271. 🌟 Vải sợi và nghề dệt vải thời kỳ Đông Sơn

Việc dùng một loại hình dụng cụ là dây buộc, dây đeo, dây căng… thường bị các nhà khảo cổ học quên lãng khi tìm về thời tiền sử, trong khi nó trở nên một loại vật dụng xuất hiện sớm và đặc biệt phổ biến, đặc biệt quan trọng trong các xã hội săn bắn hái lượm vốn còn quan sát được trong thế kỷ 18, 19, 20 ở các châu lục Á, Phi, Úc và Mỹ.

Chúng tôi đã từng đưa ra một ý kiến có vẻ lạ lẫm và cực đoan về lịch sử cây trồng, rằng trước khi con người trồng những cây lương thực như yam, taro (khoai từ, khoai sọ) hay lúa, mì, kê, mạch…thì cây có sợi cung cấp dây buộc được coi như những cây trồng đầu tiên bên cạnh nơi cư trú tiền sử, như việc tồn tại những bụi cây gai bên cạnh nhà người Mường gần đây.

vai-ds.jpg
Vải thời Văn hóa Đông Sơn

Ngoài việc dự đoán sự tồn tại của dây buộc có từ khoảng 20 ngàn năm thông qua các loại công cụ cuội có đẽo eo trong văn hóa Hòa Bình, chúng ta có những bằng chứng có thể nhìn thấy sớm nhất là hoa văn đập trên loại gốm có tên là gốm Đa Bút. Đây là loại hình gốm được coi như sớm nhất ở Việt Nam, lấy tên di tích cồn hến có tuổi 7 – 8 ngàn năm ở làng Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Loại gốm này từng xuất hiện trong những tầng cư trú văn hóa Hòa Bình ở hang Con Moong có tuổi 8.500 năm cách ngày nay. Vệt in trên gốm cho thấy chúng được tạo ra bởi những sợi dây không được se xoắn (twisted) buộc vào một thanh gỗ làm bàn đập tạo dáng gốm. Từ những dấu in đầu tiên này, phải đến 3000 năm sau, chúng ta mới có bằng chứng cho việc se xoắn sợi thông qua sử dụng một quả dọi đá (dọi xe sợi) hình tròn dẹt, có khoan lỗ ở giữa. Dường như kỹ thuật se sợi gắn trước hết với nhu cầu đan lưới đánh cá. Địa điểm khảo cổ học Gò Trũng (Hậu Lộc, Thanh Hóa) tồn tại cách ngày nay chừng 5.700 năm đã hội đủ những bằng chứng cho việc sản xuất và sử dụng một loại sợi se xoắn (twisted yarn) dùng cho đan lưới đánh cá. Tại đây, cuộc khai quật năm 1977 đã phát hiện một số mảnh gốm có dấu in hoa văn tạo bởi bàn đập buộc dây se xoắn. Cũng ở đây lần đầu phát hiện một dọi se sợi bằng đá và hàng trăm chì lưới bằng đá cùng hàng trăm cân xương cá lớn trong tầng văn hóa – bằng chứng cho việc sử dụng lưới đánh cá. Tuy nhiên, việc phát triển kỹ thuật se xoắn sợi đã mở ra bước ngoặt trong kỹ thuật dệt may. Bằng kỹ thuật đan lát, những sợi vỏ cây thô không se chỉ có thể tạo ra những sợi mảnh, chắc thì mới có thể nói đến nghề dệt vải. Vì vậy, nếu nói đến nghề dệt vải, chúng ta chỉ có bằng chứng gián tiếp từ sau 6.000 năm.

Những dấu vải đầu tiên được nhắc đến trên một vài mảnh gốm nào đó ở địa điểm Đồi Giàm, lớp văn hóa Phùng Nguyên, tuổi cách nay gần 4.000 năm. Cũng nhiều người nói đến một loại hoa văn in dấu vải trong văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn Gò Bông. Nhưng đến nay vẫn chưa có một khảo cứu khoa học nào về những hoa văn đó, rằng đó là văn in giống dấu vải hay là in bằng dấu vải thực. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, từ văn hóa Phùng Nguyên, dọi se sợi bằng gốm đã trở thành một loại hình di vật thường thấy. Dấu vải thực sự chỉ mới thấy phổ biến in trên đồ đồng thau Đông Sơn, 2.500 năm cách ngày nay. Và những người may mắn tận mắt nhìn được những miếng vải Đông Sơn thực thụ là những người đã khai quật và nghiên cứu mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) năm 1958. Hơn 10 năm sau, nhóm khai quật chữa cháy 8 mộ thuyền Châu Can (Phú Xuyên, Hà Tây) là những người đầu tiên quan tâm thu thập và nghiên cứu vải trong các mộ này. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, khi Trung tâm tiền sử Đông Nam Á thử nghiệm thành công việc khai quật và bảo quản vải trong mộ thuyền Châu Can 2000 – M1 thì những miếng vải thời Đông Sơn mới thực sự được nghiên cứu đầy đủ như một loại hình hiện vật khảo cổ học và bảo tàng học.

datlocvai

locvai
Vải được lọc ra từ những khối đất

118 mảnh vải lớn nhỏ đã được lọc ra từ 0,015 mét khối đất vớt vát từ mộ thuyền Châu Can 2000 – M1. Chúng thực sự là những phần khác nhau của trang phục chủ nhân nằm trong mộ – một thanh niên khoảng 18 – 20 tuổi, từ những tấm thân áo có diềm khâu, diềm tua đến những vật trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp lanh (cannabis) và lụa (silk), đến cả những mảnh thắt lưng dệt bằng vải gai (boehmira) trên khuôn dệt bề ngang rộng không quá 5cm. Sợi dệt nên những miếng vải này đều được se theo kỹ thuật xoắn Z hoàn toàn khác so với kiểu se xoắn S phổ biến hiện nay. Những bằng chứng đầu tiên của kỹ thuật thêu (embroidery) cũng đã tìm thấy ở đây…

chaucan
Khai quật mộ Châu Can 2000 – M1 (Phú Xuyên, Hà Tây)

Phát hiện quan trọng hơn nữa, đó là gần 1200 miếng vải lớn nhỏ đã được Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với Bảo tàng Hưng Yên khai quật và bảo quản tốt từ ngôi mộ thuyền Đông Sơn đào chữa cháy ở khu mộ táng Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) năm 2002. Có tới 7 loại vải làm từ ba cỡ sợi của hai kiểu dệt khác nhau đã được nhận biết. Vật liệu tạo nên những miếng vải đó là gai (90%), lanh (8%) và lụa (2%). Hoàn toàn chưa thấy bằng chứng của bông (cotton). Ngoài những đặc trưng đã phát hiện ở vải Châu Can, tại Động Xá đã tìm thấy hơn 20 miếng vải có những băng sợi màu tạo nên bởi việc sử dụng những sợi lanh nhuộm chàm trong khi dệt trên nền vải chính là những sợi gai.

Dongxa
Khai quật mộ thuyền Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) năm 2002

Hiện nay, nhờ kinh nghiệm khai quật và bảo quản vải cũng như các vật chất hữu cơ khảo cổ học khác như hạt quả, đồ gỗ, đồ sơn then bằng hệ thống những phòng thí nghiệm khá hiện đại. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã mở ra khả năng nghiên cứu và trưng bày những loại hình di vật có nguồn gốc thực vật vốn rất khó khai quật và bảo quản. Một đề án hợp tác nghiên cứu vào cuối năm 2004 giữa Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng học Úc đã được ký kết nhằm khai quật, bảo quản và nghiên cứu hoàn chỉnh một vài mộ thuyền Đông Sơn với hy vọng sẽ khám phá những điều bí ẩn tiềm chứa sau lớp bùn lắng đọng trong các mộ thuyền về những bộ trang phục của tổ tiên chúng ta thời các vua Hùng dựng nước.

Nguồn:

1. Cổ vật tinh hoa, số 8, tháng 7/2004.
2. Wetland Archaeology in Vietnam (Tham luận tại hội thảo khoa học)


Những bằng chứng khảo cổ tìm được đã cho thấy, nghề dệt vải có từ thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 năm.

Những bằng chứng khảo cổ tìm được đã cho thấy, nghề dệt vải có từ thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 năm.

Nghề dệt vải nguyên thủy thực chất là sự phát triển của các kỹ năng đan lát bằng mây tre được thay thế bởi những sợi vỏ cây nhỏ mảnh hơn. Và như vậy quá trình phát sinh kỹ năng dệt vải gắn liền với sự ra đời và phát triển của hai yếu tố kỹ thuật: tạo sợi vỏ cây và tạo ra những dụng cụ “đan lát” cho loại hình sợi nhỏ mảnh này – que dẫn, bàn dệt và máy dệt.

Chúng tôi đã chú ý đi tìm những bằng chứng như vậy trong khảo cổ học và phát hiện những bằng chứng sớm nhất của việc xe xoắn sợi vỏ cây ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Dấu vết của những sợi làm từ vỏ cây được xe xoắn đầu tiên đã phát hiện trên bề mặt một số mảnh gốm cổ thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đa Bút – một nền văn hóa khảo cổ học thời đại đồ đá mới phân bố chủ yếu ở các thung lũng và đồng bằng hai bên sườn dãy Tam Điệp, nay thuộc địa phận Ninh Bình và Thanh Hóa, khi mà mực nước biển đang dâng cao tới mức 4 – 6m so với hiện nay.

Trước đó, các sợi buộc quanh những bàn đập gỗ dùng trong quá trình tạo dáng đồ gốm là những sợi vỏ cây không được xe xoắn. Việc sử dụng sợi xe xoắn với những dụng cụ chuyên biệt đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử kỹ thuật loài người.

Những vệt in sợi vỏ cây được xe xoắn trên đồ gốm Đa Bút cách ngày nay 5 – 6 ngàn năm.

Bởi vì, xét trên phương diện tiến trình kỹ thuật học, thì kỹ năng xe xoắn sợi không chỉ đơn thuần có ý nghĩa trong việc tạo ra những dây buộc, đan bền chắc hơn mà còn mở đường cho hàng loạt kỹ thuật nguyên thủy khác có sử dụng lực xoắn, lực đàn hồi, quy luật xoay tròn trên một điểm (ví dụ bàn xoay trong nghề gốm, tiện gỗ, đá…).

Kỹ năng xe xoắn sợi vỏ cây thời văn hóa Đa Bút gắn liền với một dụng cụ thường được gọi là dọi xe chỉ. Tại địa điểm Gò Trũng (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thuộc nền văn hóa này các nhà khảo cổ đã phát hiện một hiện vật đá mỏng dẹt được mài tròn, đường kính gần 10cm, ở giữa có khoan lỗ.

Hiện vật này có thể được coi là có chức năng tương tự như quả dọi xe chỉ bằng đất nung sau này. Người xưa cắm một chiếc que vào lỗ chính giữa hiện vật. Sợi vỏ cây được buộc vào thân que đó để treo lơ lửng.

Tác động lực một chiều của con người vào rìa cạnh phiến đá tròn sẽ khiến nó quay tít quanh trục que cắm và nhờ thế làm sợi dây tước từ vỏ cây xoắn dần lại, trở nên săn chắc, đanh gọn hơn. Đây chính là tiền đề kỹ thuật cho phép phát triển kỹ thuật đan lát tre nứa trước đây thành việc dệt ra các tấm lưới, tấm vải với sự thay thế các nan tre mây bằng các sợi vỏ cây được xe xoắn đó.

Hàng trăm quả “chì lưới” bằng đá cũng đã được phát hiện ở địa điểm Gò Trũng nói trên. Phát hiện này giúp khẳng định sự tồn tại của lưới đánh cá ở Việt Nam ít nhất cũng từ 6.000 năm trước. Như vậy, sự xuất hiện của kỹ thuật xe xoắn sợi vỏ cây và bằng chứng gián tiếp của lưới đánh cá là tiền đề kỹ thuật cho sự ra đời của nghề dệt vải thời đại đá mới Việt Nam cách ngày nay 6.000 năm.


Vải sợi thời văn hóa Đông Sơn

Nhờ những tiến bộ của khai quật khảo cổ học, tư liệu vải sợi của thời kỳ này thu được khá nhiều với tư cách là trang phục hay vải liệm quấn quanh xác chết. Trước đây, khi đào được những quan tài thân cây khoét rỗng nổi tiếng ở Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Can (Hà Tây cũ), các nhà khảo cổ học đã nhận thấy những vết vải còn lại trong quan tài.

Nhưng phải đến năm 2000, bằng một kỹ thuật tách lọc đặc biệt, nhóm các nhà nghiên cứu của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mới có thể thu thập, bảo tồn những tấm vải cổ trên 2.300 năm tuổi vô cùng quý giá đó từ quan tài M1 của cuộc khai quật khu mộ Châu Can năm 2000.

Những cuộc khai quật tiếp theo tại những khu mộ Đông Sơn như Động Xá, tỉnh Hưng Yên (2002, 2004) và Yên Bắc, tỉnh Hà Nam (2004) đã đưa khỏi lòng đất hàng ngàn những mảnh vải như vậy. Hiện tại bộ sưu tập vải hiếm hoi của văn hóa Đông Sơn đang được lưu giữ, bảo tồn tại Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Việt Nam.

Lớp vải phủ trên sườn trái của một nam thanh niên 18 – 20 tuổi được chôn trong mộ Châu Can – M1/2000.

Kết quả nghiên cứu đã cho phép xác nhận nguồn gốc vật liệu của các tấm vải Đông Sơn đó. Sợi dệt vải Đông Sơn đa số được làm từ vỏ cây gai và cây lanh.

Ngoài ra còn có những bằng chứng gián tiếp xác nhận việc sử dụng sợi tơ tằm muộn nhất là từ 2.300 năm trước. Đó là dấu in những túi lụa (52×35/cm2) bọc tiền đồng, gương đồng và vệt để lại của những sợi lụa được dùng làm sợi màu trang trí trên các tấm vải gai đương thời.

Ngoài ra, tại địa điểm Yên Bắc, trong một quan tài thân cây khoét rỗng chứa hài cốt một em bé, chúng tôi đã phát hiện một loại vải làm từ một thứ sợi vỏ cây rất mảnh, ít xe xoắn khác hẳn với sợi gai và sợi lanh từng có. Hiện tại vẫn chưa xác định được chúng làm từ sợi của loại cây nào.

Trên 90% số lượng tiêu bản vải thời Đông Sơn được ghi nhận dệt trơn. Đó là loại hình dệt hiện còn phổ biến ở hầu khắp các dân tộc miền núi Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện đã phát hiện 2 trong số 60 mộ Đông Sơn ở Động Xá có loại vải gai mang đặc trưng dệt đúp.

Vải của cư dân Đông Sơn đã được dệt theo cách lồng các đoạn sợi đã nhuộm màu chàm hay tơ tằm theo chiều các sợi dọc để tạo nên những tấm vải có hoa văn gồm các băng sọc dọc có độ rộng khác nhau. Kiểu vải như vậy thường thấy trên trang phục người trang trí trên các đồ đồng miền núi gắn với vùng văn hóa thượng nguồn sông Hồng

Đa phần số lượng tiêu bản vải Đông Sơn hiện có thuộc về những tấm vải liệm quấn quanh xác chết. Nhiều trường hợp chứng tỏ những tấm vải này có trang trí chủ yếu bằng những đường sọc dọc bằng tơ tằm hay bằng sợi lanh nhuộm màu.

Một số ít là vải trang phục mang những dấu hiệu gia công như khâu viền, đơm thêu, thắt lưng… khiến cho việc phục dựng trang phục đương thời chủ yếu vẫn phải dựa vào những hình tượng người được thể hiện trên đồ đồng khai quật được.

Trong thời Đông Sơn, ở phía bắc Việt Nam chúng tôi chưa từng phát hiện việc sử dụng sợi bông. Tuy nhiên, những mảnh vải thuộc bình tuyến văn hóa Đông Sơn vừa mới phát hiện ở Gò Quê (Quảng Ngãi) cho thấy có thể việc sử dụng sợi bông đã xuất hiện ở miền Nam Việt Nam từ trước Công nguyên. Có lẽ tương tự tình hình phát hiện sợi bông và gai trong một số địa điểm khảo cổ học thời đại sắt ở Thái Lan.

Các bài viết của tiến sĩ Nguyễn Việt,
T
rung tâm tiền sử Đông Nam Á
được đăng trên nhiều trang mạng khác nhau. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *