297. Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong sử Việt: từ truyện ký đến tín sử

Tín sử Việt Nam từ thời đại Hai Bà Trưng về sau khi tiếp xúc và ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc là khá rõ ràng. Từ thời Hai Bà Trưng trở về trước, có thời đại Văn Lang- Âu Lạc mà những sự kiện và nhân vật lịch sử của thời đại này phải qua trung gian gián tiếp mới được chép đến. Thời đại Văn Lang-Âu Lạc đặc thù ở Việt Nam chưa tiếp xúc và chưa ảnh hưởng nhiều với văn minh Trung Quốc, cho nên thông tin về Việt Nam chưa đến tai người Trung Quốc, hoặc thông tin rất ít ỏi và mù mờ. Thông qua các truyện ký của các tác giả người Trung Quốc sau khi họ du lịch hoặc sang làm quan ở Giao châu thời Hán-Tấn hoặc An Nam đô hộ phủ thời Đường thì thời đại Văn Lang-Âu Lạc mới được ghi chép trong sách vở, và bắt đầu được các tác giả đưa vào tín sử.

Liệt kê lần lượt các sách truyện ký được các tác giả trích dẫn qua các thời như sau:

1. Sử ký – Nam Việt liệt truyện (Tư Mã Thiên thời Hán soạn, Bùi Nhân thời Lưu Tống tập giải, Tư Mã Trinh thời Đường sách ẩn, Trương Thủ Tiết thời Đường chính nghĩa) dẫn Quảng châu ký (Bùi Uyên thời Tấn soạn) chép: 交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。 Đất quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương-Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.

2. Thủy kinh chú – Diệp Du hà (Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí (tác giả khuyết danh thời Tấn) chép: 交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。縣多為雒將,雒將銅印青綬。後蜀王子將兵三萬來討雒王、雒侯,服諸雒將,蜀王子因稱為安陽王。後南越王尉佗舉衆攻安陽王,安陽王有神人名臯通,下輔佐,為安陽王治神弩一張,一發殺三百人,南越王知不可戰,却軍住武寧縣。按《晉太康記》,縣屬交趾。越遣太子名始,降服安陽王,稱臣事之。安陽王不知通神人,遇之無道,通便去,語王曰:能持此弩王天下,不能持此弩者亡天下。通去,安陽王有女名曰媚珠,見始端正,珠與始交通,始問珠,令取父弩視之,始見弩,便盜以鋸截弩訖,便逃歸報南越王。南越進兵攻之,安陽王發弩,弩折遂敗。安陽王下船逕出于海,今平道縣後王宮城見有故處。《晉太康地記》,縣屬交趾,越遂服諸雒將。Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương-Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh. Sau có con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc Vương-Lạc hầu, chinh phục các Lạc tướng, con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Đà đem quân đánh An Dương Vương, An Dương Vương có người thần tên là Cao Thông xuống phụ tá, làm cho An Dương Vương một chiếc nỏ thần, bắn một phát giết ba trăm người, vua Nam Việt biết không đánh được, rút quân về đóng ở huyện Vũ Ninh. Xét sách Tấn Thái Khang kí chép huyện này thuộc quận Giao Chỉ. Vua Nam Việt sai Thái tử tên là Thủy hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ vương. An Dương Vương không biết Thông là người thần, đối đãi không phải đạo, Thông bèn bỏ đi, bảo vương rằng: “Giữ được nỏ này thì làm vương thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ.” Thông đi rồi, An Dương Vương có con gái tên là Mị Châu thấy Thủy đoan chính, Châu thông giao với Thủy, Thủy hỏi Châu xin lấy nỏ của cha ra cho mình xem, Thủy thấy nỏ, bèn lén cưa đứt lẫy nỏ rồi trốn về báo cho vua Nam Việt. Vua Nam Việt tiến binh đánh vương, An Dương Vương bắn nỏ thì nỏ đã gãy, liền thua. An Dương Vương xuống thuyền đi tắt ra ở ngoài biển, thành cung cũ của vương ở huyện Bình Đạo ngày nay còn thấy vết tích. Tấn Thái Khang địa kí chép huyện này thuộc quận Giao Chỉ. Vua Nam Việt bèn chinh phục các Lạc tướng.

3. Hậu Hán thư – Địa lý chí (Phạm Diệp thời Lưu Tống soạn, Lý Hiền thời Đường chú giải) chép: 交趾郡武帝置,即安陽王國。Quận Giao Chỉ đặt ra ở thời (Hán) Vũ Đế, là nước của An Dương Vương.

4. Bắc Đường thư sao (Ngu Thế Nam thời Đường soạn) dẫn Giao châu ký (Lưu Hân kỳ thời Tấn soạn) chép: 安陽王者其城在平道縣之東北林賀周相睪通徐作神弩趙曲者南越王佗之孫屢戰不克矯託行人因得與安陽王女媚珠通截弦而兵既重交一戰而霸也。An Dương Vương có thành ở phía đông bắc của huyện Bình Đạo, có (người thần là) Cao Thông làm ra chiếc nỏ thần. Triệu Khúc là cháu của vua Nam Việt tên Đà nhiều lần đến đánh nhưng không thắng, bèn muợn cớ gửi người sang nhân đó mà thông giao với con gái của An Dương Vương là Mị Châu, cắt đứt dây nỏ mà đem binh sang đánh nữa, bèn một trận là xưng bá vậy.

5. Cựu Đường thư – Địa lý chí (Lưu Hú thời Hậu Tấn soạn) dẫn Nam Việt chí (Thẩm Hoài Viễn thời Tiêu Lương soạn) chép: 交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.

6. Thái Bình ngự lãm (Lí Phưởng thời Bắc Tống soạn) dẫn Nhật Nam truyện (tác giả khuyết danh thời Tấn) chép: 南越王尉佗攻安陽。安陽王有神人睪通爲安陽王治神弩一張,一發萬人死,三發殺三萬人。佗退,遣太子始降安陽。安陽不知通神人,遇無道理,通去。始有姿容端美,安陽王女眉珠悅其貌而通之。始與珠入庫盜鋸截神弩,亡歸報佗。佗出其非意。安陽王弩折兵挫,浮海奔竄。Vua Nam Việt là Úy Đà đánh An Dương Vương. An Dương Vương có người thần là Cao Thông giúp An Dương Vương làm một chiếc nỏ thần, bắn một phát giết chết một vạn người, bắn ba phát giết ba vạn người. Đà bèn rút lui, sai Thái tử tên là Thủy hàng An Dương Vương. An Dương Vương không biết Thông là người thần, đối đãi không phải đạo lí, Thông bỏ đi. Thủy có dáng vẻ đẹp đẽ, con gái An Dương Vương tên là Mị Châu thích dáng vẻ ấy mà giao thông với Thủy. Thủy cùng Châu vào kho, lén cưa đứt lẫy nỏ thần, rồi trốn về báo cho Đà. Đà liền ra chỗ không ngờ mà đánh, An Dương Vương vì nỏ gãy quân thua, bèn vượt biển bỏ trốn.

Những ghi chép trên là của các tác giả thời Tấn về sau, ít nhất cách thời đại Văn Lang – Âu Lạc khoảng 300 – 400 năm. Các tác giả ấy không thể tự mình biết các sự kiện và nhân vật thời kỳ ấy, mà họ phải đọc các sách thời trước. Xét đất Giao châu lần lượt nội thuộc nước Nam Việt, Tây Hán, Đông Hán, Đông Ngô trước khi nội thuộc nhà Tây Tấn, Đông Tấn và Nam triều Lưu Tống – Tiêu Tề – Tiêu Lương – Trần rồi đến thời Tùy-Đường.

Âu Lạc bắt đầu nội thuộc Nam Việt từ thời Triệu Đà đánh phá An Dương Vương. Sử ký – Nam Việt liệt truyện chép sau khi Lữ Hậu mất (năm 180 trước Công nguyên), “Đà đem quân uy hiếp biên giới, đem tài vật mua chuộc các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc, bắt các nước này thần phục theo mình, đông tây vạn dặm”. Triệu Đà cũng gửi thư cho Hán Văn Đế là Lưu Hằng rằng “phía tây, Âu Lạc là nước cởi trần cũng xưng vương.” Tây Âu Lạc hay Âu Lạc là chỉ nước Âu Lạc của An Dương Vương. Âu Lạc nội thuộc Nam Việt thời điểm năm 180 trước Công nguyên, xét ra cũng phù hợp với truyện ký đã dẫn ở trên và phù hợp với tiến trình lịch sử dựng nước Nam Việt của Triệu Đà. Vào năm Tần Thủy Hoàng thứ ba mươi ba (năm 214 trước Công nguyên) lược định đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận (bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và một phần các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam ngày nay), bấy giờ Triệu Đà được làm quan Huyện lệnh Long Xuyên thuộc quận Nam Hải. Sau khi nhà Tần mất dẫn đến Hán Sở tranh hùng thành lập nhà Hán (năm 206 – 202 trước Công nguyên) thì Triệu Đà cát cứ lấy ba quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận và xưng Nam Việt Vũ Vương. Khoảng 20 năm dựng nước tích trữ lương thảo và nuôi dưỡng sĩ dân của nước Nam Việt thì Triệu Đà mới có đủ nhân lực, vật lực chống trả cuộc tấn công của nhà Hán thời Lữ Hậu sai tướng Long Lư Hầu là Chu Táo sang đánh và đủ sức khuếch trương sức mạnh ra các nước xung quanh, đó là “đánh biên ấp của nước Trường Sa, phá mấy huyện rồi rút về”, “đem quân uy hiếp biên giới, đem tài vật mua chuộc các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc”. Thời điểm này, Triệu Đà có sai Thái tử là (Triệu) Thủy sang làm tin và lấy con gái An Dương Vương là Mị Châu cũng khá phù hợp. Tạm tính Triệu Đà xưng Nam Việt Vũ Vương (năm 206 – 202 trước Công nguyên), xưng vương là dựng triều nghi đặt bách quan, lập Vương hậu và bắt đầu sinh Thái tử Thủy, đến lúc chinh phục Âu Lạc (năm 180 trước Công nguyên) là khoảng trên 20 năm, là đủ tuổi để Thái tử Thủy lấy Mị Châu rồi.

Sau khi Âu Lạc nội thuộc Nam Việt, truyện ký về An Dương Vương cũng như lịch sử của Âu Lạc có thể được người Nam Việt bắt đầu ghi lại. Vì thông thường kẻ chinh phục ít nhiều phải điều tra thân thế sự nghiệp của đối thủ, đối thủ của Triệu Đà là An Dương Vương, qua đó gián tiếp biết thêm về Lạc Vương (Hùng Vương), và điều tra về địa lý, nhân khẩu, lịch sử của vùng đất Âu Lạc bị chinh phục nữa. Những thông tin về lịch sử Âu Lạc và thân thế Lạc Vương An Dương Vương lưu truyền qua thời Nam Việt, Tây Hán, Đông Hán, Đông Ngô đến thời Tấn được ghi lại trong các sách truyện ký đã dẫn là rất tự nhiên. Đây là cách tiếp cận thông tin chủ yếu vào thời xưa. Có thể lấy ví dụ, nhà Hán đương thời biết chuyện các nước Dạ Lang và Điền thông qua cuộc nói chuyện của sứ giả nhà Hán là Đường Mông với người Nam Việt, rồi hỏi nhà buôn đất Thục từng buôn bán ở các nước Tây Nam Di mới biết có nước Dạ Lang ở bên sông Tường Kha, từ đó nhà Hán phát binh đánh Dạ Lang, lược định các nước Tây Nam Di đặt thành bảy quận (bao gồm phần nam bộ tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu ngày nay), từ đó mới biết về lịch sử các nước Dạ Lang. Xem ở Sử ký – Tây Nam Di liệt truyện. Nhà Hán bình định Nam Việt chia thành chín quận (bao gồm Lưỡng Quảng, đảo Hải Nam và Bắc bộ Việt Nam ngày nay), trong đó có quận Giao Chỉ vốn là nước Âu Lạc của An Dương Vương, lẽ thường khi nhà Hán tiếp quản quận Giao Chỉ từ nước Nam Việt thì thu lấy sổ sách và điều tra lịch sử của quận Giao Chỉ thì sự tích An Dương Vương cũng được ghi lại. Ví dụ xa hơn nữa về cách tiếp cận thông tin gián tiếp, đó là sự tích về thời nhà Hạ và Ngũ Đế (Hiên Viên, Chuyên Húc, Cao Tân, Nghiêu, Thuấn), có thể được lưu truyền trong sách vở (hoặc các giáp cốt văn, minh văn) từ thời Thương-Chu về sau. Kẻ chinh phục nhà Hạ là nhà Thương có thể đã dùng văn tự ghi lại sự tích về đối thủ của mình là nhà Hạ, và gián tiếp ghi lại sự tích về Ngũ Đế. Dù sao thì văn tự hình thành có hệ thống từ thời Thương-Chu (giáp cốt văn, triện văn) thì truyện ký về thời trước đó là thời nhà Hạ và Ngũ Đế phải được ghi lại từ thời Thương-Chu vậy.

Lịch sử Văn Lang-Âu Lạc qua truyện ký ghi lại, ít nhất có từ thời Tấn có các sách Giao cháu ngoại vực ký (交州外域記), Giao châu ký (交州記), Quảng châu ký (廣州記), Nhật Nam truyện (日南傳), Nam Việt chí (南越志), trải qua thời Nam bắc triều, Tùy, Đường đều được các sách ghi lại, và chính thức được tín sử trích dẫn ở Cựu Đường thư (舊唐書) của tác giả Lưu Hú (劉昫) thời Ngũ đại thập quốc (thế kỷ 10 sau Công nguyên). Đó là cơ sở truyện ký và tín sử để khẳng định thời đại Văn Lang-Âu Lạc của Hùng Vương-An Dương Vương là thời đại dựng nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Tích Dã
Original
Tranh minh họa: Tuyệt Duyệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *