và Chu, dâng rùa thần (có ghi chữ khoa đẩu và lịch của người Việt) và chim trĩ. Các chi tiết này cũng cho thấy sự phi thực tế của giả thuyết về sự kiểm soát của các triều Thương – Chu với vùng Lĩnh Nam, khi bản thân họ công nhận về sự tồn tại của quốc gia của người Việt.
IV. Quốc gia của cộng đồng tộc Việt và sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt:
1. Sự thống nhất về di truyền của cộng đồng tộc Việt:
Cộng đồng tộc Việt tồn tại và sinh sống trong một cộng đồng chung, nên về huyết thống, thì người Việt rất gần với các dân tộc trong vùng nam Đông Á và người Hán phía Nam Trung Quốc. Đây là cơ sở không thể chối cãi chứng minh về nguồn gốc chung của cộng đồng tộc Việt trước khi tan rã dưới những bước chân xâm lược của người Hán.
Theo nghiên cứu của Wang et al. 2021 [33], thì các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt: Kinh, Choang, Gelao, Mulam, Dai, Maonam, Dong, Li, Thái, Hán Quảng Đông, Hán Phúc Kiến có gen rất gần nhau và gần với gen chung của Hán nam Đông Á.
Admixture thể hiện di truyền các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt có gen rất gần nhau. [33]
Tổng hợp và so sánh gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt từ admixture trên. [33]
Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt như Việt (Kinh), Tày, Nùng, Mường, Thái, Dai, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [34]
Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [34]
Phân tích thành phần PCA của các dân tộc từ nghiên cứu của Dang Liu et al. 2019, cũng cho thấy người Việt (Kinh), người Mường, Tày, Nùng, Thái, Hán Hoa Nam có di truyền rất gần nhau và khác biệt so với di truyền của Hán Hoa Bắc.
Phân tích PCA các dân tộc cho thấy sự gần gũi về di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. [34]
Nghiên cứu gen của Zhang et al. 2019 [35] cho thấy người Việt (Kinh) có di truyền gần gũi với người Choang, người Dong và người Yi ở Quảng Tây, người Hán ở các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến.
Nghiên cứu của Zhang et al. 2019 cho thấy gen người Việt (Kinh) gần với người Miêu Quý Châu, người Choang và người Hán Quảng Đông. [35]
Nghiên cứu của He et al. 2021 [36] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Người Việt (Kinh) các vùng, Mường, Tày, Thái, Dao, Cờ Lao, Gelao, Maonan, Dai, Bố Y có gen rất gần nhau, người Hán Quảng Đông, Phúc Kiến cũng gần với gen của các dân tộc có nguồn gốc độc lập hiện vẫn chưa bị đồng hóa. Màu xanh dương trong nghiên cứu này đại diện cho gen chung của 3 hệ ngữ: Nam Á, Tai-Kadai, Hmong-Mien, chiếm phần lớn trong di truyền của các dân tộc thuộc 3 hệ ngữ này, cũng như người Hán tại các vùng.
Nghiên cứu của He et al. 2021 cho thấy gen các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. [36]
Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [37] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Dong, Hlai, Mường, Thái, Mulam, Tày, Maonan, Zhuang, Dai, Nung, Kinh (Việt), Vietnamese, Lào, Bố Y, Colao, Lachi và người Hán các vùng: Quảng Tây, Quảng Đông có gen rất gần nhau. Gen của các cư dân Hán tại các vùng Phúc Kiến, Đài Loan, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam có gen gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, nhưng cũng đã pha trộn với một lượng nhất định thành phần Hán Hoa Bắc. Người Dong (Hồ Nam, Quý Châu) có thể đã có sự pha trộn với các dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien, nên có phần khác biệt so với gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt.
Admixture thể hiện di truyền nguồn gốc các dân tộc, tên cụm không thể hiện các dân tộc có nguồn gốc từ tên được đặt, mà các cụm được thể hiện có di truyền gần nhau. [37]
Nghiên cứu của Liu S et al. 2018 [38] dựa trên toàn bộ bộ gen về dân số người Hán và các dân tộc Trung Quốc ngày nay cho thấy di truyền của cư dân Hán phía nam Đông Á ngày nay khác biệt đáng kể so với cư dân Hán bắc Đông Á, di truyền cư dân Hán phía nam Đông Á gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt khác hiện tại chưa bị đồng hóa như Zhuang, Dai, Dong, Gelao, Li, điều này thể hiện sự đồng hóa của người Hoa Hạ với người Việt hầu như chỉ được tiến hành trên khía cạnh đồng hóa văn hóa, các cuộc di cư về phía Nam là có, tuy nhiên, chúng không thực sự ảnh hưởng nhiều tới huyết thống của các dân tộc và các nhóm dân cư có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.
Phân tích PCA các dân tộc Trung Quốc ngày nay. [38]
Cơ sở về di truyền đã chứng minh người Việt và các dân tộc trong vùng nam Đông Á là cùng một dân tộc, có cùng một nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, có sự hòa huyết, tương tác với nhau trong một cộng đồng chung, một quốc gia chung, chính là quốc gia của các vị vua Hùng.
2. Quảng Đông và Quảng Tây thuộc quốc gia của các vua Hùng:
Trong các tài liệu lịch sử của Trung Hoa, họ cũng công nhận rằng ít nhất trong vùng Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây tới Việt Nam), thì cộng đồng tộc Việt nằm trong một nhà nước thống nhất, là nước của người “Man Di” (chỉ người Việt với ý coi thường), là đất của người Bách Việt, chứ không hề nhắc tới sự liên hệ nào với các triều Thương – Chu. Quốc gia này được nhắc tới “đương thời Đường Ngu, Tam Đại”, tức là vào cả hai thời kỳ văn minh sông Dương Tử với văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà và sau đó là thời kỳ Hùng Vương với trung tâm là miền Bắc Việt Nam, vậy nên lãnh thổ của quốc gia này phải từ vùng Dương Tử về miền Bắc Việt Nam. “Tam đại” tất nhiên bao gồm cả nhà Thương, đương thời phía Nam là quốc gia của người Việt, chi tiết này đã trực tiếp phủ nhận quan điểm của Lương Đình Vọng về một phương quốc của Thương – Chu trong vùng Lĩnh Nam.
Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”
Những ghi chép trong Thủy Kinh chú cũng cho thấy đất Giao Chỉ (bộ) thuộc sự cai quản của Lạc Vương (Hùng Vương).
Thủy kinh chú, quyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [39]
Ghi chép trong Thái Bình Quảng Ký cho chúng ta thấy rõ được Lạc Vương cũng chính là Hùng Vương, tác giả sách Thủy Kinh Chú hoặc Giao châu ngoại vực ký đã có chút nhầm lẫn trong ghi chép.
Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”
Trong Thủy Kinh chú ghi rõ: “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện” cho thấy đây là Giao Chỉ bộ, tức ít nhất bao gồm các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Việt Nam và Hải Nam (và có thể rộng hơn thế), vì vậy, quốc gia của Lạc Vương hay Hùng Vương bao gồm cả vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Sau đó, An Dương Vương tiếm ngôi vua Hùng (theo các ghi chép lịch sử Trung Hoa, lịch sử và truyền thuyết Việt Nam), lãnh đạo tộc Việt chống lại cuộc xâm lược của nhà Tần, khi đó là nước Tây Âu cũng bao gồm vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Hải Nam như chúng tôi sẽ chứng minh ở phần sau đây.
Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh.Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [39]
Như chúng tôi đã chứng minh trong một bài viết khác, thì không đủ cơ sở để cho rằng An Dương Vương là con vua Thục [40], mà ông là một thủ lĩnh thuộc nhóm Tây Âu trong vùng đất của vua Hùng, khi chiếm ngôi của vua Hùng, ông cũng đã đồng thời tổ chức cuộc kháng chiến chống Tần (mà không phải Dịch Hu Tống như ghi chép của Hoài Nam Tử, An Dương Vương đã chiếm ngôi vua Hùng sau đó mới chống Tần, không phải Dịch Hu Tống chết rồi ông mới lên ngôi, thời kỳ An Dương Vương bắt đầu khoảng 258 TCN, còn cuộc chiến tranh vệ quốc chống Tần bắt đầu vào khoảng 217-218 TCN, việc giành ngôi vua Hùng của An Dương Vương được thực hiện trước cuộc chiến tranh chống Tần, nên không có khả năng tồn tại một nhân vật tên Dịch Hu Tống là vua của người Việt), sau đó, khi không giữ được vùng Lĩnh Nam, ông phải lui về Việt Nam để lập nước Âu Lạc.
3. Cuộc xâm lược của nhà Tần vào đất Lĩnh Nam:
Vào khoảng năm 217-218 TCN, nhà Tần sau khi thống nhất Trung Nguyên, đã tổ chức một cuộc xâm lược quy mô, với 50 vạn quân chia thành 5 đạo xâm chiếm đất Việt ở phía Nam, trong thời kỳ này, thì đất Việt phía Nam bao gồm các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Việt Nam và Hải Nam.
Hoài Nam Tử do Lưu An đời Hán viết, phần Nhân Gian huấn chép: “见其传曰:“亡秦者,胡也。”因发卒五十万,使蒙公、杨翁子将,筑修城。西属流沙,北击辽水,东结朝鲜,中国内郡挽车而饷之。又利越之犀角、象齿、翡翠、珠玑,乃使尉屠睢发卒五十万,为五军,一军塞镡城之岭,一军守九疑之塞,一军处番禺之都,一军守南野之界,一军结馀干之水。三年不解甲驰弩,使临禄无以转饷。又以卒凿渠而通粮道,以与越人战,杀西呕君译吁宋。而越人皆入丛薄中,与禽兽处,莫肯为秦虏。相置桀骏以为将,而夜攻秦人,大破之。杀尉屠睢,伏尸流血数十万,乃发谪戍以备之。” [41] – “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (đất Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ở sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ kén chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn.” [42]
Như vậy, nhà Tần đã tổ chức một cuộc chiến tranh xâm lược đất Việt trong vùng Lĩnh Nam, trong đoạn trích từ Hoài Nam Tử ở trên, chi tiết Tây Âu là rất quan trọng, cho thấy cuộc xâm lược của người Hoa Hạ vào đất Tây Âu. Tây Âu ở đây được sử dụng để chỉ toàn bộ vùng đất Việt, bao gồm vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Hải Nam, là một khái niệm chỉ một vùng đất rộng lớn. Trong lịch sử, khái niệm Tây Âu cũng thường được dùng với một phạm vi nhỏ hơn, để chỉ trực tiếp vùng Quảng Tây, sau khi Thục Phán giành ngôi của vua Hùng, lên ngôi lấy hiệu An Dương Vương, có lẽ ông đã chọn quốc danh ban đầu là Tây Âu, lãnh đạo người Việt kháng Tần, sau đó khi không giữ được đất Lĩnh Nam, phải di cư về Việt Nam ông đã lập ra nước Âu Lạc. Trong Sử Ký, thì Âu Lạc còn có tên gọi là Tây Âu Lạc.
Sử Ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “佗因此以兵威邊,財物賂遺閩越、西甌、駱,役屬焉,東西萬餘里。” – “Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [26]
Bên cạnh khái niệm Tây Âu lớn hơn, thì trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, khái niệm Tây Âu được sử dụng để chỉ trực tiếp cư dân vùng Quảng Tây, đây là nơi sinh sống của người Lạc Việt. Các tài liệu ghi chép của người Hoa Hạ đều cho thấy sự coi thường, thiếu tôn trọng, thậm chí bịa đặt, gán ghép các phong tục man rợ cho người Việt, dưới hệ tư tưởng Hoa Di.
Cựu đường thư – Địa lí chí chép khá nhiều về khái niệm Tây Âu: “邕州宣化州所治。漢嶺方縣地,屬鬱林郡。秦為桂林郡地。驩水在縣北,本牂柯河,俗呼鬱林江,即駱越水也,亦名溫水。古駱越地也。” – “Huyện Tuyên Hóa của châu Ung là sở trị của châu. Là huyện Lĩnh Phương thuộc quận Uất Lâm thời nhà Hán. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm. Có sông Hoan ở phía bắc huyện, vốn là sông Tang Kha, tục gọi là sông Uất Lâm, cũng là sông Lạc Việt, cũng có tên là sông Ôn. Là đất của người Lạc Việt thời xưa.
貴州鬱平漢廣鬱縣地,屬鬱林郡。古西甌、駱越所居。後漢谷永為鬱林太守,降烏滸人十萬,開七縣,即此也。烏滸之俗:男女同川而浴;生首子食之;云宜弟,娶妻美讓兄;相習以鼻飲。秦平天下,始招慰之,置桂林郡。漢改為鬱林郡。” – “Huyện Uất Bình của châu Quý là huyện Quảng Uất thuộc quận Uất Lâm thời nhà Hán. Là chỗ mà người Tây Âu, Lạc Việt ở. Người thời nhà Hậu Hán là Cốc Vĩnh làm Thái thú Uất Lâm đã dụ chục vạn người Ô Hử hàng nhà Hán, đặt ra bảy huyện là chỗ ấy. Tục của người Ô Hử là trai gái cùng sông mà tắm, sinh con đầu thì ăn thịt nó, gọi là ‘nghi đệ’, lấy vợ đẹp rồi nhường cho anh, tụ tập uống rượu bằng mũi. Vào thời nhà Tần dẹp cả thiên hạ, bắt đầu vỗ về dân ấy, đặt ra quận Quế Lâm, đến thời nhà Hán đổi thành quận Uất Lâm.”
潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。” – “Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.” [Bản dịch của Tích Dã]
Như vậy, rõ ràng nhà Tần đã tổ chức một cuộc chiến tranh xâm lược vào đất Lĩnh Nam, người Tây Âu chính là tổ tiên trực tiếp của người Choang ngày nay hiện vẫn sinh sống tại Quảng Tây, vậy “Phương quốc Lạc Việt” thời Thương Chu mà Lương Đình Vọng đã nói tới nằm ở đâu? Nếu quốc gia này “tuân theo lệnh của các vương triều trung ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải.“, thì tại sao nhà Tần phải nhọc công tổ chức xâm lược vào vùng đất này của người Việt? Tại sao người Tây Âu, tổ tiên người Choang lại chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần?
3. Kết luận:
Qua chính cổ sử của Trung Hoa, chúng ta thấy được người Việt có một quốc gia chung, chính là quốc gia của các vị vua Hùng mà chúng tôi đã chứng minh ở phần trên, các ghi chép lịch sử cũng hoàn toàn không cho thấy bất cứ liên hệ nào giữa quốc gia của cộng đồng tộc Việt này với các triều đại Thương – Chu, bên cạnh đó, thì nhà Tần cũng đã tổ chức đánh xuống vùng đất còn lại của tộc Việt là Tây Âu, nếu thực sự là một phương quốc, tại sao Tần lại phải tổ chức một cuộc xâm lược quy mô xuống vùng đất của người Việt? Và sự chống cự của người Việt tại sao lại mãnh liệt như vậy? Đó là những câu hỏi phủ nhận hoàn toàn những lập luận của Lương Đình Vọng.
V. Văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ:
1. Sự khác biệt văn hóa tộc Việt nhà Thương:
Văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ khác nhau như thế nào? Qua các di vật khảo cổ, chúng ta sẽ thấy được sự khác nhau cơ bản giữa hai nền văn hóa trong thời kỳ đồ đồng, với sự so sánh trực tiếp các cổ vật tộc Việt thuộc văn hóa Đông Sơn và cổ vật Hoa Hạ thuộc văn hóa nhà Thương.
a. Văn hóa tộc Việt:
Nền tảng văn hóa tộc Việt trong thời kỳ đồ đồng chính là văn hóa Đông Sơn, các di vật tại các vùng có sự sinh sống của các cư dân tộc Việt, đều là di vật của văn hóa Đông Sơn. Các di vật tại các vùng tộc Việt thể hiện sự thống nhất trên hầu hết các loại hình cổ vật, đều cùng một phong cách, kỹ thuật đúc, với di vật tìm thấy nhiều và đa dạng nhất là tại Việt Nam.
◊ Việt Nam:
Việt Nam là trung tâm của tộc Việt trong thời văn hóa Đông Sơn, hay chính là thời kỳ Hùng Vương mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên, trung tâm của tộc Việt là từ miền Bắc Việt Nam, quyền lực của trung tâm này đã tác động và lan tỏa ra 4 hướng theo sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn [43]. Văn hóa Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn thông qua các tài liệu khảo cổ, cũng có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa tộc Việt, hay chủ yếu hơn là từ vùng miền Bắc Việt Nam. [44]
Các cổ vật văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Guimet.]
◊ Hồ Nam:
Hồ Nam nằm ở phía Nam hồ Động Đình, đây là đất Tổ của cư dân tộc Việt thuộc ngữ hệ Nam Á. Vùng đất này là đất của tộc Việt cho tới khoảng 400 năm TCN, sau đó nhà Sở đã xâm lược và chiếm thành công vùng đất này, nơi đây Khuất Nguyên đã bị đày tới và sáng tác nên tập Ly Tao.
Chiến Quốc sách, khi viết về Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN) đã ghi lại: “南攻楊越,北並陳、蔡…” – “Nam đánh Dương Việt, Bắc thôn tính Trần, Sái” [45]. Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép: “Hùng Cừ (vua Sở) rất được lòng dân miền Giang Hán, liền đem quân đánh các nước Dung, Dương Việt.”. [46]
Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4, 5]
◊ Quý Châu:
Quý Châu trong thời kỳ Đông Sơn là địa bàn sinh sống của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, với hậu duệ là người Bố Y ngày nay, người Bố Y hiện tại vẫn tiếp tục kế thừa văn hóa trống đồng cổ đại của dân tộc mình. Tại Quý Châu cũng là nơi tìm thấy rất nhiều các cổ vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
Các cổ vật đặc trưng văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Quý Châu. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quý Châu]
◊ Quảng Đông:
Quảng Đông là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Nam Á, hiện nay hầu hết các cư dân tộc Việt tại đây đã bị đồng hóa thành người Hán, nhưng vùng này vẫn giữ được phương ngữ riêng và vẫn kế thừa nhiều nét văn hóa riêng của cộng đồng tộc Việt. Tại đây cũng có nền tảng chính là văn hóa Đông Sơn với rất nhiều cổ vật được tìm thấy có phong cách Đông Sơn.
Các cổ vật đặc trưng văn hóa Đông Sơn tại tình Quảng Đông. [Nguồn: Bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến; Bảo tàng tỉnh Quảng Đông]
◊ Quảng Tây:
Quảng Tây là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc các hệ ngữ Tai-Kadai, hay là Tây Âu trong các tài liệu lịch sử, nơi đây cũng là quê hương của An Dương Vương, người tổ chức cuộc chiến chống lại nhà Tần của người Việt sau khi chiếm ngôi của các vị vua Hùng, cai quản nước Văn Lang cũ trong vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Hải Nam.
Các cổ vật Đông Sơn tìm thấy tại Quảng Tây. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quảng Tây, Bảo tàng Châu giang]
◊ Vân Nam:
Vân Nam nổi tiếng nhất với văn hóa Điền Việt, đây là nơi sinh sống của cư dân Nam Á, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cộng đồng tộc Việt. Ở một vị trí có sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa rất phức tạp, nên văn hóa Điền Việt có sự pha trộn với nhiều nền văn hóa khác như văn hóa Trung Á, Ba Thục, Hoa Hạ, tuy nhiên nền tảng văn hóa chính vẫn là văn hóa tộc Việt.
Các cổ vật của văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Bảo tàng thành phố Côn Minh, Bảo tàng thành phố Ngọc Khê.]
◊ Chiết Giang:
Chiết Giang cũng là nơi sinh sống của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt, vùng đất này tuy đã thuộc về người Hoa Hạ trong thời gian dài, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy được những đặc trưng văn hóa Đông Sơn hiện diện rõ nét tại đây.
Rìu đồng và chuông trống Đông Sơn tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang; 2. [47]]
b. Các cổ vật đặc trưng nhà Thương:
Hệ thống cố vật nhà Thương hoàn toàn khác với các cổ vật của cộng đồng tộc Việt, kể cả về kỹ thuật luyện kim và đúc đồng, hình dáng, loại hình, chức năng đều không giống với cổ vật của tộc Việt. Vì vậy, muốn tìm hiểu về sự ảnh hưởng của văn hóa nhà Thương đối với các vùng khác, phải dựa trên hệ thống cổ vật của văn hóa này. Sự ảnh hưởng tiêu biểu có thể kể tới vùng Ba Thục, vùng này có những ảnh hưởng của các hoa văn, phong cách cổ vật của nhà Thương, được thể hiện rõ trong các cổ vật của văn hóa Tam Tinh Đôi của nước Thục cổ đại. [48]. Trong thực tế, thì khảo cổ học hoàn toàn không tìm thấy những ảnh hưởng của văn hóa nhà Thương trong vùng Lĩnh Nam, đối với các chư hầu, yêu cầu phải theo văn hóa Trung Nguyên càng cao, vì vậy, nếu thực sự có một phương quốc, thì phương quốc đó phải có ảnh hưởng của văn hóa nhà Thương, được thể hiện trực tiếp trên các cổ vật. Vì vậy, hoàn toàn không đủ cơ sở để bàn về sự ảnh hưởng của nhà Thương đối với vùng Lĩnh Nam trong thời kỳ triều đại này tồn tại.
Các cổ vật đặc trưng nhà Thương. [Nguồn: Metropolitan Museum of Art]
2. Văn hóa tộc Việt và những ảnh hưởng tới nhà Thương:
Nhà Thương có ảnh hưởng nào tới văn hóa Việt không? Câu trả lời là không! Văn hóa tộc Việt trong thời kỳ đồ đồng là văn hóa Đông Sơn, những cổ vật đã thể hiện rõ sự thống nhất của văn hóa tộc Việt trong vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam như chúng tôi đã dẫn ở trên. Ngược lại, thì nhà Thương đã chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt, trong các thời kỳ văn hóa Lương Chử và văn hóa Thạch Gia Hà. Ảnh hưởng thể hiện rõ và sâu sắc nhất, chính là motif Thao Thiết có nguồn gốc từ văn hóa Lương Chử, motif này xuất hiện trên rất nhiều loại hình cổ vật của nhà Thương, trong đó quan trọng nhất là những chiếc đỉnh đồng, cốt lõi văn hóa của người Hoa Hạ.
Hình vị thần, hay mặt nạ thao thiết (taotie) theo cách gọi của các nhà khảo cổ Trung Hoa có nguồn gốc từ văn hóa Lương Chử, vị thần trong văn hóa Lương Chử đã có sự ảnh hưởng lớn tới văn hóa của nhà Thương, với các mô hình thao thiết được khắc họa trên rất nhiều đồ đồng của nhà Thương, trong đó là hầu hết các đỉnh đồng, cổ vật cốt lõi của văn hoá Hoa Hạ.
Vị thần văn hóa Lương Chử. [49]
Motif thao thiết xuất hiện trên rất nhiều đồ đồng văn hóa nhà Thương. [50]
Viên ngọc với motif Thao Thiết của nhà Thương chịu ảnh hưởng của văn hóa Lương Chử. [51]
Rìu lễ khí là đặc trưng của văn hóa tộc Việt, rìu lễ khí có nguồn gốc chính từ vùng Dương Tử, sớm nhất là văn hóa Cao Miếu, tới thời văn hóa Lương Chử đã phát triển rất đa dạng về số lượng và ảnh hưởng tới các văn hóa phía Bắc, trong đó có văn hóa Hoa Hạ. Nhà Thương tuy không phải tộc Việt nhưng cũng đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Lương Chử, triều đại này đúc và sử dụng rìu lễ khí tương tự như của tộc Việt. Trên các rìu đồng từ thời Thương tới thời Tây Chu cũng thường xuyên xuất hiện motif Thao Thiết ảnh hưởng từ văn hóa Lương Chử.
Rìu ngọc lễ khí Lương Chử và rìu ngọc, đồng của nhà Thương. [1. Christie’s, dẫn; 2. [51]; 3. [50]]
Ngọc hình người là một trong những đặc trưng quan trọng của văn hóa Thạch Gia Hà, các tượng ngọc hình người được tìm thấy rất phổ biến trong các di chỉ của văn hóa này, được chế tác tinh xảo, có tính nghệ thuật cao, ảnh hưởng khá sâu sắc tới văn hóa của các triều đại Hoa Hạ và các văn hóa vùng Hoa Bắc.
Tượng người bằng ngọc nhà Thương (phải) học hỏi từ tượng người ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (trái). [50]
Ngọc hình đầu người Thạch Gia Hà và ngọc nhà Thương. [1. Christie’s, dẫn; 2,3: [51]]
Ngọc đầu người văn hóa Thạch Gia Hà và ngọc hình người nhà Thương. [Nguồn: 1: [52]; 2,3 [51]]
Ngoài những cổ vật này, còn rất nhiều cổ vật khác đã thể hiện sự ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa nhà Thương, mà chúng tôi đã khảo cứu trong một bài viết khác, những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới nhà Thương hay các văn hóa, triều đại của Hoa Hạ nói chung là rất sâu sắc và lâu dài. [53]
3. Kết luận:
Thông qua khảo cứu khảo cổ, chúng ta thấy được rằng để xác định sự ảnh hưởng của một nền văn hóa đối với một vùng đất khác, phải dựa trên sự xác định cổ vật khảo cổ, các đặc trưng văn hóa nhà Thương không có bất cứ dấu tích nào xuất hiện trong vùng phía nam sông Dương Tử, dấu tích duy nhất của họ trong vùng Dương Tử chính là văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng) trong vùng Hồ Bắc (phía Bắc hồ Động Đình) (nhưng vùng đất này sau đó đã được tộc Việt chiếm lại, đồng thời với sự biến mất của văn hóa này). Ngược lại, chúng ta có thể bàn về những nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt: Lương Chử, Thạch Gia Hà với các văn hóa của nhà Thương và các triều đại Hoa Hạ sau này. [53]
VI. Một số vấn đề liên quan tới các luận điểm của người Trung Quốc:
1. Người Bách Việt có thực sự chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc hay không?
Trong quan điểm của mình, người Trung Quốc cho rằng các bộ tộc Việt khác đã quy thuận theo họ, nhưng trong thực tế lịch sử, họ có chịu quy thuận sự cai trị của người Hoa Hạ hay không? Câu trả lời là không! Các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt không hề chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc, trong vùng nam Đông Á thường xuyên diễn ra các cuộc khởi nghĩa của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho sự chiến đấu quật cường của người Việt, đó là những người Việt trong vùng Dương Tử, được sử sách Trung Hoa gọi là Sơn Việt. Đây là những người Việt không chấp nhận sự cai trị của người Hán, đã lui về trên núi, tổ chức các cuộc chiến tranh chống lại các triều đình Hoa Hạ. Các nghiên cứu lịch sử đều đồng thuận cho rằng người Sơn Việt có địa bàn hoạt động trong các vùng núi xung quanh các tỉnh An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay. [54]. Người Sơn Việt cư ngụ trên các vùng núi, thực hiện những cuộc chiến tranh du kích tiêu hao sinh lực các chính quyền Hoa Hạ, trong sách Tam Quốc Chí, Trần Thọ đã rất nhiều lần nhắc tới các cuộc khởi nghĩa, đánh phá của người Sơn Việt [55]. Tuy nhiên sau đó, vào thời Tam Quốc, dưới sự cai trị của nhà Ngô, thì Tôn Quyền đã sử dụng bạo lực để áp chế người Sơn Việt. Tuy thất bại, nhưng đây là một tia sáng rõ nét trong bức tranh phủ đầy một màu tối của cộng đồng tộc Việt, khi họ chìm dưới sự đô hộ của người Hoa Hạ. Những ánh lửa quật cường vẫn tiếp tục được người Việt duy trì trong một thời gian dài, tuy người Việt ở đồng bằng đã bị đồng hóa, nhưng cho tới tận ngày nay, vẫn còn nhiều dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt hiện vẫn là những dân tộc độc lập, không bị người Hán đồng hóa, giữ được những nét văn hóa cổ đại của dân tộc mình.
Trong thời kỳ trung đại, vẫn tiếp tục diễn ra những cuộc khởi nghĩa giành độc lập của người Việt, tiêu biểu nhất chính là cuộc khởi nghĩa của Nùng Trí Cao, từ vùng đất Tây Âu xưa, ông đã tổ chức một cuộc chiến tranh nhằm giành độc lập từ nhà Tống. Theo các ghi chép từ Tống Sử và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì Nùng Trí Cao khởi nghiệp tại vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc ngày nay, ở châu Quảng Nguyên, đây là nơi sinh sống của cư dân có nguồn gốc tộc Việt, với phong tục kế thừa từ văn hóa tộc Việt: “Người man ở châu Quảng Nguyên là họ Nùng. Châu ấy ở đầu nguồn sông Úc Giang, tây nam Ung Châu, đất cheo leo hiểm trở, sản hoàng kim, đan sa, có rất nhiều bộ lạc tụ cư thành ấp. Tục ở đó dân búi tóc cao, để vạt áo bên trái, giỏi đánh nhau, khinh chết hiếu loạn.” [56].
Châu Quảng Nguyên vốn là đất của Đại Việt, bị nhà Tống chiếm, sau đó qua tài bang giao khéo léo của nhà Lý, nhà Tống đã hoàn trả lại vùng đất này cho Đại Việt [57]. Nùng Trí Cao nuôi dưỡng ý định lập một quốc gia riêng cho người Tày – Nùng, nhưng nhận thấy Đại Việt không phải là nơi ông có thể lập quốc gia riêng, do những lần mưu đồ chiếm các vùng đất Việt đều thất bại, thêm nữa đó là sự đối đãi tử tế của triều đình nhà Lý, nên ông đã chuyển hướng sang vùng Quảng Tây, nơi sinh sống của người Tày, Nùng, Choang đồng tộc bên kia biên giới, móc nối với họ để tiến hành những cuộc chiến tranh để lập nên quốc gia riêng cho tộc người của mình.
Trí Cao nhận được sự hậu thuẫn của các thủ lĩnh người Nùng ở vùng Quảng Tây như Nùng Trí Trung, Nùng Kiến Hậu, giúp thanh thế của Nùng Trí Cao càng dâng cao. Ông đánh Ung Châu, sau đó chiếm được 9 châu của các vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Sau đó, Nùng Trí Cao tiến đánh Quảng Châu, mục đích để lập kinh đô đất nước của người Tày – Nùng tại đây, nhưng thất bại. Nùng Trí Cao đổi hướng đánh lên phía Bắc và sang phía Tây, sau đó lại tiếp tục tổ chức quân đội tấn công Quảng Châu. Tướng nhà Tống là Địch Thanh đã có những can ngăn khiến vua Tống tuy đã đồng ý sự trợ giúp của Đại Việt, nhưng sau đó lại từ chối, vua Tống cũng chấp nhận biểu xin lĩnh chức Tiết độ sứ Ung Châu và Quý Châu của Nùng Trí Cao, nhưng Địch Thanh lại can ngăn và xin trực tiếp đem quân xuống đánh, sử dụng mưu kế để đánh bại Nùng Trí Cao, Nùng Trí Cao thất bại, sau đó bỏ chạy sang nước Đại Lý, Đại Việt đem quân sang ứng cứu nhưng không kịp.
Cuộc khởi nghĩa của Nùng Trí Cao với ấp ủ lập nên một quốc gia riêng như vậy đã hoàn toàn thất bại. Nhưng qua cuộc khởi nghĩa này, chúng ta đã thấy được rằng các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt trong vùng Quảng Tây không hề chấp nhận sự cai trị của người Hán, mà luôn mong muốn lập một quốc gia riêng. Khi Nùng Trí Cao từ biên giới Việt – Trung có ý định hướng sang vùng Lĩnh Nam, thì người Tày – Nùng tại đây đã thể hiện sự quy thuận với ý chí của Nùng Trí Cao, các thủ lĩnh của người Tày Nùng tại vùng Quảng Tây là Nùng Trí Trung và Nùng Kiến Hậu đã ủng hộ và góp quân cho Nùng Trí Cao.
Nùng Trí Cao sau đó được người Tày – Nùng – Choang tôn lên làm “Vua Nùng” và dựng miếu thờ. Ngày 3 tháng 3 hàng năm là ngày kỷ niệm về Nùng Trí Cao, là ngày hội chính của dân tộc Choang. [58]. Người Choang được cho là thờ Lạc Việt Vương, là hậu duệ của phương quốc Lạc Việt, nhưng lại ấp ủ “mưu đồ” tách khỏi “các vương triều trung ương“, không quy thuận người Hán, thì cái gọi là “phương quốc Lạc Việt” không có cơ sở nào từ trong chính lịch sử của người Choang vậy. Cho tới ngày nay, người Choang vẫn tiếp tục là một dân tộc riêng, được lập khu tự trị tại vùng Quảng Tây, địa bàn chính của họ. Người Choang chấp nhận những “phong tục” mới như thờ Lạc Việt Vương, chấp nhận về “phương quốc Lạc Việt”, nói một cách thẳng thắn, đó là một hành động quên lãng cội nguồn của chính dân tộc mình của người Choang.
2. Chủ quyền của người Việt đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa:
“Phương quốc Lạc Việt” do Lương Đình Vọng đề xuất cũng cho rằng phương quốc này cai quản cả các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng các tài liệu lịch sử Trung Quốc đều công nhận các vùng đảo tại biển Đông thuộc chủ quyền của Giao Chỉ, Giao Châu.
Theo khảo cứu của tác giả Trương Minh Dục trong tác phẩm “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, [59] thì các tài liệu lịch sử Trung Hoa đều công nhận chủ quyền của các vùng đảo trong biển Đông là của người Việt.
Giao Châu dị vật chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25-220 SCN) nói về những điều lạ của xứ nước ngoài mô tả địa danh Trướng Hải như sau: “Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra”.
Đến thời Tam Quốc (năm 220-265), Vạn Chấn viết cuốn Nam Châu dị vật chí mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông. Đây là cuốn sách ghi chép lại những điều lạ ở nước ngoài, không phải điều lạ ở Trung Quốc.
Thời kỳ 785-805 thời nhà Đường, Giã Đam làm sách Tứ di lộ trình ghi đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai (Malabar) không thấy đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng dưới đời Đường có sách Đường thư nghệ văn chí đề cập tới cuốn Giao Châu dị vật chí của Dương Phù chép những chuyện kỳ dị, những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được.
Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam).
Đời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tạo lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư phiên đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam.
Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác, Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ. Bản đồ vào thời nhà Minh cũng cho thấy lãnh thổ của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, chứ không phải các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản đồ Đại Minh hỗn nhất đồ thể hiện rõ lãnh thổ phía nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. [Nguồn: SCMP qua Vietnamnet]
Chính vì vậy, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở để có thể tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lịch sử của họ cũng công nhận các quần đảo này thuộc chủ quyền của nước Việt được họ gọi dưới các tên Giao Châu, Giao Chỉ.
VII. Kết luận:
Với những khảo cứu của chúng tôi, có thể thấy rất rõ ràng vấn đề rằng người Việt phía nam sông Dương Tử phát triển độc lập với người Hoa Hạ ở phía Bắc, họ xem người Việt là man di, gọi họ là Nam Man, cho rằng đó là tộc người chưa được giáo hóa, không có văn minh, hoàn toàn không công nhận về sự liên hệ, lãnh thổ người Hoa Hạ cho tới thời Thương – Chu cũng không vượt quá sông Dương Tử, các đặc trưng văn hóa của nhà Thương cũng chỉ nằm tại vùng bắc Đông Á, vậy thì phương quốc Lạc Việt của Lương Đình Vọng đề xuất có tồn tại hay không? Câu trả lời đã rất rõ ràng là không.
Người Hoa Hạ ở các triều đại Sở – Tần – Hán mới bắt đầu xâm chiếm các vùng đất của cộng đồng tộc Việt, tới thời nhà Hán mới chiếm gọn được đất đai của tộc Việt, sáp nhập và lãnh thổ của họ, trong cuộc xâm lược xuống Lĩnh Nam của nhà Tần, thì cũng chính người Tây Âu, với hậu duệ trực tiếp là người Choang, là những người lãnh đạo cuộc chiến chống Tần, nếu là một phương quốc, tại sao họ phải chống cự mà không “quy thuận triều đình trung ương” như cách Lương Đình Vọng nói? Kể cả các tài liệu di truyền, khảo cổ, lịch sử, đều phủ nhận về sự tồn tại của “phương quốc Lạc Việt”.
Những toan tính của người Trung Quốc với việc lập nên “phương quốc Lạc Việt” là rất rõ ràng, nhằm mục đích có cơ sở để tuyên bố về chủ quyền với đất đai của người Việt, với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nó còn mở rộng hơn tầm ảnh hưởng, khi khiến không chỉ người Việt hiểu nhầm nguồn gốc, phủ nhận sự liên hệ giữa người Việt với người Bách Việt, mà còn đánh lạc hướng nhận thức về nguồn gốc của các dân tộc trong vùng Lĩnh Nam, lịch sử cổ đại của tộc Việt vốn đã chưa rõ ràng, lại càng rắc rối hơn với thuyết này. Nhưng tất cả các tài liệu di truyền, khảo cổ đều chứng minh ngược lại những giả thuyết mà Lương Đình Vọng và nhóm nghiên cứu của ông đã đề xuất.
Người Việt cũng có đầy đủ cơ sở về chủ quyền đối với vùng đất phía Nam Trung Quốc ngày nay, nếu xét đúng bản chất lịch sử, thì câu của người Trung Quốc cần sửa lại cho đúng: “các dân tộc và người Hán nam Đông Á cần trở về với người Việt”, vì chỉ có người Việt mới là những người anh em thực sự của họ, cả về lịch sử, di truyền, văn hóa, người Việt là hậu duệ duy nhất còn độc lập của cộng đồng này, là những người kế thừa truyền thống tộc Việt [32]. Người Hoa Hạ xét một cách sâu sắc, cũng chỉ là những kẻ xâm lược các vùng đất của người Việt, thực hiện những chính sách đồng hóa, cai trị, bóc lột đối với cộng đồng tộc Việt, họ đã xâm phạm chủ quyền chính thống của cộng đồng tộc Việt, xâm phạm, chiếm đóng một quốc gia có chủ quyền, chứ không phải đi vào một vùng đất không người. Hiện tại, trong vùng nam Dương Tử ngoại trừ những người ở đồng bằng, thì hiện vẫn còn nhiều dân tộc hoàn toàn không bị ảnh hưởng và đồng hóa bởi người Hán vẫn sinh sống trong các vùng cao, vẫn giữ gìn những nét văn hóa cổ đại của tộc Việt, trong lịch sử, cũng diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt chống lại triều đình Hoa Hạ, vậy nên, không thể nói rằng tộc Việt chấp nhận quy thuận theo người Hán.
Những toan tính của Trung Quốc thường rất bài bản và căn cơ, mặc dù không có cốt lõi sự thật, nhưng họ luôn biết cách để tạo nên những “bằng chứng” từ hư vô, biến cái vô hình trở thành hữu hình, để tuyên truyền rộng rãi và bài bản trong nước và trên cả bình diện quốc tế, nhằm biến sai thành đúng, tuyên bố chủ quyền với những thứ không phải của mình, tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền sai trái về chủ quyền các vùng biển đảo mà họ đang chiếm đóng phi pháp. Chúng tôi theo dõi các nghiên cứu khoa học quốc tế, nhận thấy rằng trong rất nhiều các nghiên cứu, người Trung Quốc luôn cố gắng gắn đường chín đoạn vào các bản đồ, mà không gặp phải sự kiểm duyệt của các tạp chí quốc tế, bên cạnh những hoạt động ngoại giao rất năng động và có hiệu quả, chính phủ Việt Nam cũng cần lên tiếng với các tạp chí nghiên cứu quốc tế, để bảo vệ chủ quyền của đất nước, bởi các nghiên cứu quốc tế sẽ có sức tác động rất rộng đối với giới nghiên cứu, lâu dài sẽ có những tác động tiêu cực tới nhận thức chung của thế giới về chủ quyền vùng biển Đông.
Tựu chung lại, thì cái gọi là “phương quốc Lạc Việt” không có bất cứ cơ sở thực tế nào hỗ trợ chứng minh, người Trung Quốc đã tạo nên nó từ hư vô nhằm mục đích chính trị, đánh đúng vào điểm yếu cổ sử của tộc Việt, nhằm khiến người Việt và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt trong vùng nam Đông Á hiểu nhầm về nguồn gốc của mình. Cũng đã tới lúc, chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc mình, nhận diện chính xác và khoa học những di sản của dân tộc mình, người Trung Quốc luôn cố gắng tuyên truyền Việt Nam là đất đai của họ, thì chúng ta cũng cần bằng những bằng chứng khoa học không thể chối cãi chứng minh ngược lại vùng đất phía Nam sông Dương Tử đã từng là của người Việt, điều này không chỉ thể hiện đúng bản chất lịch sử, có lợi cho người Việt trong vấn đề chủ quyền, mà còn là một cuộc cách mạng nhận thức về nguồn gốc, nâng cao ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt, chúng tôi tin tưởng rằng đó sẽ là nền tảng tạo nên sức bật rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Anh Hải (2019), Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’
nghiencuuquocte.org/2019/08/04/bac-bo-luan-dieu-lang-tu-hoi-dau/
[2] Nhân dân nhật báo (Sina), Tin Đảng: Trung Quốc cho Việt Nam một cơ hội khác để thuyết phục đứa con hoang đàng quay trở lại sớm 党报:中国再给越南机会奉劝浪子早回头.
http://mil.news.sina.com.cn/2014-06-19/0808785650.html
[3] Nguyễn Hải Hoành (2019), Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mưu đồ chính trị
nghiencuuquocte.org/2019/08/16/trung-quoc-nghien-cuu-lich-su-phuc-vu-muu-do-chinh-tri/#_ftn1
[4] Nhân dân Nhật báo, Cuốn sách mới “Luo Yue Fang Guo Studies” lần đầu tiên công bố rằng Wuming là Trung tâm Văn hóa Luo Yue 新书《骆越方国研究》首发宣布 武鸣是骆越文化中心
gx.sina.com.cn/news/nn/2018-04-23/detail-ifznefki0342620.shtml
[5] Lương Đình Vọng 梁庭望. Nghiên cứu về phương quốc Lạc Việt 骆越方国研究. Nhà xuất bản Quốc gia 月民族出版社, 2017.
[6] Nguyễn Hải Hoành (2019), Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt: Một số điều đáng lưu ý
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Nghien-cuu-Phuong-quoc-Lac-Viet-Mot-so-dieu-dang-luu-y-18524
[7] Lương Đình Vọng 梁庭望. Nghiên cứu văn bản về phương quốc Lạc Việt cổ 古骆越方国考证[J]. Tạp chí Đại học Bách Sắc 百色学院学报,2014,27(03):33-41.
[8] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/
[9] Ning, C., Li, T., Wang, K. et al. Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nat Commun 11, 2700 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-16557-2
[10] Li H (2005) Genetic Structure of Austro-Tai Populations. School of Life Science. Fudan, Shanghai.
[11] Unger, J. Marshall. “The Peopling of East Asia: Putting Together Archaeology, Linguistics and Genetics . Edited by Laurent Sagart, Roger Blench, & Alicia Sanchez-Mazas.” Diachronica 24, no. 1 (2007): 199–204. doi:10.1075/DIA.24.1.14UNG.
[12] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China
[13] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003
[14] Chen P, Wu J, Luo L, et al. Population Genetic Analysis of Modern and Ancient DNA Variations Yields New Insights Into the Formation, Genetic Structure, and Phylogenetic Relationship of Northern Han Chinese. Front Genet. 2019;10:1045. Published 2019 Oct 30. doi:10.3389/fgene.2019.01045
[15] Mark Zlojutro, Larissa A. Tarskaia, Mark Sorensen, J. Josh Snodgrass, William R. Leonard & Michael H. Crawford (2008) The Origins of the Yakut People: Evidence from Mitochondrial DNA Diversity, International Jo
[16] Juncen Liu, Wen Zeng, Bo Sun, Xiaowei Mao, Yongsheng Zhao, Fen Wang, Zhenguang Li, Fengshi Luan, Junfeng Guo, Chao Zhu, Zimeng Wang, Chengmin Wei, Ming Zhang, Peng Cao, Feng Liu, Qingyan Dai, Xiaotian Feng, Ruowei Yang, Weihong Hou, Wanjing Ping, Xiaohong Wu, E. Andrew Bennett, Yichen Liu, Qiaomei Fu, Maternal genetic structure in ancient Shandong between 9500 and 1800 years ago, Science Bulletin, Volume 66, Issue 11, 2021, Pages 1129-1135, ISSN 2095-9273, https://doi.org/10.1016/j.scib.2021.01.029.urnal of Human Genetics, 8:1-2, 119-130, DOI: 10.1080/09723757.2008.11886024
[17] Jungeun Kim, Sungwon Jeon, Jae-Pil Choi, Asta Blazyte, Yeonsu Jeon, Jong-Il Kim, Jun Ohashi, Katsushi Tokunaga, Sumio Sugano, Suthat Fucharoen, Fahd Al-Mulla, Jong Bhak, The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences, Genome Biology and Evolution, Volume 12, Issue 5, May 2020, Pages 553–565, https://doi.org/10.1093/gbe/evaa062
[18] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD
[19] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.
[20] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives, 47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004
[21] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
[22] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
[23] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
[24] Khổng Tử, Lễ Ký, Khúc Lễ Hạ. https://ctext.org/liji/qu-li-ii
[25] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, quyển XXXVI, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005, trang 393, 394.
[26] Sử ký Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên (Phan Ngọc dịch), NXB Văn Học, 2003.
[27] Hậu Hán Thư, Nhâm Diên truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).
[28] Lý Phưởng (thời Tống). Thái Bình Ngự Lãm. https://ctext.org/text.pl?node=409512&filter=612947&searchmode=showall&if=gb#result
[29] Phan Anh Dũng. Lại bàn về nguồn gốc người Việt. http://fanzung.com/?p=2141
[30] Trịnh Tiêu (thời Tống). Thông Chí. https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=229778&remap=gb#p42
[31] Tích Dã, Truyền kỳ về nước Việt Thường thời xưa
https://nghiencuulichsu.com/2020/10/05/truyen-ky-ve-nuoc-vie%CC%A3t-thuong-thoi-xua/
[32] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/
[33] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2
[34] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[35] Zhang H, He G, Guo J, Ren Z, Zhang H, Wang Q, Ji J, Yang M, Huang J, Wang CC. Genetic diversity, structure and forensic characteristics of Hmong-Mien-speaking Miao revealed by autosomal insertion/deletion markers. Mol Genet Genomics. 2019 Dec;294(6):1487-1498. doi: 10.1007/s00438-019-01591-7. Epub 2019 Jul 16. PMID: 31312894.
[36] He G, Wang M, Zou X, Chen P, Wang Z, Liu Y, Yao H, Wei L-H, Tang R, Wang C-C and Yeh H-Y (2021) Peopling History of the Tibetan Plateau and Multiple Waves of Admixture of Tibetans Inferred From Both Ancient and Modern Genome-Wide Data. Front. Genet. 12:725243. doi: 10.3389/fgene.2021.725243
[37] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.
[38] Liu S, Huang S, Chen F, Zhao L, Yuan Y, Francis SS, Fang L, Li Z, Lin L, Liu R, Zhang Y, Xu H, Li S, Zhou Y, Davies RW, Liu Q, Walters RG, Lin K, Ju J, Korneliussen T, Yang MA, Fu Q, Wang J, Zhou L, Krogh A, Zhang H, Wang W, Chen Z, Cai Z, Yin Y, Yang H, Mao M, Shendure J, Wang J, Albrechtsen A, Jin X, Nielsen R, Xu X. Genomic Analyses from Non-invasive Prenatal Testing Reveal Genetic Associations, Patterns of Viral Infections, and Chinese Population History. Cell. 2018 Oct 4;175(2):347-359.e14. doi: 10.1016/j.cell.2018.08.016. PMID: 30290141.
[39] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/
[40] Lang Linh (2021), An Dương vương trong dòng lịch sử tộc Việt
https://luocsutocviet.com/2020/12/29/504-an-duong-vuong-trong-dong-lich-su-toc-viet/
[41] Lưu An (đời Hán), Hoài Nam Tử, Nhân gian luận. https://ctext.org/huainanzi/ren-xian-xun
[42] Trần Việt Bắc (2007), Giao Chỉ và Tượng Quận
https://nghiencuulichsu.com/2019/01/17/giao-chi-va-tuong-quan/
[43] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/
[44] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/
[45] Phan Anh Dũng (2020), Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử
vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su
[46] Tư Mã Thiên (thời Hán). Sở thế gia. Sử Ký.
http://www.guoxue.com/book/shiji/0040.htm
[47] Yang Yong 杨勇. Trên những chiếc trống đồng nhỏ được khai quật từ các lăng mộ Tây Hán ở Thượng Sơn, Anji, Chiết Giang 论浙江安吉上马山西汉墓出土的小铜鼓[J]. Văn hóa Đông Nam 东南文化,2017(01):90-95.
[48] Lang Linh (2021), Văn hóa Ba Thục với văn hóa tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/04/09/523-van-hoa-ba-thuc-voi-van-hoa-toc-viet/
[49] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD
[50] Lopes, Rui. (2014). Securing the Harmony between the High and the Low: Power Animals and Symbols of Political Authority in Ancient Chinese Jades and Bronzes. Asian Perspectives. 53. 195-225. 10.1353/asi.2014.0019.
https://www.researchgate.net/publication/287955376_Securing_the_Harmony_between_the_High_and_the_Low_Power_Animals_and_Symbols_of_Political_Authority_in_Ancient_Chinese_Jades_and_Bronzes
[51] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1: Neolithic Period·Shang Dynasty Western Zhou·Spring and Autumn Period·Warring States Period.
[52] Xiang Qifang 向其芳. Khám phá khảo cổ học của di chỉ Thạch Gia 石家河大遗址的考古探索历程[J].大众考古,2018(08):31-39.
[53] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/
[54] Jian Bozan, The Outline of Chinese History, Peking University Press (2006)
[55] Trần Thọ, Tam Quốc chí, Bùi Thông (biên dịch). Nhà xuất bản Văn học, 2016.[56] Tống Thư, An Nam truyện, biên dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).
[57] Hồ Bạch Thảo (2018) Cuộc đấu tranh đầu tiên đòi lại đất trong lịch sử bang giao Việt Trung (Phần 3)
https://nghiencuulichsu.com/2018/11/28/cuoc-dau-tranh-dau-tien-doi-lai-dat-trong-lich-su-bang-giao-viet-trung-phan-3/
[58] Trần Việt Bắc (2014), Nùng Trí Cao nổi dậy (960-1279)
https://nghiencuulichsu.com/2014/05/08/nung-tri-cao-noi-day-960-1279/
[59] Trương Minh Dục, Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà xuất bản Tri Thức (2013).