551. ☀ Khảo cứu về chữ Việt cổ từ những tư liệu khảo cổ

Chúng tôi đã thực hiện một bài khảo cứu về chữ viết của người Việt trong triều đại Hùng Vương hay thời kỳ văn hóa Đông Sơn [1], các tài liệu khảo cổ tại Việt Nam cho thấy trong thời kỳ văn hoá Đông Sơn, người Việt không chỉ có một mà có tới hai hệ thống chữ viết riêng biệt, một dạng là chữ tượng hình và một dạng là chữ tượng thanh, các bằng chứng từ các di vật khảo cổ này đã phủ định các lập luận cho rằng người Việt không có chữ viết.

Trong quá trình mở rộng hơn không gian của văn hóa Đông Sơn, hướng về các nền văn hóa gốc nguồn của người Việt trong vùng Dương Tử và bắc Đông Á, chúng tôi đã tìm thấy được những tư liệu rất quan trọng, cho thấy nguồn gốc và sự kế thừa chữ viết qua các giai đoạn của tộc Việt, ở cả hai loại chữ là tượng hình và tượng thanh được khắc hoạ trên di vật của văn hóa Đông Sơn trong các nền văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Á cổ đại. Đây là lý do để chúng tôi tiếp tục viết thêm một bài khảo cứu về chữ viết của tộc Việt, mở rộng không gian nghiên cứu hơn để cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin quan trọng về chữ viết của người Việt trong thời kỳ tiền Bắc thuộc. Những nghiên cứu mà chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc sau đây có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về chữ viết của người Việt qua các giai đoạn lịch sử.

Vì không phải là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên nghiệp, nên những điều được chúng tôi truyền tải trong bài viết này chỉ là tổng quan dựa trên các nghiên cứu di truyền về các dòng di cư, các tài liệu khảo cổ về chữ viết được tổng hợp qua các cuộc khai quật, cũng như so sánh, đối chiếu để thấy được sự kế thừa qua đặc trưng loại hình chữ viết, chúng tôi rất hy vọng rằng, bài viết sẽ là cơ sở cung cấp dữ liệu để những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học có thể tiến hành khảo cứu chuyên sâu về chữ viết của người Việt, giải mã ý nghĩa các văn tự nhằm đưa ra ánh sáng nguồn gốc và sự hình thành chữ viết của người Việt cổ, với một mục tiêu xa và lâu dài hơn đó là khôi phục và đưa các dạng chữ này trở lại với đời sống của người Việt.

I. Cơ sở nghiên cứu về chữ viết của người Việt:

Để xác định cơ sở nghiên cứu về nguồn gốc của chữ viết của người Việt, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày lại các nghiên cứu di truyền để thấy được các dòng di cư, sự tương tác và hòa huyết, đây sẽ là cơ sở rất quan trọng cho thấy sự kế thừa liên tục của các nền văn hóa, từ đó xác định sự kế thừa của các đặc trưng văn hóa và chữ viết.

Theo các nghiên cứu di truyền, thì cư dân Đông Nam Á cổ đại có nguồn gốc từ châu Phi, di cư sang vùng Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước [2][3], tới khoảng 12000 năm trước, thì cư dân văn hóa Đông Nam Á cổ đại đã di cư lên vùng phía Bắc [4][5][6][7], trong đó hai địa bàn chủ yếu của họ là vùng nam Đông Á (đồng bằng sông Dương Tử) và vùng bắc Đông Á (đồng bằng sông Hoàng Hà), hình thành nên các văn hóa lớn trong vùng nam Đông Á và bắc Đông Á: văn hóa Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (Majiabang, 5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) nam Đông Á, và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) trong vùng bắc Đông Á.

Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc vào thời điểm hơn 10.000 năm trước ngày nay của người cổ Đông Nam Á. [8]

Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)

Theo nghiên cứu di truyền của Chao Ning et al. 2020 cho thấy dòng di cư từ vùng Dương Tử lên vùng bắc Đông Á [9], bên cạnh đó, thì cư dân Đông Á cũng có sự tương tác, giao lưu và hòa huyết liên tục trong thời gian tồn tại [10]. Tới khoảng 5300 năm trước, thì cư dân bắc Đông Á đã di cư về vùng Dương Tử để hình thành tộc Việt với các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. [10]

Tới thời điểm 4000 năm trước, theo các nghiên cứu di truyền [11][12] thì cư dân tộc Việt trong vùng Dương Tử đã di cư về vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo do hạn hán diễn ra vào khoảng 4200 năm trước [13]. Cư dân Nam Á di cư về vùng Đông Nam Á lục địa và cư dân Nam Đảo di cư về vùng Đông Nam Á hải đảo. Nhóm chính của cộng đồng tộc Việt đã di cư về Việt Nam, hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên.

Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại. [12]

Bản đồ phân tán các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai và Hán-Tạng. [14]

Các nghiên cứu di truyền cũng cho thấy một dòng di cư về phía Nam vào thời kỳ đồ đồng [11][12], đây là cơ sở để chúng tôi giả thuyết rằng đã có một cuộc di cư về phía Bắc của cư dân văn hóa Phùng Nguyên vào thời điểm 3500 năm trước, hình thành nên văn hóa Ngô Thành, tài liệu di truyền chúng tôi dẫn ở phần sau cũng cho thấy thành phần dân cư của văn hóa Ngô Thành chủ yếu là người Nam Á. Sau đó, các cư dân tộc Việt trong vùng Dương Tử đã di cư trở lại miền Bắc Việt Nam để hình thành văn hóa Đông Sơn, các tài liệu khảo cổ cho thấy cư dân xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên cũng chính là cư dân xây dựng nên văn hóa Đông Sơn. [15]

Các cơ sở nghiên cứu từ các dòng di cư sẽ là cơ sở quan trọng để có thể xác định được sự kế thừa của các loại hình chữ viết tại các văn hóa, chi tiết về sự kế thừa sẽ được chúng tôi tiến hành trong phần sau của bài viết này.

II. Chữ viết của văn hóa Đông Á cổ đại, chữ viết tộc Việt và chữ viết của người Việt thời Đông Sơn:

Văn hóa Đông Á cổ đại là một nền văn hóa lớn và sớm nhất trong vùng Đông Á, bắt đầu từ thời điểm khởi đầu thời kỳ đồ đá mới, với công cụ đá được mài nhẵn, nền văn hóa Đông Á cổ đại hình thành khoảng 9000 năm TCN, cư dân Đông Á cổ đại có hai thành phần dân cư chính là cư dân rời khỏi châu Phi tới Đông Nam Á sau đó di cư lên phía Bắc mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên, thành phần thứ hai là cư dân bắc Đông Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate di cư xuống vùng bắc Đông Á hợp nhất với cư dân gốc Đông Nam Á để hình thành văn hóa Đông Á cổ đại [10]. Văn hóa Đông Á cổ đại rất đa dạng và có nhiều trung tâm phát triển, tuy nhiên về tổng thể, thì các văn hóa Đông Á cổ đại có sự liên hệ và giao tiếp với nhau rất thường xuyên, những đặc trưng văn hóa thường xuất hiện từ một vùng sau đó lan rộng ra toàn vùng Đông Á. Các ký hiệu cũng như vậy, qua các tài liệu khảo cổ có thể thấy được các văn hóa Đông Á cổ dường như đã có sự liên hệ về các ký hiệu, các ký hiệu về cơ bản có sự tương đồng với nhau. Các ký hiệu của văn hóa Đông Á cổ đại qua so sánh với các loại chữ và ký hiệu được tìm thấy ở các văn hóa Ngô Thành và Đông Sơn, chúng ta sẽ thấy được sự kế thừa và biến đổi qua các giai đoạn.

Các nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy được hai dạng chữ viết của người Việt thời Đông Sơn, đó là dạng chữ tượng hình [16] và dạng chữ tượng thanh [17], do đã trình bày cụ thể trong nghiên cứu [1], nên ở phần này, chúng tôi sẽ kết hợp cả các nghiên cứu khảo cổ trong vùng Đông Á cổ đại và văn hóa Đông Sơn để từ đó thấy được sự kế thừa của chữ viết trong các nền văn hóa, không đi sâu chi tiết vào chữ viết của thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

1. Các ký hiệu hình vẽ của văn hóa Đông Á cổ:

Chữ viết hình, vẽ (hay văn tự đồ họa) (pictogramme, écriture pictographique) được coi là thuộc giai đoạn sớm nhất của lịch sử văn tự. Chữ viết hình vẽ (pictogramme) thường được coi là thứ chữ viết không phải truyền đạt lời nói mà truyền đạt trực tiếp nội dung của tư duy, nó không phản ánh hình thức của ngôn ngữ, và phương tiện của nó thường là các hình vẽ cụ thể chứ không phải là ký hiệu quy ước. [18]

Trong các văn hóa Đông Á cổ đại, thì các di chỉ văn hóa như Song Đôn, Đại Khê, Khuất Gia Lĩnh trong vùng nam Đông Á hay Ngưỡng Thiều, Mã Gia Diêu trong vùng bắc Đông Á đã thể hiện những ký hiệu có yếu tố của chữ viết hình vẽ hay văn tự đồ họa, là tiền thân của chữ viết biểu ý. Dạng ký tự này được sử dụng trong một thời gian khá dài trước khi dần dần biến đổi thành các dạng chữ ghi ý và ghi âm.

Trong vùng Đông Á cổ đại, thì di chỉ xuất hiện các ký hiệu sớm nhất là di chỉ Bùi Lý Cương, với niên đại khoảng 5800 – 7000 năm TCN.

Ký hiệu hình vẽ của văn hóa Bùi Lý Cương. [19]

Trong vùng trung lưu Dương Tử, địa bàn chính của các cư dân cổ có nguồn gốc từ Đông Nam Á di cư lên phía Bắc, thì tại di chỉ Song Đôn 双墩 vùng An Huy, có niên đại 5300 BC là di chỉ tìm thấy các ký hiệu sớm nhất trong vùng này, sau đó, ở các văn hóa Đại Khê (4000 – 3400 BC) và Khuất Gia Lĩnh (2800 – 2600 BC) là các văn hóa tìm thấy nhiều dấu tích ký hiệu tương đồng với di chỉ Song Đôn trong vùng Dương Tử.

Các biểu tượng hai quật trong thời đồ đá mới tại di chỉ Song Đôn tỉnh An Huy vùng hạ lưu Dương Tử. [20]

Các biểu tượng thời Đá mới của các văn hóa Đại Khê và Khuất Gia Lĩnh. [20]

Văn hóa Tống Khê trong vùng hạ lưu Dương Tử, tiền thân của văn hóa Lương Chử cũng tìm thấy một số ký hiệu khá tương đồng về hình thức với các ký hiệu của các văn hóa và di chỉ vùng Dương Tử khác.

Các biểu tượng của văn hóa Tống Khê trong vùng hạ lưu Dương Tử. [20]

Trong vùng bắc Đông Á, thì văn hóa Ngưỡng Thiều, có niên đại vào khoảng 5000 – 3000 năm TCN đã tìm thấy nhiều ký hiệu, các ký tự hình vẽ của văn hóa Ngưỡng Thiều được tìm thấy khá nhiều. Dòng di cư của vùng Dương Tử lên phía Bắc tới văn hóa Ngưỡng Thiều [9] là cơ sở cho chúng ta thấy được sự tương tác giữa cư dân Dương Tử và văn hóa Ngưỡng Thiều, chính vì vậy các hệ thống chữ viết hình vẽ của văn hóa Bùi Lý Cương, Ngưỡng Thiều và các văn hóa trong vùng Dương Tử có sự tương đồng với nhau về hình thức thể hiện.

Hệ thống ký hiệu của văn hóa Ngưỡng Thiều. [20]

Ký hiệu hình vẽ của văn hóa Ngưỡng Thiều. [20]

Văn hóa Mã Gia Diêu nằm tại vùng Tây Bắc Trung Quốc, cũng tìm thấy một hệ thống ký hiệu tương tự như ký hiệu của văn hóa Ngưỡng Thiều và các văn hóa Đại Khê – Khuất Gia Lĩnh. Văn hóa Mã Gia Diêu (3300 – 2100 BC) cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Đông Á cổ đại, trong đó nó chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ văn hóa Ngưỡng Thiều.

Hệ thống ký hiệu trên đồ gốm của văn hóa Mã Gia Diêu. [20]

Quảng Đông là vùng có cư dân Dương Tử di cư tới trong thời kỳ đá mới [21], họ di cư dọc theo các dòng sông xuống vùng này, vậy nên các di chỉ thời đồ đá mới tại đây có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử, các dấu tích về ký hiệu cũng cho thấy chúng tương tự như các ký hiệu của các văn hoá vùng Dương Tử và văn hóa văn hóa Đông Á cổ đại.

Các biểu tượng khai quật thời đá mới tại Quảng Đông. [20]

Các ký hiệu được khắc trên đồ gốm của các văn hóa ở vùng bắc Đông Á như Đại Vấn Khẩu (4300 – 2500 TCN), văn hóa Xiaoheyan trong vùng Liêu Ninh cũng bổ sung một số dạng ký hiệu vào hệ thống ký hiệu của văn hóa Đông Á cổ đại.

Các biểu tượng của văn hóa Đại Vấn Khẩu. [20]

Các biểu tượng của văn hóa Xiaoheyan, tiền thân của văn hóa Hồng Sơn trong Đông Bắc Đông Á. [20]

Các ký hiệu của các văn hóa Đông Á cổ đại có nhiều yếu tố tương đồng [18], đặc biệt là trong văn hóa và di chỉ tại nam Đông Á: Song Đôn, Đại Khê và Khuất Gia Lĩnh, Lương Chử và các văn hóa bắc Đông Á: Bùi Lý Cương, Ngưỡng Thiều, Mã Gia Diêu. Nghiên cứu di truyền cho thấy các dòng di cư lên phía Bắc vào thời đồ đá cũ và thời văn hóa Ngưỡng Thiều [9], thời văn hóa Bùi Lý Cương, Giả Hồ cũng là di chỉ đầu tiên xuất hiện lúa nước có nguồn gốc từ vùng Dương Tử [22], có thể đã có dòng di cư lên vùng phía Bắc ngay từ văn hóa Bùi Lý Cương. Vì vậy, sự kết nối và tương đồng trong các ký hiệu của văn hóa bắc Đông Á và nam Đông Á là có cơ sở khoa học.

Trong văn hóa Lương Chử, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bình gốm có khắc 4 biểu tượng được các nhà nghiên cứu xác định là một câu hoàn chỉnh. Nhà nghiên cứu Đổng Sở Bình đã giải mã 4 chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [20a]. Đây là bằng chứng cho chúng ta thấy hệ thống ký hiệu của văn hóa Lương Chử đã tiến tới dạng chữ viết tượng hình, tạo được một câu hoàn chỉnh. Như vậy, có nhiều khả năng, chữ viết của Đông Á cổ đại là một hệ thống chữ viết cổ, được kế thừa ở văn hóa Lương Chử và văn hóa tộc Việt thời Đông Sơn.

4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [20a]

Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]

2. Các loại ký hiệu hậu duệ của văn hóa Đông Á cổ:

Văn hóa Đông Á cổ đại là tiền thần của cư dân thuộc 5 hệ ngữ: Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, Hmong-Mien, Hán Tạng, thông qua các ký hiệu được chúng tôi tổng hợp ở trên, có thể thấy văn hóa Đông Á cổ đại có sự tương đồng khá cao về các ký hiệu. Các ký hiệu xuất hiện sớm nhất trong vùng Dương Tử và ảnh hưởng lên vùng bắc Đông Á. Các ký hiệu tại các văn hóa trong vùng Dương Tử và văn hóa Hoa Hạ cũng cho thấy các hậu duệ của các ký hiệu Đông Á cổ đại.

◊ Các ký hiệu của các văn hóa tộc Việt:

Văn hóa Đông Á cổ là tiền thân hình thành nên văn hóa tộc Việt tại các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, trên các đồ gốm của văn hóa Lương Chử, cũng đã tìm thấy khá nhiều ký hiệu khả năng là hậu duệ của các ký hiệu văn hóa Đông Á cổ đại. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng tìm thấy một số ký hiệu, tuy nhiên, có phần khá khác biệt với văn hóa Đông Á cổ đại, chúng tôi cho rằng các ký hiệu của văn hóa Thạch Gia Hà chưa được tổng hợp và công bố hết, do văn hóa Thạch Gia Hà cũng mới chỉ được phát hiện và nghiên cứu trong thời gian gần đây.

Các biểu tượng của văn hóa Lương Chử. [20]

Các biểu tượng của văn hóa Thạch Gia Hà. [20]

◊ Các ký hiệu nhà Thương:

Người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người Bắc Á gốc Trung Á xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào thời Hoàng Đế, vấn đề này đã được chúng tôi tìm hiểu qua một bài viết khác [24], vì vậy, khi đồng hóa cư dân Đông Á cổ đại, họ đã tiếp nhận hệ thống các ký hiệu cổ của văn hóa Đông Á. Qua các thời kỳ, thì các ký hiệu của các văn hóa Hoa Hạ có sự kế thừa và có sự khác biệt với văn hóa Đông Á cổ, ở văn hóa Long Sơn (A), thì một số ký hiệu đã khác hẳn so với văn hóa Đông Á cổ. Tới thời nhà Thương, thì Giáp Cốt văn cũng có sự khác biệt lớn với hệ thống ký hiệu cổ của Đông Á.

Một số ký tự của các văn hóa Hoa Hạ: A. Long Sơn; B. Nhị Lý Đầu; C. Nhà Thương. [20]

◊ Nhận xét:

Chữ viết của văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ đều có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, nhưng hai hệ thống chữ viết đã đi theo hai hướng khác hẳn nhau, hệ thống chữ viết của người Việt ngày càng đơn giản hóa, hướng tới dạng tượng thanh, hệ thống chữ viết của người Hoa Hạ ngày càng phức tạp hóa, theo hướng chữ tượng hình như chữ viết còn tới ngày nay.

Theo ngôn ngữ học, thì chữ viết được phân thành hai loại hình chữ viết chính:

Chữ viết ghi ý là loại chữ viết cổ nhất của loài người, chữ viết ghi ý không có quan hệ với mặt âm thanh mà chỉ có quan hệ với mặt ý nghĩa của ngôn ngữ. Thông thường mỗi một chữ ghi ý đều biểu thị trực tiếp nội dung, ý nghĩa của một từ. Do đó, về nguyên tắc, có bao nhiêu từ phải đặt ra bấy nhiêu kí hiệu để ghi. Số lượng từ của một ngôn ngữ tuy không vô hạn nhưng rất lớn vì vậy số lượng để biểu thị ý nghĩa của nó sẽ nhiều vô kể, trong khi đó thì khả năng ghi nhớ của bộ óc con người lại có hạn. [25]

Chữ viết ghi âm không quan tâm đến mặt nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Chữ viết ghi âm là đại diện của ngữ âm chứ không phải của ý nghĩa. So với chữ viết ghi ý, chữ viết ghi âm, nhất là chữ ghi âm vị, tiến bộ hơn nhiều. Ưu thế đặc biệt của kiểu chữ viết này là ở chỗ số lượng kí hiệu ghi âm được giảm xuống nhiều lần vì số lượng âm vị của một ngôn ngữ thường chỉ nằm trong khoảng “trên 10 và dưới 100” (theo P.X. Kuznêxov), do đó con người có thể tiết kiệm được sức lực và thời gian trong việc học đọc, học viết. [25]

Chữ viết của người Việt tới thời văn hóa Đông Sơn đã tiến tới dạng ghi âm (tượng thanh), nhưng chữ viết của người Hoa Hạ mới chỉ dừng lại ở dạng ghi ý (tượng hình) và tiếp tục duy trì cho tới hiện tại. Đây cũng là cơ sở cho chúng ta thấy được sự phát triển không hề thua kém của nền văn hóa tộc Việt so với văn hóa Hoa Hạ.

3. Chữ viết tượng hình văn hóa Đông Sơn:

Chữ tượng hình văn hóa Đông Sơn được tìm thấy trên các qua đồng nhiều khả năng là hậu duệ của chữ viết Đông Á cổ đại, so sánh các ký hiệu của văn hóa Đông Á cổ với hệ thống chữ viết được khắc trên các qua đồng văn hóa Đông Sơn, có thể thấy được một số yếu tố kết nối rất rõ nét. Các ký hiệu trên các qua đồng văn hóa Đông Sơn đã được Giáo sư Hà Văn Tấn chứng minh là một hệ thống chữ viết [16], mỗi ký hiệu tương ứng với một từ, đặc biệt là các ký hiệu từ 1-11, điều này chứng tỏ đây là một loại chữ viết hoàn thiện ở giai đoạn muộn của các văn hóa Đông Á cổ đại, nên có sự kế thừa và cũng có điểm khác biệt. Niên đại hình thành của hệ thống chữ viết này có thể đoán định là giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Ngô Thành, tức là khoảng 3000 năm trước.

Hệ thống chữ viết trên các qua đồng Đông Sơn. [16]

Chúng tôi đã thực hiện bảng so sánh dưới đây để bạn đọc dễ hình dung, nhìn chung, thì các ký tự của văn hóa Đông Á cổ đại được kế thừa trong văn hóa Đông Sơn và có nhiều biến đổi, khác biệt, do sự biến đổi của tự thân văn tự, bên cạnh đó thì không phải tất cả ký hiệu đều được khắc lên các đồ gốm của các văn hóa Đông Á cổ đại, nên sự tương đồng sẽ chỉ nhận thấy ở một số ký tự nhất định.

So sánh một số chữ trên các qua đồng văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đông Á cổ. Từ viết tắt: ĐS: Đông Sơn; ĐA: Đông Á; SĐ: Song Đôn, ĐK: Đại Khê, ĐVK: Đại Vấn Khẩu, LC: Lương Chử.

Các tư liệu và so sánh chúng tôi đã dẫn là cơ sở để kết luận rằng các ký hiệu của văn hóa Đông Sơn được khắc trên các qua đồng là chữ viết dạng hoàn thiện của hệ thống ký hiệu của văn hóa Đông Á cổ đại, có sự kế thừa và cũng có sự khác biệt nhất định với hệ thống ký hiệu của văn hóa Đông Á. Các tư liệu chữ viết của văn hóa Ngô Thành và văn hóa Đông Sơn cũng cho thấy sự biến đổi giữa các ký hiệu văn hóa Đông Á cổ tới chữ viết ghi âm của văn hóa Đông Sơn, điều này sẽ được chúng tôi trình bày với bạn đọc ở phần sau đây.

4. Chữ viết tượng thanh văn hóa Đông Sơn:

Trong bài khảo cứu của mình, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã tiến hành tổng hợp, khảo cứu, đối chiếu và so sánh một số ký tự được khắc trên các đồ đồng Đông Sơn, và chứng minh đó là một hệ thống chữ viết ghi âm hoàn chỉnh, có hậu duệ là chữ Thái cổ và chữ Chăm cổ [17].

Theo các nghiên cứu di truyền chúng tôi đã dẫn ở trên [11][12], thời kỳ đồ đồng đã xuất hiện một dòng di cư lớn từ nam Đông Á về phía Nam, dựa vào dòng di cư này cũng như thời điểm xuất hiện của văn hóa Đông Sơn, chúng tôi đã đề xuất giả thuyết đã có cuộc di cư về vùng Dương Tử của cư dân tộc Việt văn hóa Phùng Nguyên, họ phát triển các văn hóa trong vùng Dương Tử sau đó mới di cư về Việt Nam hình thành văn hóa Đông Sơn. Khi di cư lên phía Bắc, nhất định họ đã để lại các văn hóa, hiện tại, văn hóa Ngô Thành đã được khai quật và công bố khả năng là một trong những nền văn hóa của họ khi di cư trở lại vùng Dương Tử.

Văn hóa Ngô Thành có thể là văn hóa của người Việt xây dựng nên khi di cư lên vùng Dương Tử, qua sự so sánh các di vật khảo cổ, có thể thấy được văn hóa này có nhiều điểm tương đồng với các văn hóa Đồng Đậu và Đông Sơn trong vùng miền Bắc Việt Nam.

Rìu đồng văn hóa Ngô Thành (1) và rìu đồng văn hóa Đồng Đậu (2). [26]

Rìu cân xòe cùng với công cụ lao động của văn hóa Ngô Thành (A) và văn hóa Đồng Đậu (B), có thể thấy rất rõ đặc trưng của văn hóa tộc Việt trên các cổ vật này của văn hóa Ngô Thành. [Nguồn: 1. [26]; 2. [27]]

Tượng người bằng ngọc văn hóa Ngô Thành và tượng người cõng có phong cách tương đồng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

Khuyên tai ngọc hình vành khăn văn hóa Ngô Thành và khuyên tai ngọc văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]

Tượng trâu của văn hóa Ngô Thành (1) cũng là một hình tượng có đặc trưng văn hóa tộc Việt được kế thừa trong giai đoạn sau, như ở văn hóa Điền Việt (2) và văn hóa Đông Sơn (ảnh dưới). [Nguồn: 1. (26); 2. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Qua ngọc văn hóa Ngô Thành và qua ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Bên cạnh đó, thì theo nghiên cứu di truyền của Li et al. (2007) cho thấy haplogroup O2a (M95) đặc trưng của cư dân Nam Á chiếm đa số trong mẫu gen của văn hóa Ngô Thành [28], nghiên cứu này cho thấy cư dân văn hóa Ngô Thành có thể có nhiều thành phần cư dân nói hệ ngữ Nam Á như văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn.

Haplogroup O2a chiếm đa số trong gen của cư dân Ngô Thành. [28]

Đây là những cơ sở cho thấy sự kế thừa và nối tiếp của văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Ngô Thành và tới văn hóa Đông Sơn, hệ thống ký hiệu có thể là chữ viết của văn hóa Ngô Thành cho thấy sự tiếp nối và kế thừa giữa văn hóa Đông Á cổ đại và văn hóa Đông Sơn.

Hệ thống ký hiệu của văn hóa Ngô Thành cho chúng ta thấy được sự biến chuyển rất rõ rệt của hình dạng các ký tự, thời gian ban đầu trong các văn hóa Đông Á cổ đại, thì các ký hiệu thường là thẳng, cong hoặc tròn khá đơn giản, tới văn hóa Ngô Thành thì các biểu tượng bắt đầu trở nên mềm mại, có nhiều nét giống với chữ viết hơn, đặc biệt có một số dạng rất tương đồng với chữ của văn hóa Đông Sơn.

Các biểu tượng của văn hóa Ngô Thành. [20]

Chữ viết của văn hóa Đông Sơn là chữ ghi âm hoàn chỉnh, mỗi chữ ghi một âm, các ký tự của dạng chữ viết này được tổng hợp ở bảng phía dưới. Chữ viết ghi âm thời Đông Sơn cho thấy những yếu tố của văn hóa Đông Á cổ đại, và sự cải tiến thành một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh với trung gian là văn hóa Ngô Thành.

Các ký tự được khắc trên các đồ đồng văn hóa Đông Sơn. [17]

Thử so sánh chữ Đông Sơn với các chữ của các văn hóa Đông Á cổ trong vùng Dương Tử, nam Đông Á và chữ văn hóa Ngô Thành, chúng tôi nhận thấy chữ của văn hóa Đông Sơn gần nhất với chữ của văn hóa Ngô Thành, sau đó là các văn hóa trong vùng Dương Tử và nam Đông Á. So sánh tiếp với chữ của người Thái Đen, chúng ta có thể thấy được sự kế thừa liên tục từ chữ Đông Á cổ, tới chữ Đông Sơn, và tới chữ của người Thái Đen.

So sánh các chữ của văn hóa Đông Sơn với chữ của văn hóa Đông Á cổ đại, văn hóa trong vùng Dương Tử và Quảng Đông và chữ của người Thái Đen (Tai Viet). Các tên viết tắt: ĐS: Đông Sơn; ĐA: Đông Á; TĐ: Thái Đen; NT: Ngô Thành; LC: Lương Chử; QĐ: Quảng Đông, ĐK: Đại Khê; TK: Tống Khê. [Nguồn chữ Thái: dẫn]

Chữ viết thời Đông Sơn có hậu duệ là các chữ Thái cổ và chữ Chăm cổ, đây là các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt mà chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [1], đây chính là các hệ thống chữ viết quan trọng để chúng ta có thể khảo cứu sâu hơn và khôi phục hệ thống chữ viết của văn hóa Đông Sơn.

Bảng chữ cái Thái cổ tại Tây Bắc. [17]

Một trang viết của chữ Thái rất gần với chữ viết trên đồ đồng Đông Sơn. [17]

Hệ thống chữ viết cổ của người Chăm. [17]

3. Bàn về hai hệ thống chữ viết của văn hóa Đông Sơn:

Tại sao trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn lại có hai hệ thống chữ viết? Đây là câu hỏi đã theo chúng tôi kể từ thời điểm tìm thấy các nghiên cứu về chữ viết thời Đông Sơn, dựa vào các tài liệu khảo cổ trong vùng Dương Tử, chúng ta đã thấy được nguồn gốc, tiến trình phát triển và kế thừa của các hệ thống chữ viết này.

Chữ viết tượng hình được khắc trên các qua đồng Đông Sơn là chữ viết cổ đại của cư dân Đông Á, nó được khắc trên các di vật văn hóa Đông Sơn với mục đích tế lễ, qua đồng cũng là một hiện vật được sử dụng trong các dịp lễ tế, có thể ví dụ như chiếc qua đồng được khắc hình Rồng cá sấu ở phía dưới. Việc sử dụng chữ cổ dành cho các hoạt động tâm linh cũng là một hiện tượng không hiếm trên thế giới, ví dụ như người phương Tây vẫn sử dụng chữ Latin trong các hoạt động tâm linh hoặc các dịp trang trọng. Người Việt không loại bỏ hoàn toàn loại chữ cổ để sử dụng loại chữ mới, họ tiếp tục kế thừa và sử dụng dạng chữ cổ trong các hoạt động văn hóa tâm linh của dân tộc mình.

Qua đồng Đông Sơn có khắc họa hình Rồng được sử dụng cho lễ tế. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Vậy nên, sự tồn tại hai hệ thống chữ trong thời văn hoá Đông Sơn không những không mâu thuẫn, mà còn cho thấy sự kế thừa và phát triển của chữ viết của người Việt với các tài liệu khảo cổ về chữ viết trong văn hoá Đông Á cổ và văn hoá tộc Việt.

III. Kết luận:

Với những tư liệu khảo cổ quan trọng đã được chúng tôi dẫn và so sánh, có thể thấy được một cách khá trọn vẹn nguồn gốc và tiến trình phát triển của chữ cổ của người Việt, chữ cổ của người Việt có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại, sớm nhất là từ văn hóa Bùi Lý Cương, sau đó là tại các di chỉ và văn hóa Song Đôn, Đại Khê, Khuất Gia Lĩnh, Ngưỡng Thiều, Lương Chử trong vùng Dương Tử và các văn hóa Ngưỡng Thiều, Mã Gia Diêu cũng sử dụng một hệ thống ký hiệu tương đồng, hệ thống chữ này trải qua một quá trình dài để phát triển tới chữ viết ghi âm hoàn chỉnh vào thời văn hóa Đông Sơn, trải qua trung gian là văn hóa Ngô Thành, trong văn hóa Ngô Thành, thì chữ cổ đã có sự biến đổi rất rõ nét, giống với chữ viết hơn và gần với các ký tự được khắc trên các đồ đồng của văn hóa Đông Sơn. Hệ thống chữ tượng hình tiếp tục phát triển sau thời văn hóa Ngô Thành để hình thành chữ viết tượng hình hoàn thiện hơn được khắc trên các qua đồng Đông Sơn, từ đó phát triển tới chữ tượng thanh được khắc trên các đồ đồng Đông Sơn. Tới thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì hệ thống chữ viết cổ vẫn tiếp tục được người Việt sử dụng trong các hoạt động tế lễ, và chữ viết chính của thời kỳ này là chữ ghi âm, được sử dụng trong các hoạt động hành chính, chính trị, quân sự và đời sống thường ngày. Chữ viết ghi âm của văn hóa Đông Sơn là một dạng chữ rất tiến bộ so với các dạng chữ viết đương thời trên thế giới.

Thật may mắn là chữ của văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục được một số dân tộc tại Việt Nam ngày nay giữ gìn và sử dụng, chữ viết ghi âm của văn hóa Đông Sơn có các hậu duệ là chữ Thái cổ và chữ Chăm cổ, đây là những cơ sở vô cùng quan trọng, để chúng ta có thể nghiên cứu và khôi phục lại chữ viết cổ của người Việt, từ đó công bố trong và ngoài nước để cả người Việt và các nhà nghiên cứu quốc tế thấy được các chữ viết của người Việt thời Hùng Vương, giải tỏa những mặc cảm và tự ti mà quan niệm người Việt không có chữ viết đã đem lại trong suốt nhiều năm qua, đem lại những nhận thức khách quan hơn về nguồn gốc dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghĩ tới ý tưởng đem các hệ thống chữ viết này trở lại với đời sống của người Việt cùng với sự phục hưng của văn hóa cổ. Việc đem các hệ thống chữ cổ này trở về với văn hóa hiện đại của người Việt, sẽ đem lại nhiều ý nghĩa rất lớn lao đối với sự phát triển của văn hóa của dân tộc, phục hưng linh hồn văn hoá dân tộc, xây dựng nền tảng để chắp cánh cho dân tộc Việt có thể vươn tới những tầm cao mới trong tương lai không xa.

Lang Linh
Minh họa: Ton Bui.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2020), Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương.
https://luocsutocviet.com/2021/03/14/511-chu-viet-cua-nguoi-viet-thoi-hung-vuong/

[2] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

[3] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

[4] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[5] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[6] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[7] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[8] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63

[9] Ning, C., Li, T., Wang, K. et al. Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nat Commun 11, 2700 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-16557-2

[10] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[11] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[12] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[13] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[14] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[15] Lang Linh, (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[16] Hà Văn Tấn, “Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc”, đăng trên tờ Khảo cổ, số 1 năm 1982.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/04/20/489-he-thong-chu-viet-toc-viet-thoi-hung-vuong/

[17] Lê Trọng Khánh, 1986, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/08/06/502-su-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-viet-co/

[18] Hà Văn Tấn, “Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc”, Khảo cổ học, số 1 năm 1982.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/04/20/489-he-thong-chu-viet-toc-viet-thoi-hung-vuong/

[19] Zhang Ziping 张子平. Biểu tượng chạm khắc trên đồ gốm cổ và nguồn gốc của chữ Hán 上古陶器刻划符号与汉字起源[D]. Đại học Vân Nam 云南大学,2010.

[20] Wang Yunzhi 王蕴智. Việc phát hiện ra các biểu tượng gốm thời tiền sử và khám phá nguồn gốc của các ký tự Trung Quốc 史前陶器符号的发现与汉字起源的探索[J]. Khảo cổ học Trung Quốc 华夏考古,1994(03):95-105.

[20a] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[21] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[22] Chi, Z., & Hung, H. (2013). Jiahu 1: Earliest farmers beyond the Yangtze River. Antiquity, 87(335), 46-63. doi:10.1017/S0003598X00048614

[23] Victoria de la Jana: “Giải mã chữ viết của người Inca” (chữ Pháp), trong Khảo cổ học số 62, 1973.

[24] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[25] Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 119–126.

[26] S.V. Lapteff, The origin and development of the wucheng culture (in the context of intercultural contacts between bronze age inhabitants of the lower yangtze valley and Indochina Peninsula), Archaeology, Ethnology and Anthropology of Eurasia, Volume 38, Issue 4, 2010, Pages 93-102, ISSN 1563-0110,
https://doi.org/10.1016/j.aeae.2011.02.008.

[27] Bùi Hữu Tiến, 2016, Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng.

[28] Li, H., Huang, ., Mustavich, L.F. et al. Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River. Hum Genet 122, 383–388 (2007). https://doi.org/10.1007/s00439-007-0407-2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *