290. Tín ngưỡng của người dân nước Văn Lang

Lịch sử văn hóa dân tộc cho biết trước khi tam giáo-đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật-du nhập vào nước ta, từ thời Hồng Bàng (2879-258 trước Tây Lịch) dân nước Văn Lang đã có sinh hoạt văn hóa trải dài thời gian mấy ngàn năm. Người dân nước Văn Lang chưa có đạo giáo, tôn giáo nào vì không có Giáo chủ, không có Chân sư lập thuyết, lập đạo thành hệ thống để truyền bá trong dân gian như Khổng tử, Lão tử, hay Đức Thích Ca. Tuy vậy, nói dân nước Văn Lang đã có sinh hoạt văn hóa là tại đã có tín ngưỡng, niềm tin vào một Quyền năng thiêng liêng nào đó, là nền tảng tủy lõi cho văn hóa trong đời sống tâm linh con người. Đạo giáo hay tôn giáo là hệ thống hóa, là dùng ngôn từ diễn tả niềm tin đó do một Chân sư thực hiện. Tín ngưỡng có trước, đạo giáo hay tôn giáo có sau. Câu hỏi đặt ra: Dân nước Văn Lang có tín ngưỡng gì? Quyền năng thiêng liêng nào đã tạo dựng được niềm tin cho dân nước ta thời cổ đại? Những vật gì đã biểu tượng cho niềm tin đó?

Nhân loại có tín ngưỡng thời cổ đại, tôn xưng một con vật hay một vật thể, một hiện tượng thiên nhiên để thờ phụng, đó là sự bái vật. Dân nước Văn Lang theo lệ chung này thờ Thần Mặt Trời và một số vật thiêng liêng khác có liên quan đến nông nghiệp.

• Mặt Trời được coi như một Thần quyền thiêng liêng, một thiên thần có nhiều quyền năng hơn hết các thiên thần khác. Mặt trời đã ban cho ánh sáng và hơi nóng, ban cho sinh khí nuôi sống muôn loài, từ nhân loại đến cầm thú và cây cỏ. Nói cách khác, Thần Mặt Trời là Đấng Thiêng Liêng tối cao của dân nước Văn Lang. Hình ảnh mặt trời tỏa sáng và hơi nóng là vật thiêng liêng được dân gian tôn thờ. Hình ảnh này còn lưu trên mặt trống đồng, coi như chứng tích văn hóa cổ đại của dân tộc Việt Nam.

• Sau Thần Mặt Trời, hai con vật được coi như vật tổ được tôn thờ là chim Mê Linh và Giao Long. Chim Mê Linh còn goi là chim Lạc, một giống chim quý như chim phượng hoàng (phượng là con trống, hoàng là con mái). Giao Long là loài thủy quái sống dưới nước như con thuồng luồng. Cũng có truyền thuyết nói là Ngạc Thần, một giống cá sấu có khả năng trấn áp các loài sống dưới nước.

• Ngoài ra một số con vật được coi như thiêng liêng vì đã giúp cho nông nghiệp, có liên quan đến thời tiết nắng mưa:

  • Con cóc tượng trưng cho quyền năng làm ra mưa. Người dân có niềm tin này vì thấy khi cóc nghiến răng kêu thì trời chuyển mưa.
  • Con nai tượng trưng cho quyền năng là khô ráo. Khi thấy đàn nai tràn xuống đồng bằng là thời tiết khô hạn, khi có mưa lụt thì người dân cầu xin cho nai xuất hiện.
  • Con gà trống gáy sáng coi như quyền năng làm cho mặt trời mọc lên đem sự sống đến muôn loài.

• Ngoài Thiên Thần Mặt Trời và các Vật Thần vừa kể, dân nước Văn Lang còn tôn thờ Nhân Thần, đó là nguồn gốc của tập tục thờ cúng tổ tiên. Tổ tiên là những người đã khuất được coi như quyền năng phù hộ cho con cháu được đông đúc, ấm no hạnh phúc, cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào cần thiết cho sự phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Tóm lại về tín ngưỡng, dân nước Văn Lang đã tôn thờ ba loại quyền năng thiêng liêng: Thiên Thần, Vật Thần và Nhân Thần. Chính phần Nhân Thần đã trở thành tính nhân bản trong văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam từ thời Hồng Bàng, mặc dù dân nước Văn Lang không có một đạo giáo, một tôn giáo nào.

Riêng về nhân thần cho đến ngày nay con dân đất nước vẫn còn theo tinh thần tín ngưỡng truyền thống dân tộc có từ thời Hồng Bàng. Nhân thần là nhân vật có công ơn lớn lao với mọi người trong cuộc sinh tồn, sau khi từ trần được người dân tưởng nhớ đến lập đền thờ, cúng bái hàng năm để tỏ lòng ngưỡng mộ tri ân. Dân tộc Việt Nam có ba bậc nhân thần thuộc ba phạm vi khác nhau trong cuộc sống cộng đồng xã hội:

Trong phạm vi toàn thể dân tộc, có Quốc Tổ Hùng Vương, các vị anh hùng như Hai Bà Trưng, đức Trần Hưng Đạo, vua Lê Lợi, vua Quang Trung…, các công thần danh tướng như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản…

Trong phạm vi xã thôn, có Thần hoàng làng thờ ở đình làng là người có công đàu với dân làng như khai hoang lập ấp, dạy nghề sinh sống cho mọi cư dân, cứu đói năm có thiên tai mất mùa… Dân làng tôn xưng vị ân nhân và được triều đình nhà vua ban sắc phong về làng để thờ, gọi là thủ tục phong thần.

Trong phạm vi gia tộc, có tổ tiên được con cháu thờ ở nhà thờ do ông tộc trưởng chăm nom lo việc cúng lễ ngày tết và ngày giỗ. Có họ to đông con cháu ở xa nhau còn có nhà thờ từng chi hay từng gia đình để thuận tiện việc thờ cúng gia tiên.

Tục lệ thờ cúng để tỏ lòng biết ơn các vị Nhân thần đã là điểm son tín ngưỡng trong văn hóa nhân bản của dân tộc Việt Nam.

Lê Thái Ất
Original

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *